(KTSG) - Hoạt động giao thương toàn cầu đang đối mặt với áp lực lớn từ sự suy yếu về nhu cầu cho tới những thay đổi về mô hình thương mại. Các chuyên gia đã cảnh báo nguy cơ tăng trưởng thương mại sẽ chậm hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đây là tin không vui cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
- Xuất khẩu Trung Quốc sụt giảm, dấu hiệu suy yếu của thương mại toàn cầu
- Những thay đổi của chuỗi cung ứng trong kỷ nguyên mới của thương mại toàn cầu
Hoạt động xuất khẩu sụt giảm tại nhiều nước
Trong khi giới phân tích vẫn chưa thống nhất được về việc liệu nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt với một cuộc suy thoái nhẹ hay nghiêm trọng, sớm hay muộn, một vấn đề đáng lo ngại khác đang dần nổi lên. Đó là việc hoạt động thương mại toàn cầu đang đối mặt với những dấu hiệu căng thẳng sâu sắc, hay nghiêm trọng hơn là “một cuộc suy thoái của thương mại toàn cầu”, như cách gọi của ông David Lubin - người đứng đầu mảng kinh tế thị trường mới nổi tại Citigroup.
Theo Citigroup, tốc độ tăng trưởng hàng năm của khối lượng hàng hóa nhập khẩu toàn cầu đã chuyển sang mức âm vào cuối năm ngoái, và tiếp tục duy trì tình trạng này trong giai đoạn đầu năm 2023. Hiện có rất ít lý do để tin rằng tình hình sẽ sớm được cải thiện.
Các số liệu mới công bố hồi tuần trước cho thấy, giá trị xuất khẩu (tính bằng đô la Mỹ) của Trung Quốc trong tháng 6 đã giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc không phải nền kinh tế xuất khẩu duy nhất tại châu Á đối mặt với khó khăn. Xuất khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc) trong tháng 6 đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi Việt Nam ghi nhận mức giảm 11%, Hàn Quốc cũng đã giảm 6% và Ấn Độ lao dốc tới 13%.
Những yếu tố kìm hãm thương mại toàn cầu
Theo chuyên gia David Lubin của Citigroup, có nhiều lý do khiến tăng trưởng thương mại đang chững lại vào thời điểm hiện tại.
Đầu tiên là thế giới đang trải qua sự bế tắc giao dịch trong thời kỳ hậu Covid-19, bắt nguồn từ những phản ứng với các chính sách kinh tế khác nhau đã được áp dụng trong thời kỳ dịch bệnh.
Trong khi Mỹ và các nước phương Tây sử dụng các biện pháp hỗ trợ tài chính để tăng sức mua của người dân, Trung Quốc lại lựa chọn cách thức đưa công nhân quay trở lại các nhà máy. Nói cách khác, trong khi Trung Quốc cố gắng thúc đẩy nguồn cung, các đối tác thương mại phương Tây của họ lại tập trung nâng cao nhu cầu.
Tuy nhiên giờ đây mọi thứ đều đang chững lại. Lạm phát cao và các đợt tăng lãi suất để kiềm chế đà tăng giá cả của các ngân hàng trung ương cũng buộc người tiêu dùng phải chi tiêu thận trọng hơn, qua đó, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu từ các nước châu Á.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi xu hướng chi tiêu từ hàng hóa sang dịch vụ, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển, cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại. Giờ đây, khi nền kinh tế đã hoạt động bình thường trở lại, nhu cầu chi tiêu lại tập trung vào các dịch vụ ăn uống, du lịch...
Tăng trưởng thương mại cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự không đồng đều trong đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Sự suy yếu niềm tin tiêu dùng của Trung Quốc cũng đang khiến các hộ gia đình nước này chi tiêu tiết kiệm hơn, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu.
Triển vọng ảm đạm kéo dài
Các nhà kinh tế cho biết, thương mại toàn cầu đã chậm lại trong nhiều tháng qua, nhưng xu hướng giảm có thể còn kéo dài hơn nữa.
Đầu tiên là triển vọng xấu đi đối với nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay được dự báo sẽ đạt khoảng 2,3%, và năm 2024 thậm chí còn yếu hơn nữa, đặc biệt là khi các ngân hàng trung ương lớn đang tiếp tục các nỗ lực tăng lãi suất để đẩy lùi lạm phát. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí đi vay, thắt chặt hơn nữa hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia dự báo Mỹ và châu Âu có thể rơi vào suy thoái trong năm nay, làm gia tăng áp lực lên hoạt động thương mại.
Về lâu dài, triển vọng thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi các nền kinh tế lớn đẩy mạnh việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu và mang một phần lớn hoạt động sản xuất và đầu tư về nước.
Một phần ngày càng tăng trong kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đang hướng tới các khu vực bao gồm Trung Đông và Mỹ Latinh, phản ánh các liên kết kinh tế được củng cố nhờ hoạt động đầu tư của Trung Quốc và nhu cầu lớn đối với tài nguyên thiên nhiên của nước này.
Trong khi đó, hoạt động thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây đang đối mặt với rào cản lớn từ mối quan hệ ngày càng căng thẳng. Trong giai đoạn 12 tháng tính đến tháng 5 vừa qua, các biện pháp thuế quan đã ảnh hưởng tới 15% lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ, chỉ giảm đôi chút so với mức 20% hồi năm 2018, dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Mỹ, châu Âu và Nhật Bản cũng đã triển khai các gói trợ cấp lớn cho sản xuất chất bán dẫn và đầu tư công nghệ xanh, một nỗ lực nhằm giảm sự phụ thuộc của họ vào chuỗi cung ứng do Trung Quốc thống trị.
Trong bối cảnh đó, không có gì ngạc nhiên khi xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong tháng 6 đã giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chuyến hàng đến Liên minh châu Âu (EU) cũng giảm 13%.
Tăng trưởng thương mại chậm hơn tăng trưởng GDP
Chuyên gia David Lubin của Citigroup nhận định, việc thế giới dường như đã đi qua giai đoạn “đỉnh cao của toàn cầu hóa” là lý do khiến chúng ta không thể lạc quan về thương mại. Đây là một thực tế đã gây áp lực giảm đối với tăng trưởng thương mại toàn cầu trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vào đầu những năm 1980, xuất khẩu thế giới chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Quá trình toàn cầu hóa đã đưa tỷ lệ đó lên 25% ngay trong khoảng thời gian xảy ra cuộc khủng hoảng năm 2008, sau đó là một sự suy giảm đều đặn, đưa tỷ lệ này xuống còn 20% vào năm 2020.
Trong giai đoạn 10 năm tính tới năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại toàn cầu đã giảm xuống dưới tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu.
“Đó là một dấu hiệu của sự phi toàn cầu hóa được thể hiện trong dữ liệu thương mại”, Gene Ma, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế ở Singapore bình luận về sự đảo ngược hoàn toàn của xu hướng đã kéo dài nhiều năm qua, và từng được coi là dấu hiệu của sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu một lần nữa sẽ giảm xuống dưới mức tăng trưởng GDP vào năm 2023. Chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng địa chính trị và nỗ lực nội địa hóa chuỗi cung ứng có thể khiến điều này trở thành sự thật trong tương lai gần.
Các nhà kinh tế đang cố gắng dự đoán xem, việc các nền kinh tế lớn chuyển dịch dần khỏi xu hướng toàn cầu hóa sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế, đầu tư và thương mại.
Một trong những vấn đề được chú ý là khi tốc độ hội nhập của thế giới không bằng tốc độ tăng trưởng thu nhập, các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào sự hội nhập đó - các nền kinh tế mới nổi - sẽ là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả.
IMF cũng chia sẻ nỗi lo ngại trên khi cho biết trong một báo cáo gần đây rằng, đầu tư toàn cầu của các nước giàu sẽ ngày càng chảy sang các nền kinh tế phát triển khác, gây bất lợi cho các quốc gia đang phát triển, vốn đang rất cần nguồn vốn đầu tư nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Và ngay cả khi một số nền kinh tế có thể được hưởng lợi từ sự dịch chuyển hoạt động sản xuất, như việc các nước phương Tây đưa nhà máy rời khỏi Trung Quốc, các chuyên gia kinh tế vẫn lo ngại rằng tác động tổng thể từ những rào cản như vậy lên thương mại tự do sẽ là có hại. Chuyên gia kinh tế cấp cao Alex Holmes tại Oxford Economics ở Singapore, kết luận: “Tác động tổng hợp lên GDP toàn cầu sẽ là tiêu cực”.
Nguồn: WSJ, Financial Times, Bloomberg, NDTV
Thương mại toàn cầu chịu tác động bởi “gần gũi” về chính trị
Theo Bản cập nhật Thương mại toàn cầu tháng 6-2023 của Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), thương mại toàn cầu tăng trưởng trong quí đầu tiên của năm 2023 khi cả thương mại hàng hóa và dịch vụ đều phục hồi sau thời kỳ suy thoái năm ngoái. Điều đáng quan tâm là sự gia tăng thương mại chủ yếu tập trung ở các nước “gần gũi về chính trị”, cho thấy sự chuyển hướng thương mại sang ưu tiên giữa các quốc gia có chung giá trị chính trị, được UNCTAD mô tả là “nước bạn”.
UNCTAD cho biết, sau khi sụt giảm vào nửa cuối năm 2022, thương mại đã phục hồi mạnh mẽ vào quí 1-2023, tăng thêm 100 tỉ đô la Mỹ so với quí 4-2022, chủ yếu nhờ gia tăng thương mại trong lĩnh vực phương tiện giao thông đường bộ và dược phẩm.
Tương tự, thương mại trong lĩnh vực dịch vụ cho thấy khả năng phục hồi trong suốt năm 2022 và đạt mức tăng trưởng 2,8% trong quí 1-2023, một phần là nhờ sự phục hồi vẫn đang tiếp diễn của ngành du lịch và lữ hành sau cuộc khủng hoảng Covid-19.
Trong khi hầu hết các khu vực đều có tăng trưởng thương mại tích cực, tăng trưởng thương mại ở khu vực Đông Á vẫn ở dưới mức trung bình.
Trong suốt năm 2022 và quí 1-2023, thương mại quốc tế giữa các khu vực gần gũi về mặt địa lý vẫn tương đối ổn định, cho thấy tác động của xu hướng chuyển sản xuất về gần với thị trường tiêu thụ chưa rõ nét.
Chiến tranh ở Ukraina, sự chia rẽ thương mại Mỹ-Trung và Brexit đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các xu hướng thương mại “nước bạn” này. Tuy nhiên, theo Pinelopi Goldberg, Giáo sư Kinh tế và Các vấn đề toàn cầu của Elihu và là thành viên của Trung tâm Phát triển kinh tế tại Đại học Yale, bản thân khái niệm tình bạn có thể thay đổi liên tục.
Ngọc Thanh (theo Seanews Turkey)