(KTSG) - Với quy mô thị trường còn nhỏ và nhiều điều kiện thuận lợi từ phương diện luật và chính sách, ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng.
- Vốn ngoại vào trung tâm dữ liệu, cuộc đua bắt đầu nóng
- Xây dựng Luật dữ liệu, quy chuẩn trung tâm dữ liệu quốc gia
Triển vọng tích cực
Báo cáo cập nhật ngành trung tâm dữ liệu (Data Center) mới đây của SSI Research cho thấy triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn của ngành này tại Việt Nam. Cụ thể, với quy mô thị trường còn tương đối nhỏ, Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng vượt trội so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC).
Theo ước tính của Research and Markets, thị trường trung tâm dữ liệu tại APAC sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm trên 10% trong giai đoạn 2024-2029, trong đó Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn, khoảng 13%, bất chấp tốc độ Internet chỉ ở mức trung bình và quy mô thị trường trung tâm dữ liệu còn tương đối nhỏ.
Cụ thể, cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu của Việt Nam còn khá thưa thớt, với chỉ khoảng 30 trung tâm dữ liệu, phần lớn tập trung ở TPHCM và Hà Nội. Theo đánh giá, nguồn cung hiện tại như trên là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu và còn cách khá xa so với nhiều quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Úc, Singapore, Ấn Độ, Hàn Quốc và Malaysia. Điều này cho thấy Việt Nam đang có cơ hội trở thành một điểm đến tiềm năng trong số các thị trường trung tâm dữ liệu toàn cầu.
Đối với ngành trung tâm dữ liệu, 97% thị phần hiện thuộc về bốn công ty trong nước bao gồm: Viettel IDC, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), FPT Telecom và CMC Telecom. Phần nhiều các trung tâm dữ liệu của những công ty này đã đạt được các yêu cầu chất lượng quốc tế, bằng việc đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho ít nhất một trong ba tiêu chí (thiết kế, xây dựng và vận hành). Đặc biệt, cả năm trung tâm dữ liệu của công ty có thị phần dẫn đầu là Viettel IDC đều đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt ANSI/TIA-942 Rated 3.
Trong trường hợp các khoản đầu tư/mở rộng trên của Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom đều thành công như kế hoạch, ước tính rằng nguồn cung trung tâm dữ liệu Việt Nam có thể tăng lên và đạt ít nhất 400 MW vào năm 2030 (so với mức 46 MW vào năm 2023).
Trong khi đó, với thị trường điện toán đám mây, các nhà cung cấp nước ngoài mới là những công ty hàng đầu, chiếm khoảng 80% thị phần (đã bao gồm ba tên tuổi lớn trên thị trường toàn cầu là AWS, Microsoft và Google). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ba công ty lớn này chưa sở hữu bất kỳ cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu vật lý nào tại Việt Nam.
Để khắc phục các vấn đề liên quan đến độ trễ, đầu tư trung tâm dữ liệu tốn kém, cũng như các rào cản quy định trong việc cung cấp dịch vụ đám mây tại Việt Nam, ba ông lớn này đã hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu/điện toán đám mây trong nước. Do đó, các đơn vị cung cấp điện toán đám mây nước ngoài có thể được coi vừa là đối thủ cạnh tranh vừa là đối tác của các đơn vị trong nước.
Hỗ trợ từ luật và chính sách
Về phương diện luật và chính sách, cũng theo báo cáo trên của SSI Research, các yêu cầu về chủ quyền dữ liệu/bảo mật dữ liệu có thể là động lực cho nhu cầu về trung tâm dữ liệu. Theo Nghị định 53/2022/NĐ-CP, các loại hình doanh nghiệp nước ngoài cung cấp các dịch vụ tại Việt Nam (như dịch vụ viễn thông, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, mạng xã hội và trò chơi trực tuyến) phải lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam.
Trong khi đó, Nghị định 13/2023/NĐ-CP lại tập trung vào vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhằm tăng cường bảo mật, quyền riêng tư dữ liệu và yêu cầu các tổ chức tuân thủ tiêu chuẩn cụ thể về quản lý dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, Luật Viễn thông (2023) cũng có thể là một trong những khung quy định quan trọng giúp tạo ra tiềm năng tăng trưởng về nguồn cung.
Cụ thể, luật này (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024) lần đầu tiên cung cấp các định nghĩa pháp lý chính thức liên quan đến trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, đồng thời cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu lên đến 100% các khoản đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Theo Reuters, Google đang xem xét phát triển một trung tâm hyperscale tại Việt Nam (gần TPHCM). Còn với các doanh nghiệp trong nước, Viettel IDC đặt mục tiêu mở rộng cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu lên 17.000 racks vào năm 2025 và 34.000 racks vào năm 2030 (so với công suất hiện tại là 11.500 racks). Đối với FPT Telecom, công ty dự định ra mắt một trung tâm dữ liệu mới vào năm 2025 (hơn 3.000 racks tại quận 9, TPHCM) và đang lên kế hoạch cho một trung tâm dữ liệu khác tại Hà Nội vào năm 2032. Còn CMC Telecom đang hướng tới phát triển một trung tâm dữ liệu dạng hyperscale 45 MW (trong giai đoạn 2025-2029, tại TPHCM), cùng với kế hoạch đầu tư ba dự án trung tâm dữ liệu khác (tổng cộng 70 MW IT load).
Trong trường hợp các khoản đầu tư/mở rộng trên của Viettel IDC, FPT Telecom và CMC Telecom đều thành công như kế hoạch, ước tính rằng nguồn cung trung tâm dữ liệu Việt Nam có thể tăng lên và đạt ít nhất 400 MW vào năm 2030 (so với mức 46 MW vào năm 2023). Về dài hạn hơn, chương trình chuyển đổi số quốc gia cũng sẽ góp phần kích thích nhu cầu về các trung tâm dữ liệu.
Hiện tại, bốn trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam đều liên quan đến các công ty công nghệ thông tin/viễn thông hàng đầu là Viettel (Viettel IDC), VNPT, FPT (FPT Telecom) và CMG (CMC Telecom), nhưng mới chỉ có ba công ty FPT, CMG và FPT Telecom là đang niêm yết trên sàn chứng khoán. Nếu FPT và CMG là hai công ty dịch vụ CNTT niêm yết lớn nhất thì FPT Telecom là nhà cung cấp băng thông cố định lớn thứ 3 cả nước. Ngoài ra, VNG Corporation (hay VNG) cũng đang có khoản đầu tư vào trung tâm dữ liệu.
Theo ước tính, trung tâm dữ liệu mới có thể giúp tăng gần gấp đôi công suất trung tâm dữ liệu hiện tại của FPT Telecom, cho thấy tiềm năng tăng trưởng hai con số trong trung hạn cho mảng trung tâm dữ liệu của FPT Telecom (dù đóng góp từ lĩnh vực này vẫn còn nhỏ).
Bên cạnh đó, việc thành lập liên minh AseanConnectOne có thể giúp FPT Telecom mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng và cải thiện chất lượng dịch vụ (đặc biệt là dịch vụ đám mây/trung tâm dữ liệu) trong dài hạn.