Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tiến sĩ thì tội tình gì?

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Mấy hôm nay dư luận lại lùm xùm vụ “tiến sĩ giấy” khiến người viết bài nhớ lại cơ quan cũ của mình từng có hai vị tiến sĩ làm việc cùng một lúc. Theo người viết, cả hai người đều là “tiến sĩ thật”, theo nghĩa không phải là “tiến sĩ giấy”. Họ uyên bác về kiến thức chuyên môn, được cấp trên tôn trọng, cấp dưới kính phục, đồng nghiệp vị nể.

Ngoài công việc tại cơ quan, cả hai người đều được mời dạy tại các trường đại học. Người viết cảm thấy tự hào được là đồng nghiệp của cả hai người. Kiến thức của họ được bảo chứng không phải chỉ bởi tấm bằng mà còn bởi sự công nhận của nhiều người chung quanh khi có dịp làm việc cùng với họ. Không ít lần, người khác gọi họ bằng “thầy” dù chưa chính thức thọ giáo với “thầy” một buổi học nào.

Nhớ lại chuyện cũ mới thấy con đường đi đến học vị của hai người có phần khác nhau. Một người bảo vệ tiến sĩ trong nước, còn người kia ở nước ngoài. Lạ một điều là con đường của vị “tiến sĩ nội” lại có phần chông gai hơn vị “tiến sĩ ngoại”. Trong khi lộ trình của vị “tiến sĩ ngoại” hanh thông theo như dự kiến thì vị “tiến sĩ nội” lại không hề suôn sẻ; không phải vì chất lượng của luận án hay trình độ của người bảo vệ, mà là vì những lý do không tiện nói ra đây.

Đó là chuyện cả hai chục năm trước. Bây giờ nhắc lại chỉ để khẳng định một điều: các tiến sĩ (dĩ nhiên, “tiến sĩ thật”) là các nhà khoa học vững vàng, đáng kính trong lĩnh vực chuyên môn của mình, những người góp phần quan trọng - nếu không nói là mấu chốt - trong phát triển khoa học nước nhà. Và cũng xin nói thẳng với nhau như sau: nếu đội ngũ những người làm khoa học - kỹ thuật Việt Nam, trong đó các tiến sĩ đóng vai trò đầu tàu, cứ mãi “làng nhàng”, thì kinh tế nước nhà rất khó cất cánh thực sự, cũng sẽ cứ mãi “làng nhàng” vậy thôi.

Thực ra, theo lẽ thường, để đạt được học vị tiến sĩ (thật) không hề dễ dàng, nếu không nói là rất khó khăn - cũng xin nói thật là chuyện bất khả dĩ đối với đa số chúng ta. Việt Nam hiện có khoảng 25.000 tiến sĩ, nghĩa là 100.000 mới có 25 tiến sĩ, hay một tiến sĩ cho 4.000 dân. Theo lẽ thường, một nghiên cứu sinh sẽ phải bỏ ra bao nhiêu công sức đổi bằng mồ hôi, nước mắt mới có được học vị này trong một thời gian ít nhất cũng vài năm.

Cho nên, đối với những người bình thường như chúng ta, các tiến sĩ (thật) là những người đáng được ngưỡng mộ vì kiến thức chuyên môn của họ. Những gì họ làm, những gì họ nói về chuyên môn thường là xác đáng.

Chuyện “tiến sĩ giấy” là chuyện ngoài ý muốn của các “tiến sĩ thật”. Cũng như số đông trong chúng ta, những tiến sĩ chân chính đều mong muốn chuyện này chấm dứt. Có điều, giống như nhiều hiện tượng khác ở Việt Nam, một vấn đề nổi lên gây chú ý trong dư luận khiến cả xã hội xôn xao bàn tán. Nhưng sau đó, rồi thôi, đâu lại vào đấy, cho đến khi nhân một dịp nào đó, chính vấn đề đó lại… trồi lên, gây xôn xao trong dư luận và bắt đầu một chu kỳ mới.

Lần này, vấn đề “tiến sĩ giấy” nổi lên là do “luận án thực trạng cầu lông”, cũng đang làm tốn nhiều… dung lượng của các báo mạng. Không biết rồi sẽ đi về đâu, hay rồi cũng sẽ giống như… phong trào, hết lên rồi lại xuống.

Trở lại với vị “tiến sĩ nội” đề cập ở đầu bài. Cuối cùng, sau bao trở ngại thì vị này cũng có bằng tiến sĩ, và Việt Nam lại được thêm một “tiến sĩ thật” gia nhập đội ngũ những người làm khoa học của đất nước.

Còn chuyện “tiến sĩ giấy”, người ta thường nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng nếu… nhiều sâu quá, không biết nồi canh sẽ ra sao?

1 BÌNH LUẬN

  1. Không có gì lạ cả. Thật/ Giả, trong cuộc đời này ở đâu mà chẳng có. Chức năng của cơ chế đào tạo là phải biết sàng lọc đâu là thực, đâu là giả. Một trong những bản năng của con người là cũng phải biết nhận diện thật, giả rõ ràng. Tất nhiên, sẽ không có gì là hoàn hảo. Vấn đề là sự lựa chọn của chúng ta, để không phải trả giá cho thế hệ hôm nay và mai sau.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới