Tiếng Anh thời sự: Từ quen nghĩa lạ
Nguyễn Vũ
Tuần rồi cảnh sát Mỹ lại vô cớ bắn chết một người da đen ở Minnesota, hai ngày sau khi một người da đen khác cũng bị bắn tại Louisiana làm dấy lên cuộc tranh luận tại Mỹ về việc dùng vũ lực gây chết người. |
(TBKTSG Online) – Có những từ chúng ta thấy hay dùng theo một nghĩa quen thuộc đến khi xuất hiện trong một văn cảnh lạ thường gây khó khăn cho việc đọc hiểu. Lấy ví dụ câu này: Now Facebook must navigate when, if at all, to draw the line if a live video is too graphic…
Đây là đang nói chuyện người dân Mỹ tuần trước dùng Facebook để tải video trực tuyến các vụ cảnh sát vô cớ bắn chết người da đen trong đó có từ graphic. Graphic thường được dùng theo nghĩa đồ họa như graphic design là thiết kế đồ họa hay câu này The poll and graphic were produced by Grammarly, the world's leading automated proofreader – Grammarly làm cả cái khảo sát và đồ họa.
Thế nhưng trong câu ở đoạn đầu graphic mang nghĩa “miêu tả một cách chi ly, chi tiết, rất thực”. Cho nên một video mà too graphic có nghĩa video đó rất trần trụi (tra tự điển thấy nghĩa “sinh động” thì cũng chẳng giúp gì cho việc hiểu).
Ngay cả từ navigate cũng thường thấy dùng theo nghĩa lái (tàu thuyền), luồn lách nhưng trong câu đó nó lại dùng theo nghĩa xoay xở, tìm cách ứng xử, đưa ra quyết định.
Cách dùng từ như thế là chuyện bình thường, bài báo nào cũng có vài ba từ quen được dùng theo nghĩa lạ. Đó là cái bẫy khá lớn mà người học tiếng Anh cần chú ý. Ví dụ một câu khác, cũng nói về Facebook, Flagged material is sent to a team of Facebook employees, who can take some actions.
Flag là lá cờ, dùng như động từ có nghĩa đánh dấu, lưu ý… Nhưng hiểu cho sát thì “flagged material” trong câu trên là những nội dung bị báo cáo tức những câu, hình ảnh hay video đăng trên Facebook mà người dùng khác nhấn nút báo cho Facebook là có vấn đề…
Bên dưới là một vài ví dụ thời sự để minh họa, như câu này trên tờ The Economist: Should inked Westerners feel they should cover them up, because they are frowned upon in the country?
Bài báo nói về chuyện người đi ra nước ngoài có nên chú ý đến cách ăn mặc không và “inked Westerners” là các ông tây bà đầm xăm mình nhiều quá. Ink ai cũng biết là mực nên dễ làm người đọc không chú ý nghĩa kia. Các tự điển lớn chưa có nghĩa này mà chỉ mới có các nghĩa “lạ” khác của ink như ký hợp đồng, được quảng bá… (We expect to ink the contract tomorrow; Their construction plans got some ink in the local paper).
Đưa ra lời khuyên, bài báo viết: Gulliver wishes he could think of a hard-and-fast rule for how to behave in such circumstances.
Gulliver chỉ là bút danh của người đứng mục này trên The Economist, muốn nhắc tới nhân vật Gulliver. Cái lạ là cụm từ hard-and-fast rules, là các quy định chặt chẽ, trắng đen rõ ràng, không thay đổi.
Ngược lại, một câu khác giúp chúng ta đừng quá bị tác động bởi chuyện thời sự! And culture, although important, doesn’t trump everything, particularly if it is simply a veil for repression.
Đọc câu này cứ nhớ đến nhân vật Trump khét tiếng trong khi trump ở đây chỉ là thắng thế, vượt trội. Trump thường được dùng nhất trong cụm từ trump card – lá bài tẩy, quân bài chủ, át chủ bài…
Dĩ nhiên khi có dịp tác giả các bài báo luôn dùng từ đa nghĩa để thêm hương hoa cho bài viết. Ví dụ tác giả bài trên kết thúc bằng câu: Naked prejudice, as seems to have been case with Mr Al Menhali, should not be tolerated wherever you are in the world.
Naked là trần truồng, ở đây được dùng theo nghĩa trắng trợn, không căn cứ. Nhưng vì đang nói về quần áo nên dùng từ naked hay hơn, nhiều hình ảnh hơn khi dùng blatant chẳng hạn.
Một bài khác, bắt đầu bởi cái tít “When it comes to passports, it pays to be German”. When it comes to thì chúng ta đã đề cập ở một bài trước, từ lạ ở đây là pay thường dùng theo nghĩa trả tiền. Dùng theo nghĩa “có lợi” như trong tít thì không lạ lắm vì khá phổ biến nhưng cũng gây khó khăn cho nhiều người (Your training will pay you well in the future; It pays to learn a foreign language…). Cho nên nếu cần dịch để hiểu cái tít, chỉ cần dịch Cầm hộ chiếu Đức thì có lợi nhất (được đi 175 nước mà không cần xin visa).
Miêu tả dòng du khách Trung Quốc gây phiền nhiễu cho cư dân Anh, tờ Independent viết: “Coachloads of Chinese tourists are deposited in the high street of Kidlington, Oxfordshire, and fan out to traipse across gardens, peer into the windows of redbrick 1970s bungalows and take selfies with road signs in perfectly ordinary suburban streets”.
Từ deposit tác giả dùng theo nghĩa đỗ xe nhưng hàm ý đổ bộ, một cách không bình thường. Những chi tiết sau đó làm rõ hơn ý này của tác giả như traipse (đi lang thang, không chủ đích), peer (nhòm vô cửa sổ), take selfies…. Ôi, du khách Trung Quốc ở đâu cũng gây điều tiếng như nhau.