(KTSG Online) - Theo Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia, trong kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, mức tiêu thụ điện trên cả nước giảm 33,4% so với ngày thường của tuần trước Tết. Tiêu thụ điện giảm thấp khiến nhiều nguồn điện buộc phải giảm phát để phù hợp với nhu cầu phụ tải.
- Ngày đầu làm việc sau Tết, lãi suất ngân hàng cao nhất 9% cho kỳ hạn 12 tháng
- Nhiều doanh nghiệp cùng khai trương, mở cửa hàng vào Mùng 6 Tết
Theo số liệu từ Công ty vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia (NSMO), trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (từ ngày 25-1 tức ngày 26 tháng Chạp đến hết ngày 2-2 tức ngày mùng 5 Tết), công suất tiêu thụ cao nhất của toàn hệ thống điện quốc gia bình quân ngày chỉ ở mức khoảng 29.007 MW. Sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày trong kỳ nghỉ Tết ở mức khoảng 528,1 triệu kWh/ngày, TTXVN đưa tin.
Số liệu thống kê cho thấy, mức tiêu thụ điện trên cả nước trong dịp Tết Ất Tỵ giảm 33,4% so với ngày thường của tuần trước Tết. Tuy nhiên, mức tiêu thụ điện bình quân ngày trong dịp Tết Ất Tỵ 2025 vẫn cao hơn cùng kỳ dịp Tết Giáp Thìn 2024 là 7,8%.
Như NSMO đã dự báo trước đó, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc vào dịp Tết nguyên đán đã giảm thấp đáng kể so với ngày thường. Theo số liệu thống kê thực tế, trong kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm có ngày chỉ còn ở mức 12.275 MW vào ban đêm của ngày 29-1 (mùng 1 Tết), tương ứng tỷ lệ giảm khoảng 50% so với ngày thường. Với mức tiêu thụ điện giảm thấp trong dịp nghỉ Tết, nhiều nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải.
Trên thực tế đối với hệ thống điện hiện nay, để đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện, NSMO bắt buộc phải duy trì một số tổ máy điện truyền thống như nhiệt điện than, turbine khí, thủy điện... ở mức tối thiểu để đảm bảo ổn định cho hệ thống điện.
Vì vậy, khi công suất phụ tải tiêu thụ xuống quá thấp, các nguồn truyền thống đã ngừng/giảm phát đến giới hạn kỹ thuật mà tổng công suất phát vẫn vượt nhu cầu tiêu thụ dẫn đến yêu cầu bắt buộc phải điều chỉnh giảm công suất huy động từ tất cả các nguồn điện, kể cả từ các nguồn năng lượng tái tạo như thủy điện nhỏ, điện mặt trời, điện gió để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.
Theo EVN, dịp Tết vừa qua, một số ít sự cố xảy ra trên lưới điện phân phối do người dân vi phạm hành lang an toàn lưới điện như thả diều, bóng bay, bắn dây kim tuyến... lên đường dây được các lực lượng ứng trực xử lý kịp thời, khôi phục cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.