Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiền của người già

Khánh Hưng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - “Bà có nhiều tiền lắm!”. Cô chú bác đều nói với nhau như thế từ khi tôi nhặt được tờ 500.000 đồng trên lối đi vào nhà bà. Tôi thì không rõ thực hư, nhưng vẫn tin và nghĩ bà có tiền thật, bởi bà vẫn tự nuôi mình mà không đòi con cháu chu cấp đồng nào.

Bà đã trên 90 tuổi. Tôi không biết bà có tiền từ đâu ngoài mấy trăm ngàn tiền nhà nước nuôi người già hàng tháng. Chú tôi bảo tiền của bà có từ thời ông cố để lại, vì ngày xưa ông cố là địa chủ, vàng tính bằng hũ!? Cô tôi thì nói tiền trong tay bà giờ cũng cỡ trăm triệu chứ chẳng ít, bằng chứng là mỗi khi kẹt tiền, cô ngồi gần thủ thỉ thì bà lại mở hầu bao cho vay vài triệu. Ai cũng đồng tình là bà có tiền trong tay, không cần lo, nên mỗi khi mua giùm miếng thịt, con cá hay liều thuốc, đều vui vẻ lấy tiền từ tay bà.

Ngày cứ thế bình yên trôi đi, tiền của bà, bà giữ, cô chú bác vẫn thầm thì bàn tán, nhưng không ai dám nói khi có mặt bà. Cho đến cái ngày quê tôi lên cơn sốt đất, mọi người nháo nhào tính chuyện đầu tư. Rồi khi đã vay khắp mọi nơi, cô chú bác sực nhớ đến tiền của bà. “Phải mượn của bà thôi”, chú tôi lên tiếng. “Nhất trí, chứ tiền của bà để đó là đồng tiền chết”, cô tôi thêm lời.

Thế là họp gia đình. Bà ngồi trên cùng, ở vị trí trịnh trọng nhất, mắt cứ ngó nghiêng. Cô chú bác thay nhau phát biểu những ý lời đã được soạn sẵn. Rằng tiền bà dành dụm được bao nhiêu thì nên cho tụi con mượn hết, đất đang sốt, vàng đang lên mà cứ giữ lấy tiền thì phí lắm, phải đầu tư…

Tôi là hàng con cháu, không được dự vào cuộc họp gia đình. Tôi cũng không hiểu lắm về những cái gọi là “đầu tư”, “sinh lời”, “cơ hội” mà cô chú bác phân tích. Tôi ngồi nhìn và thấy bà ngồi im như pho tượng. Nghe xong mọi lời, bà đứng dậy, tay run run, cái đầu lúc lắc, miệng thì thào: “Tiền tao, tao giữ, không đầu tư gì hết!”.

Cuộc họp gia đình kết thúc trong im lặng. Tôi dìu bà men theo lối nhỏ lên nhà, bà ngồi xuống ghế, buông tiếng thở dài mà không nói năng gì. Bà mệt nhọc và muốn được một mình, tôi biết chắc như thế nên đã lặng lẽ ra về.

Cả ngày hôm đó, các cô chú bác vẫn cứ bàn đi tán lại chuyện mượn tiền mua đất. Xen trong câu chuyện có cả những lời trách móc bà. Chú tôi bảo trong đám cháu nội ngoại, chỉ đám cưới của tôi là bà đeo cho một chỉ vàng, những đứa còn lại mỗi đứa chỉ được năm phân, “hay là bảo nó lên tiếng mượn?”. Tôi ú ớ chỉ biết lắc đầu từ chối, vì vẫn nhớ tiếng thở dài của bà. Tôi tin bà có cái lý của người già. Sống gần trọn thế kỷ, hẳn bà đã chứng kiến biết bao câu chuyện cho con mượn tiền, tất cả, như lời bà từng thì thầm: “Có lấy lại được đâu!”.

Tôi rời bỏ đám đông, lại men theo lối nhỏ lên nhà bà. Bà vẫn ngồi đó, mắt nhìn xa xăm ẩn chứa nhiều tâm sự. Rồi bà kéo tay tôi vào, cầm cái gối bà vẫn thường kê đầu lên, rút ra một bọc nylon đã ngả màu trầu, dúi vào tay tôi: “Tiền bà còn chừng này, mày giữ, nếu bà còn sống thì đưa lại cho bà ăn, nếu bà mất thì đưa ra lo đám”.

Tôi đem về ngồi đếm, tất cả chỉ vỏn vẹn 6 triệu đồng. Thế mà ai cũng đồn bà có cả trăm triệu trong tay…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới