Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

‘Tiếp đà’ phục hồi kinh tế từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý về thuế

Hoàng Thắng thực hiện

-

(KTSG Online) – Trong những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính, đã có cuộc trò chuyện cùng KTSG Online về những nỗ lực của ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính về thuế và đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế, bên cạnh việc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để giúp các doanh nghiệp phục hoạt động sản xuất – kinh doanh trong năm 2022.

Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhàm giúp doanh nghiệp và người dân sớm ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Ảnh: Minh Tuấn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2021, nền kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, tác động không thuận, nhất là dịch Covid-19 và hậu quả của nó đã gây ra tình trạng trì trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng tạo áp lực lên đời sống người dân và các hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Ở trong nước, làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 4 lan rộng và kéo dài ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, đà phục hồi của nền kinh tế và đời sống người dân, nhất là người lao động tại các khu công nghiệp, vùng cách ly, phong tỏa.

Chúng tôi cho rằng khó khăn nhiều hơn từ môi trường quốc tế và những vấn đề nội tại. Tuy nhiên, thuận lợi, thời cơ chúng ta có được cũng không ít.

Đó là yếu tố kinh nghiệm trong điều hành kinh tế – xã hội đã tích lũy được trong những năm trước, đón đầu tận dụng sự chuyển đổi số trong phát triển kinh tế – xã hội, sự chủ động, quyết liệt trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, ý thức người dân được nâng lên, sự đồng lòng, thống nhất của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân.

Với điều hành ngân sách Nhà nước (NSNN), chúng ta trải qua một năm rất khó khăn do tác động “kép” từ dịch Covid-19 và suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhất là ở các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội và giãn cách xã hội tăng cường để phòng dịch.

Về phần thu, việc tăng trưởng kinh tế suy giảm nghiêm trọng khiến thu NSNN ở nhiều địa phương bị ảnh hưởng lớn trong quý 3-2021. Về phần chi, hoạt động chi NSNN, nhất là chi đầu tư phát triển thực hiện giải ngân chậm.

Nhưng nhờ những chỉ đạo quyết liệt và các chính sách đột phá, chưa từng có tiền lệ trong năm nay của Đảng và Nhà nước, cùng sự quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp sáng tạo, chủ động trong phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của các ngành, cấp, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Điều này giúp tăng trưởng GDP quý 4 đạt 5,22%, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng dương cả năm.

Mức tăng trưởng đạt được tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng trưởng tốt với giá trị trên 336 tỉ đô-la Mỹ – tăng 19% so với năm 2020.

Còn lạm phát kiểm soát ở mức 1,84% – thấp hơn nhiều so mục tiêu đề ra là 4%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Hình ảnh: Minh Tuấn – Lê Vũ

Về phía Bộ Tài chính, chúng tôi đã chủ động tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng và các cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách tài khóa trong phòng, chống dịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng của dịch, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực NSNN cho phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện nhiều giải pháp, gồm: thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 để huy động nguồn lực xã hội hóa đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng; yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, kinh phí công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP), tập trung kịp thời kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch.

Trước diễn biến rất phức tạp của dịch Covid-19, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã tiếp tục được triển khai ở mức cao hơn với tổng giá trị hỗ trợ khoảng 144.000 tỉ đồng. Trong đó, một số giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, gồm: miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; miễn tiền chậm nộp thuế.

Trong quá trình xây dựng các giải pháp, Bộ đã rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai trước đó. Đồng thời, tham khảo ý kiến rộng rãi của cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong xã hội để chính sách nhanh chóng tiếp cận với đối tượng cần hỗ trợ.

Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đều đã quy định rõ việc áp dụng ngay các giải pháp hỗ trợ mà không phải chờ báo cáo mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, trên cơ sở quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn, các đối tượng thụ hưởng sẽ tự xác định, kê khai số thuế phải nộp dựa trên quy định của pháp luật về thuế và điều kiện thực tế của mình, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch và thuận lợi.

Có thể thấy, đặt trong tổng thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân đã được ban hành và triển khai thực hiện vào thực tế, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng.

Giai đoạn tôi đảm nhận vị trí người đứng đầu ngành Tài chính cũng là khi bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhất là ảnh hưởng của làn sống lây nhiễm Covid-19 thứ tư, nhưng tôi và tập thể lãnh đạo Bộ, cùng toàn thể công chức, viên chức của ngành vẫn kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” mà Chính phủ đề ra. Đồng thời tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận là Bộ Tài chính đã bám sát chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chủ động điều hành chính sách tài khóa ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

Theo đó, trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19 như thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời hạn nộp đối với một số sắc thuế, khoản thu, với tổng giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí được miễn giảm, gia hạn năm 2021 khoảng 144.000 tỉ đồng.

Trong đó, số tiền gia hạn khoảng 119.400 tỉ đồng đồng, số tiền miễn, giảm khoảng 24.600 đồng.

Công tác quản lý, điều hành thu, chi NSNN được thực hiện chặt chẽ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Ngoài ra, Bộ đã chủ động xây dựng và triển khai các phương án điều hành đảm bảo cân đối NSNN các cấp, tập trung ưu tiên nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đồng thời, Bộ cũng trình Thủ tướng ban hành Quyết định thành lập Quỹ vaccine phòng Covid-19 nhằm huy động các nguồn lực phục vụ tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19.

Hình ảnh: Minh Tuấn – Lê Vũ

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, đòi hỏi ngành Tài chính phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính – ngân sách trong bối cảnh kinh tế – xa hội có nhiều biến động, nhiều vấn đề, hoạt động mới phát sinh đòi hỏi thể chế, chính sách tài chính – ngân sách phải vừa bao quát, vừa định hướng huy động, phân bổ các nguồn lực theo các ưu tiên chiến lược nhằm khai thác, phát huy tối đa các lợi thế có được. Đồng thời, cần hạn chế tình trạng gian lận thuế, trốn lậu thuế, tăng cường quản lý thu thu đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Thứ hai, tăng cường hiệu quả công tác triển khai phân bổ dự toán chi NSNN, bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương, trong đó cần đẩy mạnh tiến độ và hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, trong đó cần đảm bảo tính kịp thời, khả thi trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục và kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp, để có thêm nguồn lực cho Nhà nước thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, an sinh xã hội và nhiệm vụ chi cho công tác chống dịch, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo toàn ngành phát huy truyền thống đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất, điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp hỗ trợ về thuế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội nhằm giúp doanh nghiệp và người dân sớm ổn định, khôi phục sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.

Thứ hai, tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế.

Tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi mạnh mẽ hoạt động sản xuất – kinh doanh ngay sau khi dịch bệnh được khống chế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tăng thêm năng lực sản xuất mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để tăng thu cho NSNN.

Thứ ba, thực hiện tốt Luật Quản lý thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN; quản lý hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế số. Tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế; tăng cường giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; giảm tỷ lệ nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT); đẩy nhanh triển khai hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc.

Thứ tư, thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi thực hiện bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, pháp luật về đất đai, tài nguyên, khoáng sản. Đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các Đề án đã được phê duyệt để huy động kịp thời nguồn thu từ thoái vốn vào NSNN theo dự toán được giao.

Hình ảnh: Minh Tuấn – Lê Vũ

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ cùng với việc thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ đối với các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, thị trường chứng khoán; quản lý thu, chống thất thu, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế… Tăng cường quản lý thu NSNN phát sinh từ các hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu NSNN, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh để khuyến khích, thu hút đầu tư.

Thứ sáu, phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát huy tất cả các nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, góp phần tăng thu NSNN trong dài hạn. Đồng bộ hóa cơ chế, chính sách thu NSNN với các chính sách khác, kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh giúp thu hút đầu tư kinh doanh vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong công tác quản lý thu NSNN vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN.

Công tác giải ngân vốn đầu tư luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao. Năm 2021 Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo để thúc đẩy giải ngân, gồm: Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công; công điện số 1082/CĐ-TTg; các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ; thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành, địa phương.

Đầu tháng 12-2021, Thủ tướng đã thành lập 6 Tổ công tác do lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc nhằm đẩy mạnh giải ngân tại 41 Bộ và 30 địa phương.

Với các chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng và sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh thực hiện dự án đầu tư công từ NSNN. Theo đó tỷ lệ ước giải ngân 12 tháng của năm 2021 đạt 77,3% kế hoạch Thủ tướng giao. Riêng trong quý 4-2021, tỉ lệ giải ngân tăng từ 44,07% lên 77,3%.

Để phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp.

Thứ nhất, có văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2021. Đồng thời, rà soát, có ý kiến kiểm tra phân bổ theo quy định của Luật NSNN để các đơn vị phân bổ chi tiết cho các dự án đúng quy định, đồng thời phối hợp với các đơn vị để nhập, phê duyệt kịp thời kế hoạch vốn đầu tư lên hệ thống Tabmis làm cơ sở kiểm soát, thanh toán vốn ngay từ đầu năm 2021.

Thứ hai, tổ chức các Hội nghị trực tuyến, tọa đàm với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, các nhà tài trợ dự án ODA và vay ưu đãi. Các hội nghị đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong công tác giải ngân thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính và đề xuất Thủ tướng Chính phủ các biện pháp về giao vốn, phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định vay, tiến độ rút vốn,…

Ảnh: Chánh Trung

Thứ ba, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2018 về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ nhằm tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án cho vay lại. Ngoài ra, Nghị định số 99/2021 về quản lý, thanh toán, quyết toán sử dụng vốn đầu tư công cũng được ban hành, qua đó tạo cơ sở pháp lý đồng bộ bao quát các nguồn vốn đầu tư công và quy định quy trình quản lý, thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo hướng hậu kiểm, rút ngắn thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành theo hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau.

Với các khoản còn lại, thời gian thanh toán là tối đa không quá 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

Ngoài ra, Bộ cũng thực hiện thanh toán nhanh qua dịch vụ công trực tuyến để đẩy nhanh thời gian thanh toán.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ quy định các cơ chế nhằm quản lý tạm ứng để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng tập trung vào công trình, tránh tạm ứng quá nhiều nhưng không có khối lượng.

Thứ tư, thực hiện báo cáo Thủ tướng tình hình thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 định kỳ kịp thời để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Thứ năm, tham gia kịp thời để đề xuất Chính phủ các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công tại các Nghị quyết của Chính phủ và văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng. Trong đó, kiến nghị tăng cường vai trò của người đứng đầu trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường công tác quản lý, theo dõi, giám sát, cập nhật thông tin giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án; việc giải ngân vốn đầu tư phải gắn với kiểm soát chất lượng công trình, hồ sơ theo đúng quy định, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Hoàng Thắng thực hiện – Đồ họa: Thu Trang

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây