Thứ bảy, 21/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiến dần tới một xã hội phát triển hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tiến dần tới một xã hội phát triển hơn

Danh Đức

(TBKTSG) - Câu chuyện “Lắp camera ‘“phạt nguội” trên toàn quốc: CSGT đỡ ra đường, người dân nâng cao ý thức” đăng trên Tuổi Trẻ ngày 25-12-2020 có lẽ không chỉ dừng trong ý nghĩa đó mà sẽ là khởi đầu cho một chuyển biến xã hội lớn rộng hơn, sâu xa hơn, tích cực hơn.

Tiến dần tới một xã hội phát triển hơn
Tuyến đường Lê Duẩn được gắn bảng thông báo giám sát và xử phạt vi phạm giao thông bằng camera. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo một cục phó Cục cảnh sát giao thông được trích lời, sẽ tiếp tục khai thác hệ thống camera phát hiện lỗi vi phạm giao thông và xử “phạt nguội”; ngoài hệ thống camera hiện có trên một số tuyến cao tốc, còn sẽ có camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm trên toàn quốc, bao phủ các tuyến cao tốc và quốc lộ trọng điểm; hy vọng tất cả sẽ triển khai từ năm 2021.

Đây là một trong những biến đổi, tạm gọi như thế, mà từ cảnh sát giao thông lẫn người đi đường đều sẽ cùng hài lòng. Tất nhiên, hiện chưa phải người đi đường nào cũng sẵn sàng tiếp nhận biện pháp giám sát, xử lý giao thông mới mẻ này; bởi thế mới có hai vế “CSGT đỡ ra đường, người dân nâng cao ý thức”. Nói cho ngay, mấy mươi năm không quen áp dụng luật đi đường, thậm chí không học, không biết luật đi đường cho dù cũng có bằng lái; hay có học luật, có thi đàng hoàng song không tuân thủ; riết rồi thành nếp, tiếc thay là nếp xấu, rất xấu.

Thí dụ như chuyện chạy xe trên cao tốc, không thể không chết khiếp khi phải chạy sau chiếc xe kéo container tà tà chạy trên làn đường bên trái vốn là làn chạy tốc độ nhanh lên tới 120 ki lô mét/giờ, ai muốn qua mặt thì chạy vô làn tốc độ chậm; tệ hơn nữa, có khi cả hai chiếc xe container cùng chạy song song như biểu diễn xe đạp chậm…! Nếp lái xe như vậy là rất xấu, nguy hiểm cho người khác, không phù hợp với thông luật quốc tế - thời buổi này, clip trên YouTube ôn luật đi đường của Pháp, của Mỹ… có đầy(1). Đã có một nhận xét từ hai chục năm qua “ở Cali” rằng phụ nữ hay ai chưa có bằng lái xe, chưa lái xe ở Việt Nam qua học lái xe thì đậu liền, còn người có bằng lái lâu năm lại hay rớt vì… cố tật! Tin rằng việc lắp camera và phạt nguội sẽ giúp người dân nâng cao ý thức, như tựa đề bài báo, và nhờ đó “cảnh sát đỡ ra đường”. Vế này rất quan trọng trong ý nghĩa tiến tới quản lý xã hội bớt tiếp xúc trực tiếp, mà có khi dẫn đến những chệch choạc không nên có hoặc những va chạm không đáng có.

Câu chuyện sử dụng camera để giám sát thực ra nằm trong một câu chuyện khác bao trùm hơn: kỹ thuật tạo điều kiện thay đổi các thói quen, từ đó tự điều chỉnh. Năm bảy năm trước, báo chí hay đăng những tin, bài về chuyện “núp lùm” bắn tốc độ. Sau này, hiếm thấy. Tại sao, chẳng qua do hầu như xe bốn bánh trở lên đều gắn GPS, có thông báo tốc độ cho phép theo thời gian thực, trên đường lúc nào buộc đổi tốc độ tới đâu, máy báo ngay lúc đó, khó mà vướng lỗi, trừ phi buộc thay đổi tốc độ gấp gáp hơn mức cần thiết. Cũng trong lĩnh vực giao thông và ý thức giao thông này, có thể tin rằng một khi hoàn thành cùng khắp hệ thống đào tạo lái xe và sát hạch với phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe, không những người học lái xe sẽ được làm quen và tập phản xạ với những tình huống, cung đường trong điều kiện thời tiết khác nhau để nâng cao kỹ năng đảm bảo an toàn giao thông, mà còn sẽ quen lái xe đúng luật, hay còn gọi là “có ý thức”.

Cũng từ câu chuyện gắn camera để “cảnh sát đỡ ra đường”, có thể nghĩ rộng ra: khi camera an ninh đã cùng khắp, thì cũng bớt các cảnh sát tuần tra mà có khi xảy ra những “tiếp xúc không chuyên nghiệp”, và sau một thời gian sẽ tiến tới giảm bớt số người làm công việc này thay vì tăng lên hay “biên chế hóa” họ, làm phình bộ máy.

Trên đây là một thí dụ của khả năng làm thay đổi xã hội của các ứng dụng kỹ thuật. Điều này ngành điện lực đã bắt đầu lâu rồi với điện kế điện tử để nhân viên khỏi vô nhà ghi chỉ số tiêu thụ điện. Tương tự như vậy là việc đổi bằng lái xe trực tuyến, hay nhiều thủ tục hành chánh trực tuyến khác... Khi ngày càng nhiều người dân thanh toán bằng các loại ví điện tử, khi các “ông lớn” như hàng không, đường sắt mở ra việc mua vé trực tuyến…, thì các cơ quan nhà nước cũng không thể cứ tiếp tục bắt tới kho bạc nộp phạt hay tới trụ sở xin giấy này hay giấy kia. Đại dịch Covid-19 trong suốt năm qua đem lại nhiều cái rủi song cũng dẫn đến sự bùng nổ buôn bán “không trực tiếp” qua mạng hay các hội nghị trực tuyến…

Đó chưa phải là công nghệ 4.0, còn lâu, song là những bước đầu dẫn tới sự chuẩn bị, học tập, ứng dụng… như nhận định của UNESCO từ năm 1999: “Thông thường, lợi ích lớn nhất của kiến ​​thức là gia tăng hiểu biết và nhận thức của công chúng”(2). 

(1) https://www.youtube.com/watch?v=bCl_kbDdOa0

(2) http://www.unesco.org/science/wcs/meetings/eur_alberta_98_f.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới