Tiến tới một giải pháp bền vững
Huỳnh Hoa
(TBKTSG) - Tình hình biển Đông trong tuần qua đã có những diễn biến mới làm dịu xung đột, khôi phục sự ổn định và mở ra khả năng tiến tới một giải pháp ngoại giao cho các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, an ninh và tự do hàng hải.
Ngày 25-6, tại Bắc Kinh, đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã gặp ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc phụ trách đối ngoại Đới Bỉnh Quốc để chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình biển Đông thời gian gần đây.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp, hai bên khẳng định cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các bất đồng trên biển giữa hai nước thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị; áp dụng biện pháp có hiệu quả, cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại biển Đông; tăng cường định hướng đúng đắn dư luận, tránh lời nói và hành động làm tổn hại đến tình hữu nghị và lòng tin của nhân dân hai nước; đẩy nhanh tiến độ đàm phán để sớm ký kết “Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam-Trung Quốc”; thúc đẩy việc thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)” và các công việc tiếp theo, cố gắng sớm đạt tiến triển thực chất.
Thái độ mềm mỏng và linh hoạt một cách chủ động của Việt Nam là yếu tố căn bản làm dịu tình hình, tránh nguy cơ xung đột vũ trang và tạo điều kiện để các bên tiếp tục thương lượng, tìm một giải pháp bền vững phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và tiến tới hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC), dự kiến trong năm tới.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ từ bỏ mưu đồ thôn tính biển Đông như tham vọng nhiều năm qua của họ thể hiện trong bản đồ “đường lưỡi bò”. Có chăng là những hành vi gây hấn của Bắc Kinh trong vài tháng qua đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước liên quan và sự lên án của cộng đồng quốc tế, buộc Bắc Kinh phải tạm thời quay trở về chiến thuật “giấu mình chờ thời”, đợi một thời điểm thuận lợi hơn. Chính vì thế, không thể coi sự hòa hoãn tạm thời giữa Trung Quốc với Việt Nam và Philippines trên biển Đông như là giải pháp cuối cùng để lơi lỏng cảnh giác.
Có điều, công cuộc bảo vệ chủ quyền và duy trì hòa bình ổn định trên biển Đông trong thời gian tới sẽ là cuộc đấu tranh cân não, đòi hỏi Việt Nam phải kiên định những nguyên tắc căn bản phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về phía Trung Quốc, ngay từ năm 1988, ông Đặng Tiểu Bình đã đề ra chiến lược “gác xung đột, cùng phát triển” với 4 nguyên tắc đàm phán về biển Đông, trong đó hai nguyên tắc đầu tiên là “1. Chủ quyền lãnh thổ liên quan thuộc về Trung Quốc. 2. Khi điều kiện chưa chín muồi để hình thành giải pháp toàn diện cho vấn đề tranh chấp lãnh thổ thì hoãn việc thảo luận chủ quyền để gác tranh chấp sang một bên. Gác tranh chấp sang một bên không có nghĩa là từ bỏ chủ quyền mà chỉ tạm gác tranh chấp trong thời điểm hiện tại”. (China Daily, 20-6-2011). Như vậy, yêu sách chủ quyền trên biển Đông, đặc biệt là các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là cốt lõi trong chiến lược biển Đông của Trung Quốc mà họ không bao giờ từ bỏ.
Cơ sở pháp lý quốc tế để bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý đó chính là UNCLOS và DOC mà Việt Nam phải kiên trì vận dụng trong đàm phán với Trung Quốc. Sự tham gia của một bên thứ ba, có thể là Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc một quốc gia không có tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông như Mỹ, Úc... có thể giúp cho việc diễn giải các điều khoản của UNCLOS được khách quan và công bằng.
Những biến cố trên biển Đông gần đây cũng cho dư luận quốc tế cho thấy thái độ thật sự của Bắc Kinh, tạo tình huống thuận lợi cho cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, cần tận dụng lợi thế mới này để đẩy mạnh hoạt động ngoại giao, xây dựng mối quan hệ đoàn kết với ASEAN và các cường quốc khác để có tiếng nói chung phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc.
Chiến thuật đàm phán cũng nên linh hoạt, những vấn đề chỉ liên quan đến Việt Nam-Trung Quốc thì giải quyết song phương, những vấn đề liên quan đến các bên khác thì phải bàn bạc giữa các bên liên quan khác... như khẳng định của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn với báo chí hôm 26-6 vừa qua. Có như vậy mới có hy vọng tìm được giải pháp hòa bình và bền vững không chỉ cho vấn đề biển Đông mà cho cả quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.