Thương quá, bác nông dân...
Luật gia Vũ Xuân Tiền
![]() |
(TBKTSG) - Xin phép được gọi tất cả những người nông dân Việt Nam là bác nông dân - cái tên chung, thân thương và gần gũi.
Những phẩm chất cao quý
Điều đáng quý nhất ở các bác nông dân Việt Nam là tâm hồn trong sáng. Dù có biến động như thế nào, dù các trào lưu “Tây hóa” có sôi động đến đâu trong xã hội, các bác vẫn cứ chăm chăm với mảnh ruộng, đàn gà, đàn lợn, vườn rau, ao cá của mình. Các bác không bon chen, kèn cựa, không chạy chức, mua quyền. Một nhà thơ của nước ta đã viết: “Lòng khỏe nhẹ, anh dân quê sung sướng/Ngả mình trên lớp cỏ ngủ ngon lành/Và trong mơ, thơm ngát cánh đồng xanh...”. Ôi, thật tuyệt vời những tâm hồn như thế!
Giữ trọn tình làng, nghĩa xóm cũng là nét văn hóa đáng trân trọng của các bác nông dân Việt Nam. Niềm vui, nỗi buồn của một gia đình, rất tự nhiên, trở thành niềm vui, nỗi buồn của cả làng, cả xóm. Quan hệ, ứng xử với nhau theo một tục lệ bất thành văn “lời chào cao hơn mâm cỗ”.
Những điều ấy đã có, đang có và sẽ mãi mãi còn ở làng quê, ở các bác nông dân Việt Nam. Những điều ấy không có được ở nơi thị thành tấp nập với rất nhiều biệt thự, ô tô, xe gắn máy đắt tiền và những con người hối hả...
Các bác nông dân cũng đã đóng góp nhiều nhất cho hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Chưa ai công bố số liệu chính thức, nhưng chắc chắn rằng, trong hàng triệu chiến sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phần lớn là con, em của các bác nông dân.
Trong nền kinh tế thị trường hôm nay, ở các làng quê, cảnh “bán con” như chị Dậu năm nào đã lùi vào dĩ vãng. Rất nhiều gia đình nông dân đã có của ăn, của để, có ti vi, tủ lạnh. Song, đó là kết quả của một sự chắt chiu, tằn tiện đến cao độ. Cho nên, ngay trong thời đại mới, khi người ta giao dịch với nhau bằng tiền tỉ hay hàng trăm, hàng ngàn lượng vàng, các bác nông dân Việt Nam vẫn tính toán, chi tiêu với từng đồng nhỏ, lẻ. Các bác vẫn không thuộc tầng lớp có nhiều tiền. Họ chân lấm tay bùn, nói năng không văn hoa nhưng lại đáng quý hơn vạn lần không ít kẻ mũ cao, áo dài và luôn tuôn ra những lời lẽ sáo mòn, trống rỗng!
Những người chịu nhiều thua thiệt
Các bác nông dân Việt Nam - những con người đáng quý nhất. Thế nhưng, từ xưa cho đến hôm nay, các bác lại là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất trong xã hội.
Dưới thời phong kiến, các bác chỉ có nghề làm thuê, cuốc mướn, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà vẫn không đủ ăn. Ấy là do các bác không có một tấc đất cắm dùi.
Bây giờ, các bác nông dân đã làm chủ trên mảnh đất của mình. Thế nhưng, nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất có quá nhiều rủi ro. Chỉ một trận bão, một trận dịch, bao công lao với những ngày phơi sương, phơi nắng của các bác bỗng nhiên... biến mất. Cho nên, dù rất chăm chỉ, làm việc quần quật nhưng các bác... nghèo vẫn hoàn nghèo!
Đất nước đang từng ngày thay da, đổi thịt. Khoa học, kỹ thuật phát triển đã hạn chế được phần nào những thiên tai, lũ lụt và dịch bệnh. Các bác nông dân đã sản xuất, chăn nuôi được nhiều hơn, không chỉ để phục vụ cho nhu cầu của bản thân mà còn để bán. Song, các bác lại vướng ngay cái “cơ chế thị trường”. Sản phẩm làm ra sẽ bán cho ai, bán ở đâu và bán với giá nào?
Vốn là những người “chân quê”, có người cả đời chưa đi quá cái chợ làng, những câu hỏi ấy quả là hóc búa đối với các bác. Thế là hàng đống nông sản hàng hóa bị thối rữa vì không tiêu thụ được, dẫn đến “cụt” hết cả những đồng vốn nhỏ nhoi. Đã qua hơn hai mươi năm đổi mới nhưng việc tổ chức thị trường nông sản hàng hóa, bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch... vẫn đang là những “đề tài... nghiên cứu”! Thế cho nên, nghịch lý nông dân bỏ ruộng để ra các đô thị kiếm sống vẫn đang tồn tại!
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366.440 héc ta (chiếm 3,89% đất nông nghiệp đang sử dụng, bình quân mỗi năm thu hồi 73.290 héc ta). Trong đó, diện tích đất nông nghiệp thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 39.560 héc ta, xây dựng đô thị là 70.320 héc ta và xây dựng cơ sở hạ tầng là 136.170 héc ta”.
Bị thu hồi đất thì các bác nông dân mất việc làm và không ít trường hợp còn mất luôn cả nhà ở - cái tài sản nhỏ nhoi mà cả đời dành dụm các bác mới dựng được. Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,“việc thu hồi đất nông nghiệp và đất ở trong năm năm vừa qua (2001-2005) đã tác động tới đời sống của 627.495 hộ gia đình, khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người. Trong đó, vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ bị ảnh hưởng do thu hồi đất lớn nhất với khoảng 300.000 hộ, Đông Nam bộ với khoảng 108.000 hộ...”.
Giá đền bù cho một mét vuông đất bị thu hồi là rất nhỏ so với giá thị trường. Với đất nông nghiệp, mức bồi thường tính chung trong cả nước chỉ từ 38.000-50.000 đồng/mét vuông. Ở một dự án khu đô thị tại Hà Nội, chủ dự án đền bù cho các bác cao hơn, tới 190.000 đồng/mét vuông, nhưng ngay sau khi phân lô làm hạ tầng, giá một mét vuông đất ở đó đã lên tới 20 triệu đồng. Khoản siêu lợi nhuận này, các bác nông dân chỉ là những người ngoài cuộc!
Khi bị thu hồi đất, một số nông dân nhận được khá nhiều tiền. Một số các bác (chiếm tới 31,9% số hộ được điều tra, khảo sát) đã tiêu xài một cách “hào phóng” những đồng tiền cuối cùng khi bán đất cho dự án vào đời sống sinh hoạt, thậm chí có thể nói là xa xỉ, kể cả cờ bạc, rượu chè... Đó là một sự thật đau lòng và những bác nông dân tiêu xài “hào phóng” ấy đáng thương hơn là đáng giận!
Đất nước càng phát triển, nông thôn lại càng đìu hiu, các bác nông dân càng cô đơn. Đó lại là một nghịch lý nữa ở nông thôn Việt Nam hôm nay. Bởi vì, càng sản xuất càng thua lỗ và càng nghèo; mất đất thì mất việc làm. Cho nên con cái các bác nông dân bỏ làng đi nơi khác kiếm kế mưu sinh. Thế là, sau lũy tre làng chỉ có những ông già, bà lão được coi là “trụ cột gia đình” kiên trì bám trụ để hương khói cho tổ tiên!