Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Thủy sản ĐBSCL ‘điêu đứng’ vì xâm nhập mặn gay gắt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Thủy sản ĐBSCL 'điêu đứng' vì xâm nhập mặn gay gắt

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Khi nồng độ nước mặn tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng cũng là lúc hoạt động nuôi cá, tôm nước ngọt, thậm chí nghêu nước mặn ở các vùng ven biển cũng bị ảnh hưởng, thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra.

Năm nay con cá tra "bơi" khó khăn

Thủy sản ĐBSCL 'điêu đứng' vì xâm nhập mặn gay gắt
Thủy sản cũng bị thiệt hại do xâm nhập mặn, chứ không chỉ riêng cây trồng. Trong ảnh là một ao nuôi cá tra của người dân. Ảnh minh họa: Trung Chánh

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thuộc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ranh mặn 4 gam/lít ở các sông vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã xâm nhập sâu và vượt mốc kỷ lục của năm 2016, cao nhất lên đến khoảng 25 km. Điều này, đã có tác động khá lớn đến hoạt động sản xuất, nuôi thủy sản của doanh nghiệp và người dân, nhất là ở các địa phương ven biển.

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn liên quan những tác động của hạn mặn, thời gian qua chủ yếu chỉ mới ghi nhận ở khía cạnh ảnh hưởng đến sản xuất lúa, cây ăn trái cũng như tác động đến nước sinh hoạt của người dân, chứ chưa có những đánh giá cụ thể về tác động đến nuôi thủy sản.

Cụ thể, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tác động của hạn mặn được công bố hôm 6-3, cho thấy tổng thiệt hại sản xuất lúa (ảnh hưởng trên 30% năng suất) vụ mùa và đông xuân 2019- 2020 là 39.000 héc ta, bằng 9,6% tổng thiệt hại của năm 2015-2016, trong khi đó, về nước sinh hoạt toàn vùng có khoảng 95.600 hộ bị ảnh hưởng.

Riêng về tác động, ảnh hưởng của hạn mặn đến hoạt động nuôi thủy sản, thì chưa được thể hiện trong báo cáo nêu trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù trên thực tế đang có những ảnh hưởng khá lớn, nhất là ở các địa phương ven biển.

Ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre- là một trong những địa phương ven biển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long- cho biết, tình hình xâm nhập mặn từ đầu năm đến nay đã diễn ra khá gay gắt, vượt mốc lịch sử của mùa khô 2015-2016 và có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của người dân.

Đối với nuôi trồng thủy sản, theo ông Trọng, hạn mặn năm nay dẫn đến tình huống không lường trước được, đó là mặn những năm trước đây không đến nỗi làm cá tra chết, nhưng năm nay hầu hết các ao nuôi dọc theo các bãi bồi ven sông đều bị nổ mắt, chết làm thiệt hại gần như tất cả các ao nuôi.

Ngoài cá tra, theo ông Trọng, địa phương có 722 héc ta nuôi tôm càng xanh cũng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn. “Đặc biệt, nước mặn ở các cửa sông đã vượt lên trên 30 gam/lít nên tất cả các hợp tác xã  nuôi nghêu của tỉnh bị thiệt hại nặng nề, với khoảng 1.100 tấn, ước thiệt hại khoảng 23 tỉ đồng”, ông Trọng cho biết.

Không chỉ ảnh hưởng đến khu vực nuôi, theo ông Trọng, xâm nhập mặn còn tác động đáng kể đến lĩnh vực sản xuất của doanh nghiệp. “Trên lĩnh vực công nghiệp, thì hầu hết các hoạt động sản xuất, chế biến của tỉnh xoay quanh sử dụng nguồn nguyên liệu nông sản đều bị ảnh hưởng. Địa phương phải tăng cường chuyển nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ sản xuất cho các doanh nghiệp vì gần như toàn tỉnh đã bị xâm nhập mặn".

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu tại Tiền Giang cho biết, những nơi xâm nhập mặn với nồng độ cao đã khiến cá tra nuôi chết, trong khi ở những nơi nhẹ hơn thì cá chậm lớn. Còn với hoạt động sản xuất, chế biến cũng bị ảnh hưởng khá nhiều, chi phí sản xuất sẽ gia tăng vì buộc phải mua nước ngọt từ nơi khác đến hoặc phải trang bị thiết bị lọc nước để loại bỏ muối.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới