Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân!

Song Nghi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhân viên y tế bỏ việc mà nếu không giải quyết tận gốc, tình trạng này có lẽ sẽ còn tiếp diễn và không chỉ riêng tại TPHCM.

Trong tuần qua, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ bổ sung 1.000 bác sĩ và 2.000 điều dưỡng. Trước đó, hồi cuối tháng 11, Sở Y tế TPHCM cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2021 có gần 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc, cao hơn gần gấp đôi so với cả năm 2020. Đáng lo ngại hơn khi hiện nay, tỷ lệ nhân viên y tế tuyến xã trên 10.000 dân tại TPHCM chỉ đạt mức 2,31, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 7,42 của cả nước.

Đến cuối tháng 10 năm nay – tức là một tháng sau ngày trở lại trạng thái bình thường mới tại TPHCM – nhiều nhân viên y tế và tình nguyện viên chống dịch vẫn chưa được lãnh phụ cấp(*). Có nơi, như Trung tâm Y tế thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, nhân viên y tế có thâm niên 10 năm mà lương chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, lực lượng y tế chống dịch trực suốt 5 tháng mà chưa nhận được tiền hỗ trợ(**).

Tuy nhiên, thu nhập chỉ là phần nổi của tảng băng bỏ việc. Phần còn lại thuộc về cách đối xử, đãi ngộ, môi trường làm việc, việc chăm sóc tinh thần và quan trọng hơn hết là sự lắng nghe và tiếp thu một cách cầu thị của ngành y tế từ bộ đến sở các ý kiến, tâm tư và bức xúc của nhân viên y tế.

Bạn tôi, một bác sĩ 50 tuổi tham gia chống dịch rất sớm vì anh ở một trạm y tế phường ngay tâm dịch quận Gò Vấp, TPHCM. Nhiều hôm, 11 giờ đêm anh mới về tới nhà nhưng vẫn gọi điện thoại tâm sự các bất hợp lý trong chính sách chống dịch đã vắt kiệt sức nhân viên y tế. Anh bức xúc nhắc đi nhắc lại, điều khiến anh bất mãn không phải là làm việc cực khổ mà là “những quy trình, quy định bất hợp lý từ trên áp xuống, biết là sai mà vẫn phải làm, góp ý không ai chịu nghe”.

Cả hai vợ chồng đều là bác sĩ, vợ anh phải “ba tại chỗ” trong bệnh viện, anh thì đi từ sáng sớm đến đêm khuya mới về, cậu con trai 14 tuổi của họ ở nhà một mình suốt thời gian đó. Chứng kiến hàng loạt ca tử vong mà bất lực vì không đủ điều kiện cứu chữa, anh bị trầm cảm, stress. Đôi lần, giọng anh tâm sự với tôi qua điện thoại giữa đêm khuya cứ nghèn nghẹn nước mắt.

Nhân viên y tế cũng cần chăm sóc vì họ là người bằng xương bằng thịt chớ không phải robot. Nhưng thay vì có những biện pháp đặc biệt và cấp tốc để tập trung chăm sóc thì từ bên trên vẫn áp xuống những quy trình bất hợp lý, những công thức rối rắm về chi trả phụ cấp và đỉnh điểm là ban hành công văn hàm ý dọa sẽ rút chứng chỉ hành nghề.

Giá mà có những giải pháp thiết thực hơn cho đội ngũ ngành y – những người thuộc tuyến đầu trong một mùa dịch kinh hoàng như đợt dịch thứ 4 ở TPHCM. Giá mà có chăm sóc tâm lý, hỗ trợ cho cha mẹ, con cái nhân viên y tế khi họ vắng nhà hay thiết thực hơn là cung cấp bữa ăn đủ dưỡng chất để tiếp sức cho họ, cung cấp trang thiết bị y tế để họ được bảo vệ mà yên tâm chăm sóc bệnh nhân. Ít khi những người có trách nhiệm nhắc tới cụ thể những điều này mà chỉ có những lời phát biểu chung chung.

Điều may mắn là tại TPHCM, sự thiếu quan tâm này được bù đắp một phần. Mạng lưới các tổ chức thiện nguyện đã cung cấp cho nhân viên y tế tuyến đầu từ bữa ăn đủ dinh dưỡng, chiếc nệm nằm ngủ đến trang phục bảo hộ, khẩu trang y tế, găng tay…

Một số bác sĩ đã viết trên Facebook, chia sẻ trong các group Facebook, Zalo ngành y về những điều bất hợp lý trong suốt đợt dịch thứ 4 nhưng kết quả không đi đến đâu. Cả những ý kiến tâm huyết của họ về những điều cần điều chỉnh để chống dịch hiệu quả đã không được quan tâm đúng lúc.

Có thể nói, ngành y tế từ cấp bộ đến cấp sở không thiếu kênh tiếp nhận, vấn đề là cần xác lập bộ phận thu thập ý kiến để chủ động phân tích, tìm ra giải pháp. Đừng trả lời kiểu vô cảm rằng “chúng tôi không nhận được báo cáo từ cơ sở” vì trong dịch bệnh, nhân viên y tế bận tối tăm mặt mũi, thời gian để ăn còn không có lấy đâu ra thời gian báo cáo theo quy trình!

Bỏ việc hay bỏ cuộc âu cũng là một sự chọn lựa. Nhưng trước khi trách “người bỏ cuộc”, các vị lãnh đạo ngành y tế cũng nên tự vấn trách nhiệm của mình đến đâu trong chuyện này.

————-

(*)https://tuoitre.vn/bo-y-te-de-nghi-nhanh-chong-tra-phu-cap-cho-can-bo-y-te-tinh-nguyen-vien-chong-dich-20211027100751991.htm

(**)https://thanhnien.vn/vi-sao-nhieu-y-bac-si-nghi-viec-ky-1-met-moi-qua-toi-ra-ngoai-buon-ban-post1411688.html

1 BÌNH LUẬN

  1. “Gia đình Malaysia” là cụm từ Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob nhắc tới nhiều trong bài phát biểu sau 100 ngày nhậm chức, ông cũng chia sẻ quan điểm, đánh giá về công việc của chính phủ, đặc biệt là các bộ và cơ quan ngang bộ cũng như cá nhân bộ trưởng dựa trên 3 tiêu chí: Việc thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của bộ (50%), hiệu quả hoạt động của bộ trưởng (25%) và nhận thức của người dân về bộ trưởng và bộ (25%). Làm sao để mọi người dân có thể cảm nhận và đánh giá đúng công việc của các bộ/ cá nhân bộ trưởng là một trong những chức năng quan trọng của thể chế dân chủ. Không có cơ chế này thì có lẽ mọi việc là bàng quan, thành hay bại cũng không còn quan trọng nữa ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới