Thứ hai, 25/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Thương mại toàn cầu ước tính giảm 1.500 tỉ đô la trong năm 2023

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Thương mại toàn cầu trong năm 2023 ước tính giảm 5% so với năm ngoái, xuống còn khoảng 30,7 nghìn tỉ đô la Mỹ trong năm nay do xuất khẩu kém hiệu quả từ các nước đang phát triển và các căng thẳng địa chính trị, theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD). Tổ chức này cũng đánh giá triển vọng thương mại toàn cầu trong năm 2024 bi quan.

UNCTAD cho rằng thương mại toàn cầu suy giảm trong năm nay do tác động của các căng thẳng địa chính trị và xuất khẩu kém hiệu quả của các nền kinh tế đang phát triển trong bối cảnh nhu cầu của các nền kinh tế tiên tiến suy yếu. Ảnh: logisticsmgmt

Trong báo cáo cập nhật thương mại toàn cầu cầu công bố hôm 11-12,  UNCTAD cho biết thương mại toàn cầu trong năm dự kiến giảm khoảng 1,5 nghìn tỉ đô la so với mức cao kỷ lục khoảng 32 nghìn tỉ đô la vào năm 2022.

Theo báo cáo, thương mại hàng hóa bị ảnh hưởng nặng nề nhất với mức giảm dự kiến 8%, tương đương khoảng 2 nghìn tỉ đô la. Trong khi đó, thương mại dịch vụ dự kiến tăng khoảng 7%, tương đương 500 tỉ đô la.

“Thương mại toàn cầu đã tăng trưởng âm kể từ giữa năm 2022, chủ yếu do thương mại hàng hóa sụt giảm đáng kể và tiếp tục giảm trong ba quí đầu năm 2023. Ngược lại, thương mại dịch vụ cho thấy khả năng chống chịu tốt hơn và vẫn tăng trưởng tích cực trong cùng thời kỳ”, báo cáo ghi nhận.

UNCTAD dự đoán sẽ có sự thay đổi trong quí 4-2023, với thương mại hàng hóa sẽ tăng nhẹ và thương mại dịch vụ sẽ giảm.

UNCTAD cho rằng sự sụt giảm thương mại toàn cầu một phần là do hoạt động xuất khẩu của các nước đang phát triển kém hiệu quả.  “Thương mại toàn cầu đã trải qua sự suy giảm trong suốt năm 2023, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm ở các quốc gia phát triển, hoạt động xuất khẩu kém ở các nền kinh tế Đông Á và giá hàng hóa giảm. Những yếu tố này cùng nhau góp phần dẫn đến sự thu hẹp đáng kể trong thương mại hàng hóa”, báo cáo của UNCTAD giải thích.

UNCTAD chỉ ra rằng các xu hướng địa chính trị, bao gồm cả sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng giảm giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đang tác động đến thương mại toàn cầu.

“Cuộc chiến ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga và việc giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các xu hướng thương mại song phương quan trọng. Những yếu tố này không chỉ tác động trực tiếp đến các nền kinh tế liên quan mà còn gián tiếp ảnh hưởng đến động lực thương mại của các nền kinh tế khác”, UNCTAD nhận định.

UNCTAD cho biết lãi suất cao ở một số nước đang cản trở hoạt động kinh tế. Điều này thể hiện qua các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) mới nhất của ngành sản xuất của Mỹ và Trung Quốc báo hiệu triển vọng sản lượng công nghiệp suy yếu trong những tháng tới.

“Trong khi một số chỉ số kinh tế gợi ý về sự cải thiện tiềm năng, căng thẳng địa chính trị dai dẳng, mức nợ cao và tình trạng bất ổn kinh tế lan rộng dự kiến gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu”, UNCTAD cho biết.

Thương mại là một thành phần quan trọng của nền kinh tế toàn cầu, cho phép các nước mở rộng thị trường và tiếp cận hàng hóa và dịch vụ có thể không có sẵn trong nước, do đó giúp giá cả cạnh tranh hơn và rẻ hơn.

Hồi tháng 10, các bộ trưởng thương mại của nhóm các nước công nghiệp G7 cam kết hợp tác để đảm bảo chuỗi cung ứng thông suốt cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm và năng lượng trong bối cảnh bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu. Họ nhất trí rằng sự hợp tác với các đối tác quốc tế ngoài G7 và hợp tác với khu vực tư nhân là điều cần thiết để phục hồi chuỗi cung ứng.

UNCTAD ước tính, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm tốc xuống 2,4% trong năm nay, từ mức 3% vào năm 2022, do mức nợ cao ở nhiều nước và quá trình phục hồi không đồng đều ở thời kỳ hậu Covid-19. Xu hướng này sẽ kéo dài năm 2024, với triển vọng thương mại toàn cầu vẫn “rất không chắc chắn và nhìn chung là bi quan”, UNCTAD nhận định.

Sự biến động của giá hàng hóa cũng làm tăng thêm sự bất ổn, với các xung đột khu vực và căng thẳng địa chính trị kéo dài dự kiến làm suy yếu tâm lý kinh doanh. UNCTAD cho rằng tầm quan trọng ngày càng tăng của việc đảm bảo các khoáng sản quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng dự kiến ảnh hưởng đến giá cả và góp phần hơn nữa vào tình trạng biến động thị trường đối với những mặt hàng này.

Thương mại toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng bởi cách các chuỗi cung ứng phản ứng trước những thay đổi trong chính sách thương mại và căng thẳng địa chính trị. Những tác động này đã xảy ra trong mối liên kết cung ứng giữa Trung Quốc và Mỹ.

“Các công ty từ các khu vực khác, đặc biệt là ở các nền kinh tế Đông Á và Mexico, có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi những lo ngại về địa chính trị”, UNCTAD cho biết.

Theo Reuters,  National News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới