(KTSG Online) - Không đấu nối được các hệ thống điện mặt trời mái nhà vào lưới điện, chủ đầu tư các dự án này đang đề nghị cho họ được đấu nối để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện của Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực...
Tuy nhiên, hướng đi này cũng đang bị vướng do còn “khoảng trống” về cơ chế. EVN đề nghị cần có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro nếu doanh nghiệp đấu nối hệ thống này.
Hầu hết doanh nghiệp đầu tư những dự án điện mặt trời phải đi vay mượn vốn từ các tổ chức tín dụng nên đang mòn mỏi chờ chính sách giá điện mới.
Sẽ không phát triển thêm điện mặt trời trên mặt đất
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 13-6 đã có Tờ trình gửi Hội đồng thành viên EVN về việc “Xử lý, giải quyết các vướng mắc phát sinh về điện mặt trời mái nhà”.
Trong đó, vấn đề trọng tâm được EVN nêu ra là việc đấu nối các hệ thống điện mặt trời để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện.
Thời gian qua, trong khi chờ Chính phủ/ Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế mới và hướng dẫn thực hiện của Bộ Công Thương về điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), ngành điện đã tạm thời không thực hiện thỏa thuận đấu nối các hệ thống ĐMTMN vào lưới điện.
Tuy nhiên, EVN cho hay đơn vị này và các tổng công ty điện lực, công ty điện lực liên tục nhận được kiến nghị của một số chủ đầu tư và địa phương, trong đó có một số nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức trong nước được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư, quỹ phát triển của chính phủ các nước đề nghị được đấu nối hệ thống ĐMTMN để tự tiêu dùng tại chỗ, không phát điện lên lưới điện.
Đơn cử như Công ty TNHH Norsk Solar Việt Nam (được bảo lãnh bởi các nhà đầu tư và quỹ phát triển Chính phủ Na Uy và Phần Lan) kiến nghị tự dùng hệ thống ĐMTMN cho các khu công nghiệp, nhà máy, trung tâm thương mại.
Công ty TNHH Maruha Chemical Việt Nam thuộc Tập đoàn TORAY Nhật Bản đầu tư ĐMTMN tại hệ thống nhà máy của công ty để tự dùng nội bộ, hay Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang lắp đặt ĐMTMN tại trụ sở làm việc của sở, ngành và Trung tâm hành chính công tỉnh Tiền Giang...
EVN cho rằng do các hệ thống ĐMTMN lắp đặt trong phạm vi quản lý của chủ đầu tư, không thuộc phạm vi quản lý của các tổng công ty, công ty điện lực nên việc không chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển ĐMTMN để tự dùng có thể gây phản ứng tiêu cực.
Tuy nhiên, nếu EVN chấp thuận để các chủ đầu tư phát triển ĐMTMN để tự dùng thì có rủi ro do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng quy định về điều kiện, trình tự thủ tục đấu nối, tiêu chuẩn lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật đối với hệ thống ĐMTMN để tự dùng.
Bên cạnh đó, việc không kiểm soát đối với các hệ thống ĐMTMN có thể gây khó khăn đến việc lập kế hoạch huy động các nguồn điện hiện hữu khác để đảm bảo cân bằng cung cầu trong vận hành hệ thống điện quốc gia, nhất là tại khu vực miền Trung, miền Nam.
Theo EVN, khi hệ thống ĐMTMN của khách hàng bị sự cố, không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ như dự kiến thì cần có cơ chế ràng buộc về trách nhiệm tự chịu rủi ro của khách hàng.
Trước đó, EVN đã có văn bản báo cáo Chính phủ, trong đó có kiến nghị Chính phủ có cơ chế khuyến khích phát triển các nguồn ĐMTMN tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ (không phát lên lưới). Tuy nhiên, theo EVN, hiện nay Chính phủ và Bộ Công Thương vẫn chưa có hướng dẫn.
EVN cũng sẽ có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng ban hành đồng bộ các quy định quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến an toàn công trình xây dựng khi lắp đặt ĐMTMN.
Tờ trình nói trên của EVN cũng đưa ra những kiến nghị giải quyết tranh cãi về “Thủ tục đăng ký kinh doanh ĐMTMN đối với hộ gia đình, cá nhân bán điện cho tổng công ty điện lực, công ty điện lực”.
Trong khi đó, trong văn bản hướng dẫn EVN của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ các chủ đầu tư ĐMTMN là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, hộ kinh doanh có đăng ký bán điện cho EVN thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Theo báo cáo của EVN trước đó, năm 2020 đã chứng kiến sự bứt phá của điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Tính đến hết ngày 31-12-2020, hơn 100.000 công trình điện mặt trời mái nhà đã được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp.Cú hích này là nhờ Quyết định số 11 và số 13/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời hiện đã hết hiệu lực. Ngành điện các tỉnh ngưng tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu về đấu nối và ký hợp đồng mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời do người dân và doanh nghiệp lắp đặt sau ngày 31-12-2020.