(KTSG Online) – Tỉ phú Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla, đã sa thải một loạt lãnh đạo chủ chốt của Twitter sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm mạng xã hội này với giá 44 tỉ đô la Mỹ hôm 27-10. Động thái này diễn ra khi Musk chuẩn bị cải tổ mô hình kinh doanh của Twitter để thúc đẩy doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
- Tỷ phú Elon Musk chính thức tiếp quản điều hành mạng xã hội Twitter
- Twitter lên kế hoạch phòng vệ vì Elon Musk muốn ‘thâu tóm thù địch’ với giá 43 tỉ đô la
Wall Street Journal dẫn lời các nguồn tin cho biết những lãnh đạo của Twitter bị sa thải bao gồm Giám đốc điều hành Parag Agrawal, Giám đốc tài chính Ned Segal, Giám đốc chính sách và các vấn đề pháp lý Vijaya Gadde và Trưởng ban pháp chế Sean Edgett.
Hồi tháng 4, Musk đã đồng ý mua Twitter với giá 44 tỉ đô la Mỹ, sau đó đe dọa từ bỏ thỏa thuận trước khi đảo ngược hướng đi một lần nữa vào tháng này và cam kết xem xét hoàn tất thương vụ thâu tóm. Trước đây, ông đã thể hiện sự không hài lòng với một số lãnh đạo hàng đầu tại Twitter.
Thỏa thuận thâu tóm sẽ đưa Twitter trở thành một công ty tư nhân đồng thời mở rộng đế chế kinh doanh của Musk, bao gồm hai doanh nghiệp nổi bật, hãng xe điện Tesla và Công ty công nghệ không gian SpaceX. Cổ phiếu Twitter trên sàn giao dịch chứng khoán New York sẽ hủy niêm yết kể từ ngày 28-10.
Trước đây, Musk cho biết sẽ thanh toán cho thương vụ bằng tiền mặt, với một số do các nhà đồng đầu tư đóng góp và khoản vay nợ 13 tỉ đô la Mỹ.
Việc hoàn tất thương vụ sẽ kết thúc câu chuyện lùm xùm kéo dài nhiều tháng qua về việc liệu Musk có mua lại Twitter hay không. Thỏa thuận này cũng đặt một trong những nền tảng truyền thông xã hội nổi bật nhất thế giới dưới quyền kiểm soát của vị tỉ phú giàu nhất thế giới, có ý nghĩa quan trọng đối với tương lai của diễn ngôn trực tuyến.
Musk tự cho mình là người ủng hộ tuyệt đối quyền tự do ngôn luận và đã cam kết hạn chế việc kiểm duyệt nội dung trên Twitter sau khi ông thâu tóm Twitter thành công. Tuy nhiên, cách tiếp cận đó có nguy cơ gây ra xung đột với một số nhà quảng cáo, chính trị gia và những người dùng thích một nền tảng được kiểm duyệt hơn.
Trong một thông điệp gửi đến các nhà quảng cáo trên Twitter hôm 27-10, Musk cho biết ông mua Twitter là để tạo ra “một quảng trường kỹ thuật số công cộng, nơi có thể tranh luận một cách lành mạnh về nhiều niềm tin”.
Nhưng ông cũng lưy ý rằng Twitter không thể là không gian tự do cho tất cả, nơi mà bất kỳ điều gì cũng có thể bàn luận mà không lãnh hậu quả.
Musk cho biết Twitter phải “nồng nhiệt và chào đón tất cả mọi người” và gợi ý nền tảng mạng xã hội này có thể cho phép người dùng chọn trải nghiệm dựa theo sở thích họ, chẳng hạn họ có thể xem phim hoặc chơi trò chơi điện tử trên Twitter.
Quyết định hoàn tất tiếp quản Twitter của Musk được đưa ra hai tuần trước khi một tòa án ở bang Delaware mở phiên xét xử vụ Twitter kiện ông vì tìm cách rút lui khỏi thỏa thuận thâu tóm. Thẩm phán đã đồng ý tạm dừng vụ kiện khi Musk yêu cầu thêm thời gian để hoàn thành thỏa thuận.
Hồi tháng 4, Musk đề nghị mua lại Twitter với giá 54,2 đô la Mỹ/cổ phiếu, cao hơn khoảng 38% so với giá cổ phiếu của Twitter trên thị trường chứng khoán vào thời điểm đó. Chốt phiên giao dịch hôm 27-10, giá cổ phiếu Twitter tăng 0,66%, lên mức 53,7 đô la Mỹ.
Trong những tháng sau khi thương vụ được công bố, Twitter đã phải đối mặt với những nỗ lực của Musk để từ bỏ thỏa thuận khi ông cáo buộc công ty đã che giấu tình trạng phổ biến của các tài khoản giả mạo và thư rác trên nền tảng của mình, điều mà Twitter đã phủ nhận.
Sau đó, ông chủ Tesla đã đàm phán giảm giá mua lại Twitter nhưng không thành công.
Sự tiếp quản Twitter của Musk đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của nền tảng này, bao gồm cách ông có thể cải tổ mô hình kinh doanh của nó và cách ông thực hiện những thay đổi chính sách kiểm soát nội dung.
Cũng giống như các công ty truyền thông xã hội khác, Twitter phụ thuộc rất nhiều vào quảng cáo kỹ thuật số và phải đối mặt với những khó khăn trong những tháng gần đây do tình trạng bất ổn kinh tế trên diện rộng. Twitter cũng sẽ phải gánh thêm khoản nợ hàng tỉ đô la Mỹ do Musk vay tiền để hoàn tất thỏa thuận thâu tóm. Việc thanh toán các khoản vay đó sẽ làm tăng thêm chi phí cho Twitter vốn đã thua lỗ 8 năm trong 10 năm tài chính vừa qua.
Các kế hoạch cụ thể của Musk cho Twitter vẫn chưa rõ ràng. Wall Street Journal cho biết ông có thể đưa Twitter trở lại thị trường đại chúng sau một vài năm,
Bằng cách đưa Twitter trở về trạng thái công ty tư nhân, vị tỉ phú công nghệ này có thể chấp nhiều rủi ro hơn để cải tổ hoạt động kinh doanh của Twitter. Youssef Squali, Giám đốc phân tích internet tại Công ty Truist Securities, cho biết: “Musk có thể rút Twitter khỏi thị trường đại chúng trong vài năm để thiết kế lập lại toàn bộ công ty này”.
Ông Musk đã gợi ý rằng ông muốn chuyển Twitter từ mô hình kinh doanh nặng về quảng cáo sang các hình thức thu nhập khác, bao gồm cả việc chú trọng nhiều hơn vào việc thu phí đăng ký sử dụng của người dùng. Quảng cáo chiếm hơn 90% doanh thu của Twitter trong quí 2 năm nay.
Sau khi đề xuất thâu tóm Twitter hồi tháng 4, Musk cam kết đưa doanh thu hàng năm của Twitter tăng lên 26,4 tỉ đô la Mỹ vào năm 2028, từ 5 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Ông cho biết sẽ giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo của Twitter xuống dưới 50% doanh thu. Vào năm 2028, quảng cáo sẽ tạo ra doanh thu 12 tỉ đô la Mỹ và phí đăng ký đóng góp 10 tỉ đô la Mỹ, theo kế hoạch của Musk. Doanh thu khác sẽ đến từ việc cấp phép sử dụng dữ liệu cho các doanh nghiệp.
Theo WSJ, NY Times