Thứ sáu, 24/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tiếp tục tăng ngay từ đầu năm – lãi suất đang chịu sức ép từ đâu?

Triệu Minh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Sau các đợt tăng trong tháng cuối năm 2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiếp tục đi lên trong tháng 1-2025. Dù có không ít dự báo cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ ổn định hơn khi bước sang năm 2025 này, nhưng liệu đang có những yếu tố nào tác động lên xu hướng lãi suất hiện nay cũng như giai đoạn tới?

Mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đã ngày càng mở rộng. Ảnh: T.L

Tiếp tục tăng ngay từ đầu năm

Từ đầu tháng 1-2025, khoảng năm ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động, sau khi đã có chuỗi tăng khá mạnh trong những tháng cuối năm 2024. Trong đó, chủ yếu là những ngân hàng có quy mô nhỏ, các ngân hàng lớn vẫn không có động tĩnh, dù thanh khoản hệ thống không còn dồi dào như trước.

Có thể kể đến KienLong Bank tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 1-6 tháng, lên mức 3,5-3,7%/năm ở kỳ hạn 1-5 tháng và 5,2%/năm ở kỳ hạn 6 tháng.

Tương tự, VietBank tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 1-4 tháng lên vùng 4-4,1%/năm, tăng 0,3 điểm phần trăm kỳ hạn 5-6 tháng lên lần lượt 4,2%/năm và 5,3%/năm, và tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 12 tháng lên 5,7%/năm.

NCB tăng 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 1 tháng lên 4%/năm; tăng 0,1 điểm phần trăm kỳ hạn 2-5 tháng lên vùng 4,1-4,4%/năm.

Đáng chú ý nhất là BacA Bank tăng đều 0,2 điểm phần trăm kỳ hạn 1-12 tháng và tăng 0,25 điểm phần trăm kỳ hạn từ 13 tháng trở lên.

Lãnh đạo NHNN gần đây chia sẻ rằng, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của đô la Mỹ trong thời gian qua, cùng với những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ, đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá.

Nếu như trong quí 4-2024, hầu hết các ngân hàng tăng lãi suất ở các kỳ hạn ngắn và dài, đợt tăng lần này của các ngân hàng chỉ tập trung ở kỳ hạn ngắn từ dưới 6 tháng trở xuống, ngoại trừ BacA Bank. Điều này cho thấy các ngân hàng có lẽ tin rằng mặt bằng lãi suất trong giai đoạn tới sẽ không có nhiều biến động, bất chấp dự báo gần đây của một số tổ chức cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tăng lãi suất điều hành trở lại trong nửa cuối năm 2025.

Cụ thể, theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank, có khả năng lãi suất huy động năm 2025 sẽ duy trì đi ngang với sự hỗ trợ đến từ nỗ lực thúc đẩy tín dụng trong năm 2025 của NHNN. Công ty Chứng khoán TPS cho rằng lãi suất huy động năm 2025 sẽ ổn định hoặc tăng nhẹ và có sự phân hóa giữa các ngân hàng, trong đó nhóm ngân hàng quy mô nhỏ dự kiến sẽ áp dụng mức lãi suất cao hơn để thu hút nguồn vốn từ khách hàng. Còn Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân sẽ tăng, nhưng chỉ khoảng 0,3 điểm phần trăm, lên mức 5,2-5,3%/năm vào cuối năm 2025.

Bên cạnh đó, vẫn có một số nhận định như của UOB cho rằng Chính phủ và NHNN sẽ tiếp tục giữ các mức lãi suất chính sách như hiện nay trong một chính sách tiền tệ trung hòa trong vài tháng đầu năm 2025.

Về phần mình, lãnh đạo NHNN gần đây chia sẻ rằng, việc điều hành lãi suất hiện nay gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của đô la Mỹ trong thời gian qua, cùng với những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ, đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá.

Trong khi đó, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng có dấu hiệu phân hóa. Cụ thể, tính đến cuối tuần qua (ngày 17-1-2025), lãi suất kỳ hạn qua đêm giảm 0,15 điểm phần trăm so với cuối năm 2023; kỳ hạn 1 tuần giảm 0,69 điểm phần trăm; kỳ hạn 2 tuần giảm 0,05 điểm phần trăm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,43 điểm phần trăm; ngược lại kỳ hạn 1 tháng tăng 0,3 điểm phần trăm và kỳ hạn 6 tháng tăng 0,98 điểm phần trăm.

Các yếu tố ảnh hưởng

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng, khiến mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục đi lên trong tháng 1-2025.

Đầu tiên, mức chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động vốn đã ngày càng mở rộng. Tăng trưởng tín dụng năm 2024 lên đến 15,08%, tập trung trong quí 4 với mức tăng tới gần 6,1%, theo đó dư nợ toàn hệ thống đến ngày 31-12-2024 đã đạt hơn 15,61 triệu tỉ đồng.

Về phía huy động vốn, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng huy động vốn toàn ngành đến ngày 25-12-2024 đạt 9,06% so với đầu năm, trong đó riêng quí 4 dù cũng tăng gần 4,3%, nhưng tốc độ tăng này thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của dư nợ. Theo đó, huy động vốn toàn ngành đến cuối năm 2024 đạt gần 15,9 triệu tỉ đồng, tuy cao hơn dư nợ tín dụng, nhưng cần lưu ý rằng các ngân hàng phải tuân thủ tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động vốn tối đa 80%.

Nếu chiếu theo tỷ lệ này, toàn ngành chỉ có thể cho vay ra ở mức hơn 12,7 triệu tỉ đồng. Phần dư nợ lớn hơn đang được tài trợ bởi nguồn vốn tự có của các ngân hàng, các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng cũng như nguồn vốn tài trợ thương mại. Dù vậy, chênh lệch số dư tuyệt đối giữa huy động vốn và dư nợ tín dụng ngày càng thu hẹp, lãi suất chịu áp lực tiếp tục tăng là điều có thể hiểu được.

Yếu tố thứ hai là thanh khoản hệ thống vẫn đang eo hẹp, khi nhà điều hành tiếp tục rút một lượng tiền lớn ra khỏi hệ thống. Trong tháng 1, tính đến đầu tuần này (ngày 20-1-2025), NHNN đã hút hơn 44.900 tỉ đồng qua kênh tín phiếu và thị trường mở (OMO), trong đó tín phiếu bị hút ròng hơn 15.900 tỉ đồng và OMO bị hút ròng gần 29.000 tỉ đồng.

Trước đó, trong quí 4-2024, nhà điều hành cũng đã hút ròng hơn 34.400 tỉ đồng, chưa nói đến lượng thanh khoản bị hút qua kênh bán ngoại tệ để hỗ trợ tỷ giá. Một số báo cáo cho thấy NHNN đã bán ra khoảng 9,4 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024. Giai đoạn đầu, từ tháng 4 đến tháng 7-2024 ghi nhận quy mô bán khoảng 6,5 tỉ đô la. Giai đoạn sau, từ tháng 9 đến tháng 12-2024, quy mô bán khoảng 2,8 tỉ đô la.

Yếu tố thứ ba, việc tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục chịu áp lực cũng ảnh hưởng lên lãi suất. Chỉ số USD Index đã lên mức cao nhất kể từ tháng 10-2022 tại vùng trên 110 điểm vào giữa tháng 1-2025. Chính vì vậy mà dù nguồn cung ngoại tệ trong năm 2024 vừa qua ghi nhận khá dồi dào, tỷ giá ngay từ đầu năm chịu tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế. Hiện một số dự báo cho rằng tỷ giá vẫn là một trong những thách thức khó lường trong năm 2025.

Số liệu cho thấy trong năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 24,77 tỉ đô la; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân đạt 25,35 tỉ đô la, còn vốn đầu tư gián tiếp ghi nhận 4,54 tỉ đô la. Ngoài ra, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 16 tỉ đô la. Như vậy, chỉ riêng ba hoạt động này đã mang lại nguồn ngoại tệ lên đến gần 70,7 tỉ đô la.

Cuối cùng, hiện tại đang là mùa cao điểm huy động vốn của các ngân hàng, khi một lượng lớn tiền hàng thanh toán, lương- thưởng vào dịp cuối năm đổ về tài khoản thanh toán tăng mạnh. Vì vậy, bên cạnh các chương trình khuyến mãi với nhiều ưu đãi, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ lãi suất với mức điều chỉnh tăng hấp dẫn để thu hút khách hàng gửi tiết kiệm, nhằm chuẩn bị đáp ứng nguồn vốn kinh doanh ngay sau Tết.

NHNN tiếp tục giao hết hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng ngay từ cuối năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2025 lên đến 16%, trong đó có một số ngân hàng được giao mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới