(KTSG Online) - Hàng trăm tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, bao gồm cả tỉ phú Elon Musk, ông chủ của hãng xe điện Tesla, kêu gọi các phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu thế giới tạm dừng hoạt động đào tạo các hệ thống siêu mạnh mới trong vòng sáu tháng. Họ cảnh báo những tiến bộ gần đây trong trong lĩnh vực AI, nổi bật nhất là chatbot GPT của OpenAi, đang áp đặt “những rủi ro sâu sắc” đối với xã hội và nhân loại.
- Elon Musk: AI là một trong rủi ro lớn nhất đối với tương lai của nền văn minh
- Microsoft tìm cách ‘chế ngự’ chatbot Bing, phiên bản nâng cao của ChatGPT
Lời kêu gọi của họ được đưa ra trong một thư ngỏ hai tuần sau khi công ty khởi nghiệp Open AI của Mỹ công bố GPT-4, phiên bản mới nhất của chatbot GPT và là hệ thống AI mạnh nhất cho đến nay. Nhiều chuyên gia lo ngại khi cuộc chạy đua phát triển siêu AI ngày càng nóng lên, loài người đang bước vào thảm họa.
“Trí tuệ nhân tạo cao cấp có thể tạo ra một sự thay đổi sâu sắc trong lịch sử sự sống trên Trái đất, vì vậy, cần được lên kế hoạch phát triển cũng như quản lý với sự quan tâm và nguồn lực tương xứng. Thật không may, mức độ lập kế hoạch và quản lý này chưa xuất hiện dù những tháng gần đây chứng kiến các phòng thí nghiệm AI bị cuốn vào cuộc chạy đua mất kiểm soát nhằm phát triển và triển khai những bộ óc kỹ thuật số mạnh mẽ hơn bao giờ hết mà không ai, kể cả những người tạo ra chúng, có thể hiểu được, dự đoán hoặc kiểm soát một cách đáng tin cậy”, thư ngỏ cho biết.
Ngoài tỉ phú Elon Musk, danh sách những người ký tên vào thư ngỏ còn có hơn 1.000 tên tuổi lớn khác trong cộng đồng công nghệ, gồm đồng sáng lập Apple, Steve Wozniak và một số nhà nghiên cứu nổi tiếng nhất trong lĩnh vực AI. Tính đến hôm 28-3, không có nhân viên hay lãnh đạo của OpenAI ký tên vào thư ngỏ. Tên của Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman xuất hiện trong một thời gian ngắn nhưng biến mất sau đó. Emad Mostaque, Giám đốc điều hành của Stability AI, công ty phát triển sản phẩm AI sản xuất hình ảnh Stable Diffusion, và Tristan Harris, Giám đốc điều hành của Trung tâm Công nghệ nhân đạo, cũng xuất hiện trong danh sách những người ký tên.
Bức thư được đăng trên trang web của Viện Tương lai cuộc sống (Mỹ), một tổ chức phi chính phủ tập trung cho các nỗ lực giảm rủi ro tồn vong và thảm họa toàn cầu, bao gồm rủi ro sống còn từ công nghệ AI tiên tiến.
Bức thư có đoạn: “Các hệ thống AI đương đại đang trở nên cạnh tranh với con người trong các nhiệm vụ nói chung. Chúng ta phải tự hỏi liệu chúng ta có nên để máy móc chi phối các kênh thông tin bằng những thông điệp tuyên truyền sai sự thật? Chúng ta có nên tự động hóa tất cả các công việc, bao gồm cả những công việc giúp chúng ta hạnh phúc hay không? Chúng ta có nên phát triển những bộ óc phi nhân loại mà rốt cục có thể lấn át và thông minh hơn chúng ta, làm cho chúng ta lỗi thời và thay thế chúng ta không? Chúng ta có nên mạo hiểm mất kiểm soát nền văn minh của mình không? Những quyết định như vậy không nên được giao cho các nhà lãnh đạo công nghệ không được bầu chọn”.
Bức thư kêu gọi tất cả các phòng thí nghiệm AI đồng ý tạm dừng phát triển các hệ thống siêu AI trong sáu tháng để các bên liên quan tiếp tục nghiên cứu về an toàn. “Các phòng thí nghiệm AI và các chuyên gia độc lập nên sử dụng thời gian tạm dừng này để cùng phát triển và triển khai một bộ giao thức an toàn dùng chung cho hoạt động thiết kế và phát triển AI tiên tiến, được các chuyên gia độc lập bên ngoài kiểm tra và giám sát chặt chẽ”.
Những người đứng sau bức thư lưu ý rằng họ không kêu gọi tạm dừng hoạt động phát triển AI nói chung, mà chỉ là “một bước lùi khỏi cuộc đua nguy hiểm để hướng tới các mô hình hộp đen ngày càng lớn hơn và không thể đoán trước với các năng lực mới nổi”.
Bức thư được đưa ra khi Cục cảnh sát châu Âu (Europol) hôm 27-3 lên tiếng báo động rủi ro đạo đức và pháp lý đối với siêu AI như ChatGPT, chẳng hạn bọn tội phạm mạng sẽ sử dụng nó để lừa đảo và lan truyền thông tin sai lệch.
Kể từ khi được phát hành vào năm ngoái, ChatGPT của OpenAI được Microsoft hậu thuẫn, đã thúc đẩy các đối thủ tung ra các sản phẩm tương tự và tích hợp chúng vào các ứng dụng và sản phẩm của họ.
Musk là người đồng sáng lập OpenAI. Tuy nhiên, ông đã rời hội đồng quản trị của công ty này vào năm 2018 và không còn nắm giữ cổ phần của OpenAI vì cho rằng nó không còn theo đuổi mục tiêu hoạt động như một tổ chức phi lợi nhuận mã nguồn mở.
Theo Time, Reuters
Tất cả đều do con người đạo diễn. Năng lượng hạt nhân là một ví dụ. Nếu vì mục tiêu hòa bình thì mang lại lợi ích rất lớn cho kinh tế toàn cầu. Nhưng nếu vì động cơ chiến tranh thì nguy cơ hủy diệt toàn cầu khó tránh khỏi. AI, cũng chỉ là công cụ hỗ trợ năng lực sáng tạo. Nằm trong vòng kiểm soát hoặc tung hoành ra khỏi vòng kiểm soát, chắc chỉ có lương tâm con người mới thấu hiểu được mà thôi.