(KTSG Online) - Tuy chỉ mới bắt đầu phổ biến trong vòng hai năm trở lại đây, các đồng tiền stablecoins (tạm gọi là tiền neo giá) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thế giới tiền mã hóa bởi nó như dầu bôi trơn hoạt động mua bán của các sàn giao dịch loại tiền này. Thế nhưng dường như loại dầu này bắt đầu khô cạn, các dây neo bị tuột, cuốn phăng tài sản của các nhà đầu tư.
Gọi là tiền neo giá vì giá trị của các đồng stablecoins được gắn với một tài sản ổn định nào đó, chủ yếu là đồng đô la Mỹ. Vì giá trị ổn định, người nào muốn mua các đồng tiền mã hóa như bitcoin hay ether thường dùng stablecoin để giao dịch. Mua bán bằng stablecoin thì thời gian thanh toán nhanh hơn chứ mua bán bằng các đồng tiền pháp định như đô la Mỹ hay euro thì phải chờ vài ba ngày. Nói cách khác, nếu như trong giao thương quốc tế, đồng đô la Mỹ được mặc định là đồng tiền thanh toán thì trên thế giới tiền mã hóa, các stablecoins cũng có vai trò tương tự.
TerraUSD là đồng stablecoin lớn thứ ba trên thị trường, có tổng giá trị lưu hành lên đến 18 tỉ đô la Mỹ trước khi bị mất giá. Trong khi hai đồng stablecoin lớn thứ nhất và thứ nhì – Tether và USD Coin – gắn chặt với đô la Mỹ để duy trì trị giá, đồng TerraUSD không gắn với loại tiền pháp định nào, nó được mệnh danh là loại tiền stablecoin đời mới, dựa vào các thuật toán tài chính để giữ giá so với đồng đô la Mỹ (USD).
Trước đây 1 TerraUSD bằng 1 USD, nếu giá trị nó giảm xuống thì các bên giao dịch sẽ đổi TerraUSD lấy đồng Luna, tương đương với việc hủy bớt lượng tiền TerraUSD trong lưu thông. Một khi lượng cung TerraUSD giảm, giá của nó sẽ tăng về lại mức cũ. Ngược lại, nếu giá trị của TerraUSD tăng, các bên giao dịch sẽ đổi từ Luna qua TerraUSD, tức tăng lượng cung TerraUSD và đẩy giá của nó cũng về lại mức cũ.
Lý thuyết nghe hay ho như thế nhưng tuần này giá trị đồng TerraUSD (viết tắt UST) tụt dốc không phanh vào ngày 11-4, giá rớt còn 23 xu, đến cuối ngày phục hồi phần nào, còn 67 xu. Cơ chế tự động duy trì giá của TerraUSD bị lung lay từ cuối tuần trước khi Anchor Protocol, đóng vai trò như một ngân hàng phi tập trung cho giới đầu tư tiền mã hóa lại bán tháo đồng tiền này. Mấy tháng gần đây Anchor Protocol kích thích đồng TerraUSD phát triển mạnh do họ nhận TerraUSD nhà đầu tư gởi vào để cho vay rồi trả lãi đến 20%/năm. Một khi Anchor Protocol bán tháo, các nhà đầu tư khác hoảng hốt bán theo, gây nên sự sụt giá không cưỡng lại được của đồng TerraUSD và cả đồng Luna là nơi nó neo giá. Ngay cả khi TerraUSD phục hồi vào cuối buổi, đồng Luna vẫn tiếp tục rơi, mất đến 95% giá trị so với ngày hôm trước.
Do Kwan, người sáng lập đồng TerraUSD và tổ chức Luna Foundation Guard, một tổ chức phi lợi nhuận có mục đích duy trì sự ổn định giá của TerraUSD cam kết sẽ làm mọi cách để vượt qua thử thách này. Trước đó Luna Foundation tuyên bố đã cho các nhà giao dịch vay 750 triệu đô la giá trị bitcoin để giúp bảo vệ cơ chế neo giá của TerraUSD.
Mô hình duy trì giá của đồng TerraUSD trước đây đã từng bị phê phán vì chủ yếu dựa vào động cơ duy trì giá của một nhóm người – tức các nhà giao dịch chăm chăm kiếm lời bằng cách đổi qua đổi về giữa TerraUSD và Luna. Nói cách khác, giá trị của đồng TerraUSD dựa vào sự ổn định giá trị của đồng Luna và giá trị đồng Luna rốt cuộc cũng dựa vào sự ổn định của đồng TerraUSD. Về lý thuyết nó dựa vào quy luật cung cầu của thị trường để ổn định giá nhưng phương pháp này sẽ bị vô hiệu hóa trong trường hợp xảy ra “vòng xoáy tử thần”.
Đó là lúc đồng tiền neo giá bằng thuật toán sụt xuống dưới mốc 1 đô la Mỹ (1 USD) mà các nhà giao dịch lại không muốn đổi nó lấy đồng Luna vì lo sợ đồng tiền này cũng giảm giá theo. Giả thử thị trường không còn đủ người muốn mua đồng tiền neo giá để đẩy giá nó trở về lại mốc 1 đô la Mỹ , cơ chế neo giá xem như thất bại; mọi người sẽ hoảng loạn tháo chạy để cắt lỗ. Thực tế đã diễn ra đúng như thế vào ngày 11-4.
Vào tháng 6 năm ngoái, một đồng tiền neo giá dùng thuật toán khác là đồng Iron rơi vào “vòng xoáy tử thần” và sụp đổ, làm các nhà đầu tư mất trắng 2 tỉ đô la. Đồng tiền mà Iron dùng để neo như vai trò của Luna đối với TerraUSD là đồng Titan – chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ đã rơi từ 64 đô la xuống thành con số không tròn trĩnh.
Hiện đang có vài chục đồng stablecoins đang được lưu hành, tổng trị giá lên đến 169 tỉ đô la. Đồng stablecoin lớn nhất là Tether với tổng trị giá 80 tỉ đô la, kế đến là USD Coin – trị giá 18 tỉ đô la. Đây chính là các ngòi nổ có tiềm năng gây bất ổn cho thị trường tài chính truyền thống cần được để ý đúng mức.