(KTSG Online) - Nhân ngày đầu tuần, thử điểm qua vài dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 và thời tiết trong năm nay dưới góc nhìn của một người bình thường.
Thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến đời sống kinh tế của người dân Việt? Chắc chắn là ảnh hưởng nhiều mặt. Vì nếu không, há chẳng phải từ ngàn xưa, ông cha ta đã luôn cầu cho “mưa thuận, gió hòa” để mọi người được sung túc, ấm no đó sao?
Thời tiết
Thời tiết đầu xuân Quý Mão ở Sài Gòn xem ra có phần khá đỏng đảnh. Mới thứ Bảy tuần rồi, nắng đẹp đúng chuẩn tiết xuân thì sáng Chủ nhật hôm qua bầu trời lại có phần ảm đạm không khác gì mấy một ngày mùa đông.
Chúng ta hãy cùng nghe nhà thơ Nguyễn Bính tả một cơn mưa nhẹ tiết xuân trong bài “Mưa xuân” sáng tác năm 1958 như sau: “Chiều ấm mùi hương thoảng gió đưa / Tà tà mưa bụi rắc thưa thưa”.
Sài Gòn thi thoảng cũng có mưa xuân giống mô tả của nhà thơ, loại “bụi rắc thưa thưa” không ướt áo. Nhưng cơn mưa kéo dài hơn cả tiếng đồng hồ chiều tối ngày mồng ba Tết thì không thể gọi là “mưa xuân kiểu Nguyễn Bính” được. Đến bảy giờ rưởi tối, nhiều nơi ở TPHCM cơn mưa vẫn chưa ngớt. Nhiều người Sài Gòn du xuân không khỏi bất ngờ với độ nặng hạt của cơn mưa và… ướt loi ngoi.
Một anh bạn có mặt trong đám người du xuân ở thành phố này tối mồng ba. Thấy anh ướt nhẹp, người bảo vệ chung cư cười thông cảm, an ủi: “Tết mà mưa lớn quá! Ướt hết! Chắc năm nay tiền vô như nước”.
Tiền có vô như nước hay không thì chưa chắc. Nhưng cơn mưa bất ngờ này cũng có phần khó đoán như thời tiết. Vậy thời tiết năm nay sẽ như thế nào?
Người với chút kiến thức phổ thông chắc cũng biết El Nino là hiện tượng nóng lên khác thường của lớp nước biển bề mặt kéo dài từ 8 đến 12 tháng, thường xuất hiện ba, bốn năm một lần. Ngược lại, La Nina là hiện tượng lớp nước biển bề mặt lạnh đi khác thường, xảy ra theo chu kỳ tương tự hay thưa hơn El Nino.
Trang mạng của báo Tài nguyên và Môi trường trích lời ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trình bày tại hội nghị tổng kết thời tiết năm 2022 vào giữa tháng này, cho biết hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục đến hết mùa xuân năm nay, sau đó có thể chuyển sang trạng thái trung tính vào mùa hè(1).
Theo ông Lâm, nắng nóng năm nay sẽ còn cao hơn năm ngoái về số đợt và mức độ gay gắt, trong khi tổng vũ lượng sẽ thấp hơn hoặc tương đương với trung bình nhiều năm. Dự báo ít có khả năng xảy ra những cơn mưa lớn diện rộng lịch sử dù mưa cường độ lớn cục bộ vẫn xảy ra trên phạm vi hẹp. Sẽ có từ 11 đến 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông (con số này năm 2022 là 9), trong đó khoảng 5 hay 6 cơn có ảnh hưởng đến đất liền.
Do lượng mưa ít hơn, tại Bắc bộ và Trung bộ, lượng nước tại các sông sẽ ít hơn và đỉnh lũ thấp hơn. Còn ở Nam bộ, mùa khô năm 2023 sẽ chứng kiến xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long thấp hơn năm 2022 và tương đương với trung bình nhiều năm (2012 – 2022), không gay gắt như mùa khô các năm 2019 – 2020. Dự báo các đợt xâm nhập mặn sâu nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra vào các tháng 2 và 3, trong khi ở sông Vàm Cỏ và Cái Lớn vào tháng 3 và tháng 4(2).
Tóm lại, theo dự báo của các nhà khí tượng thủy văn, nắng sẽ nóng hơn và mưa có thể ít hơn, trong khi bão cũng sẽ ít hơn. Tuy nhiên, thất thường vốn là một thuộc tính của thời tiết. Cơn mưa mồng ba Tết ở Sài Gòn là một ví dụ.
Kinh tế
Dưới góc nhìn của người viết bài này, trong một chừng mực nào đó các nhà kinh tế cũng giống các nhà khí tượng thủy văn khi nói về các dự báo của họ. Nghĩa là dù ngày nay họ đã có rất nhiều công cụ tối tân hiện tại để đưa ra các dự báo, tiên đoán của họ cũng có thể sai, và sai cũng không phải là… không thường xuyên.
Kết thúc năm 2022, theo các con số thống kê, bức tranh kinh tế Việt Nam có nhiều mảng sáng, ví dụ tăng trưởng GDP (tổng sản phẩm quốc nội) hơn 8%, cao nhất trong 10 năm qua. Trên nền sáng này, có một số dự báo lạc quan cho nền kinh tế trong năm mới so với nhiều nước trên thế giới, như tăng trưởng GDP có thể cao hơn 6%.
Đó là góc nhìn của một số cơ quan dự báo kinh tế. Còn với người dân bình thường - như người viết bài này - bức tranh “thời tiết kinh tế” năm nay có thể xảy ra một số cơn “El Nino và La Nina kinh tế” bất thường khiến đời sống hàng ngày của người dân chật vật hơn.
Hiện tượng lạm phát cao, chẳng hạn. Khó nói nạn lạm phát cao trên thế giới không ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam. Chính tỷ lệ lạm phát này đã gây ra thắt chặt tiêu dùng tại nhiều thị trường chính của xuất khẩu Việt Nam, như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Hậu quả là đơn hàng cho Việt Nam ít đi. Đó cũng là lời giải thích cho “hiện tượng La Nina” buộc nhiều nhà máy cho công nhân nghỉ Tết sớm và kéo dài cả tháng trong dịp Tết Quý Mão vừa qua.
Các số liệu kinh tế tháng 1 năm 2023 cũng cho thấy các xu hướng đối nghịch. Hôm qua, KTSG Online đưa tin trong khi doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tăng cao (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022), chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng gần 5% so với tháng 1-2022 và số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh có thời hạn cao hơn ba lần so với doanh nghiệp mới thành lập(3).
Trước Tết, Trung Quốc mở cửa trở lại thay vì bế quan tỏa cảng chống dịch. Một số người cho rằng đây sẽ là một lực đẩy đáng kể cho kinh tế Việt Nam, nhất là ngành du lịch vì nước láng giềng này vốn là nguồn khách lớn nhất cho mảng du khách quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên, khả năng này cũng giống như dự báo thời tiết vì vẫn chưa biết những gì thực sự sẽ xảy ra.
Tương tự là sự hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế. Thống kê cho thấy vốn đầu tư nước ngoài giảm gần 20% so với cùng kỳ. Vẫn còn quá sớm để kết luận về vấn đề này, nhưng đó không phải là một tín hiệu vui ban đầu.
Trở lại với lạm phát. Người dân không nhất thiết phải hình dung vấn nạn lạm phát cao ở các thị trường chính của xuất khẩu Việt Nam. Có điều, họ sẽ cảm nhận ngay lạm phát qua sự tăng giá của hai mặt hàng thiết thân đối với họ: xăng và điện. Vì thế, các nhà điều hành kinh tế nước nhà cần lưu ý điều này để xử lý sao cho giá tăng đừng gây sốc như El Nino hay La Nina.
Sáng mồng bốn Tết, người viết đã nghe tiếng rao “Bánh mì nóng dòn đây!”. Tiếng rao đã trở lại. Khó khăn thì hiện hữu. Muốn giảm khó, muốn “tiền vô như nước” thì phải làm việc chăm chỉ hơn, hiệu quả hơn ngay sau Tết. Người bán bánh mì đã làm điều đó. Chúng ta cũng phải vậy thôi!
___________
(3)https://thesaigontimes.vn/nhung-lat-cat-cua-kinh-te-viet-nam-trong-thang-dau-nam-2023/
Tiền vô như nước. Không có nghĩa là tiền vào nhiều. Mà bản chất chính là sự thông suốt. Dòng chảy đối với nước cũng tối quan trọng như dòng chảy tiền tệ. Vận động là phương thức tồn tại của vật chất. Bởi không có sự vận động liên tục, bền bỉ của dòng nước/ dòng tiền thì sẽ không có sự sinh sôi và phát triển. Năm 22 thế giới đã chứng kiến nhiều sự đóng băng kinh hoàng, ví dụ covid ở Trung quốc, chiến cuộc Ucraina, đã gây đứt gãy chuỗi cung ứng kinh tế rất rõ ràng. Năm 23, riêng ở VN ta, cũng phải cấp bách giải quyết phá băng thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nếu không, dòng tiền tiếp tục bị tắc nghẽn, hậu quả khó lường. Làm sao đừng để tái diễn thảm cảnh “tiền khô như nước”.
Tiền vô như nước. Không có nghĩa là tiền vào nhiều. Bản chất chính là sự thông suốt. Vận động là phương thức tồn tại của vật chất (Engel). Đúng vậy, nếu không có sự vận động bền bỉ, liên tục dòng chảy của nước/ dòng chảy của tiền thì chắc chắn không có sự sinh sôi và phát triển. Dòng nước cũng tối quan trọng như dòng tiền. Ai cũng hiểu rất rõ điều này, nhất là những nhà quản lý kinh doanh. Năm 22, thế giới đã chứng kiến nhiều nghịch cảnh đóng băng đáng sợ, như covid-19 ở Trung quốc, chiến cuộc bùng nổ Ucraina… đã làm ngưng trệ hàng loạt chuỗi cung ứng kinh tế. Năm 23, VN ta cũng phải làm sao phá băng thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường chứng khoán… nếu không nền kinh tế sẽ phải đối diện nguy cơ khó lường. Khẩu hiệu của năm nay chính là tránh triệt để “tiền khô như hạn”.