Thứ Tư, 18/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiền tiếp tục chảy vào kênh tiết kiệm

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các thống kê của cơ quan chức năng lẫn tổ chức nghiên cứu cho thấy dòng tiền thực tế đang chạy dần về kênh tiết kiệm ngân hàng trong bối cảnh lãi suất huy động tiếp tục xu hướng tăng lên đáng kể.

Lãi suất huy động có xu hướng tăng lên để hấp dẫn dòng tiền từ dân cư. Ảnh: L.Vũ.

Số liệu mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy số dư tiền gửi tiết kiệm từ dân cư trong tháng 6 tăng thêm khoảng gần 50.500 tỉ đồng, còn lượng tiền gửi từ các tổ chức kinh tế gần 42.000 tỉ đồng. Như vậy, lượng tiền gửi dân cư tăng khoảng 0,9% so với tháng 5 và tăng khoảng 6,02% so với hồi đầu năm.

Một điểm đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng lượng tiền gửi cá nhân tiếp tục xu hướng tăng, sau khi chững lại vào hồi tháng 3. Thống kê sơ bộ khác từ báo cáo tài chính vừa cập nhật của khoảng 20 tổ chức tín dụng, cũng cho thấy khoản mục tiền gửi khách hàng tính đến cuối tháng 6-2022 tăng khoảng 4,9%.

Dòng tiền chảy nhiều hơn vào kênh tiết kiệm trong bối cảnh lãi suất huy động có xu hướng tăng lên. Thống kê đầu tháng 8 cho thấy nhiều ngân hàng, kể cả nhóm ngân hàng quốc doanh và nhóm ngân hàng tư nhân lớn đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng 20-40 điểm cơ bản ở kỳ hạn 12 tháng, theo thống kê của Công ty chứng khoán SSI.

Chẳng hạn như ở Vietcombank, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm phần trăm, lên mức 5,6%năm so với đầu tháng 7. ACB sau đợt tăng lãi suất mạnh tay hồi đầu tháng 7 thì cuối tháng 7 tiếp tục tăng đến 0,4 điểm phần trăm lãi suất cho khoản tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lên quanh mức 6,2%/năm. Hồi giữa tháng 8, Techcombank cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn này lên mức 5,75%/năm, tương ứng tăng 0,2 điểm phần trăm so với giữa tháng 7.

Đáng chú ý là cũng có các nhà băng cũng đưa thêm nhiều sản phẩm với mức lãi suất cao để hấp dẫn người gửi tiền. Chẳng hạn như ngân hàng số Cake by VPBank, công bố lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lên đến 7,5%/năm, đồng thời công bố cán mốc 2 triệu khách hàng mở tài khoản sau 19 tháng ra mắt. Mức lãi suất này đã vượt con số 7,3%/năm của Ngân hàng SCB điều chỉnh hồi tháng 5 và vẫn duy trì cho đến nay.

Số liệu cập nhật mới hơn cũng cho thấy dòng chảy tiết kiệm đổ về nhà băng dù đang tăng tốc, nhưng vẫn chưa đủ bù đắp cho tốc độ cho vay từ đầu năm đến nay. Việc chênh lệch giữa tốc độ huy động vốn và tín dụng giảm mạnh, đã tạo áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất huy động, theo đánh giá của Công ty chứng khoán SSI.

Chia sẻ trước đó, một lãnh đạo ngân hàng thương mại đánh giá việc tăng lãi suất huy động là gần như bắt buộc, trong bối cảnh thị trường chịu áp lực từ lạm phát, cũng như ngân hàng phải tăng tốc chuẩn bị nguồn vốn để tăng tốc cho vay nhanh hơn một khi được “nới room”.

Ghi nhận thị trường cũng cho thấy từ đầu tháng 8, nhiều ngân hàng cũng tranh thủ công bố thực hiện quy định mới về lãi suất tiền gửi, khiến nhiều khách hàng phải điều chỉnh lại các sổ tiết kiệm của mình.

Theo quy định mới có hiệu lực từ đầu tháng này, khách hàng gửi tiền được phép rút một phần tiền gửi trước hạn với lãi suất không kỳ hạn, phần tiền gửi còn lại được tiếp tục áp dụng mức lãi suất như đã thỏa thuận tại thời điểm gửi ban đầu.

Theo ông Nguyễn Khánh Phúc, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của Ngân hàng ABBank, chính sách này sẽ mang đến sự chủ động hơn cho người gửi tiền trong việc lên kế hoạch sử dụng nguồn tiền tiết kiệm. “Chính sách này giúp khách hàng cảm thấy thân thiện hơn với sản phẩm tiết kiệm trong vấn đề quản lý tài chính cá nhân đối với khoản tiền nhàn rỗi”, ông Phúc đánh giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới