Tiêu thụ lúa gạo cho nông dân: lo ngại ‘nút thắt’ ở cảng
Trung Chánh
(KTSG Online) – Bên cạnh sự thống nhất giữa các địa phương trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp đi thu mua lúa, các ngành chức năng còn cần tháo gỡ “nút thắt” ở cảng để doanh nghiệp "đẩy" nhanh việc giao hàng, giải phóng tồn kho.
Nông dân 'khó chồng khó' vì giá lúa thấp, giá phân bón tăng mạnh
Lúa rớt giá, An Giang 'trách' các tổng công ty lương thực đang đứng ngoài cuộc
Cần tháo gỡ nút thắt ở cảng để giải phóng hàng tồn, đẩy mạnh tiêu thụ lúa cho nông dân. Ảnh: Trung Chánh |
“Kẹt” ở cảng, doanh nghiệp không giao hàng kịp tiến độ
Tại cuộc họp giải quyết tình hình tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào hôm nay, 7-8, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, doanh nghiệp không dám ký hợp đồng với đối tác nước ngoài vì lo không giao được hàng.
Theo ông Nam, giá cước vận tải đã lên rất cao, đặc biệt là khu vực châu Phi, tàu hàng vào cảng cả tháng, nhưng không thể đưa hàng lên tàu được. Điều này, khiến việc giải phóng lượng hàng trong kho của doanh nghiệp rất khó khăn nên cũng không thể nhập hàng mới vào được.
Đối với Intimex Group, ông Nan cho biết, đơn vị này ký hợp đồng giao hàng trong tháng 7 và 8 là 100.000 tấn. Thế nhưng, riêng tháng 7, mới đi được 30.000 trên tổng số 50.000 tấn, “có nghĩa chúng tôi có khoảng 40% không đi được do vấn đề tàu”, ông Nam nói và lo lắng trong tháng 8-2021 khả năng giao hàng không đạt 50% trên tổng số 50.000 tấn. Nếu hợp đồng cứ tiếp tục tình trạng chậm trễ, thì uy tín và thị trường của doanh nghiệp có khả năng sẽ mất.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho rằng, khó khăn của ngành lương thực là còn tồn kho nhiều. “Hầu hết các doanh nghiêp trong ngành đều giao hàng không được, chứ không riêng Intimex Group”, ông cho biết.
Cụ thể, ông Bình dẫn chứng, ngày 15-8 tới, Trung An sẽ xếp 11.000 tấn gạo lên tàu, nhưng TP Cần Thơ đến ngày 16-8 mới hết giãn cách (thời gian quy định- PV), cho nên, không chắc doanh nghiệp sẽ giao được hàng. “Tháng 8 chúng tôi giao 11.000 tấn, rồi tháng 9 cũng 11.000 tấn, nhưng nếu “dính” (ý nói không giao hàng được- PV) tháng này, thì “dính” luôn tháng kia”, ông cho biết.
Trước tình trạng nêu trên, ông Nam của Intimex Group cho rằng, hệ thống logistics cũng giống như hệ thống mạch máu của nền kinh tế, chon nên, nếu không thể giải quyết được vấn đề logistics thông suốt thì rất nguy hiểm.
Từ thực trạng “kẹt” lưu thông xuất khẩu, cho nên, doanh nghiệp không thể thu mua lúa gạo vào được. “Bây giờ, doanh nghiệp tồn kho quá lớn, chúng tôi có 100.000 tấn, thì mua làm sao”, ông Nam nói và cho rằng, muốn mua vào, thì phải “đẩy” lượng hàng đó lưu thông mới được.
Phải biết cấp dưới thực thi ra sao?
Trong khi đó, ở khâu tiêu thụ trong nước, giữa các địa phương vùng ĐBSCL đang gặp rất nhiều khó khăn, dù địa phương đã có chỉ đạo tạo thuận lợi cho việc lưu thông, thu mua của thương lái và doanh nghiệp.
Ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - địa phương hiện đang còn khoảng 600.000 tấn lúa hàng hoá chờ thu hoạch - cho biết nông dân ra đồng, thu hoạch lúa vẫn gặp khó khăn dù tỉnh An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp cũng đã có chính sách tháo gỡ. “Tuy nhiên, nói gì thì nói, nó vẫn không thuận lợi như trong tình hình không có dịch”, ông Thư nói.
Cụ thể, theo ông Thư, khi ra ngoài đồng phải có test nhanh, rồi tổ chức quản lý rất chặt chẽ như: địa phương nào thu hoạch ở địa phương đó nên cũng bị ảnh hưởng. “Phương tiện vận chuyển của thương lái từ địa bàn này sang địa bàn khác trong tỉnh hoặc tỉnh này sang tỉnh khác cũng gặp khó khăn”, ông cho biết.
Chính vì vậy, ông Thư kiến nghị, lãnh đạo các tỉnh phải thống nhất, có nghĩa phương tiện của thương lái khi đi thu mua lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL, thì chỉ cần phương tiện có gắn mã nhân diện và người điều khiển phương tiện test nhanh âm tính SARS-CoV-2 là đồng ý cho đi qua. “Việc này, chúng ta vừa phòng dịch cũng vừa thuận lợi cho việc tiêu thụ lúa gạo”, ông gợi ý.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, các địa phương quy định quá chặt trong việc đi lại, thậm chí nhiều địa phương còn quy định phải đi mấy người, quá số lượng là không được, cho nên, chắc chắn phải bị ảnh hưởng. “Do đó, tôi đề nghị các địa phương phải có báo cáo thường vụ cấp cao nhất để có chính sách thống nhất”, ông Hải cho biết.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, khó khăn hiện nay là dịp để các đia phương ĐBSCL cùng ngồi lại, liên kết với nhau. “Chúng ta hiểu, không gian kinh tế ngành hàng lúa gạo ở ĐBSCL nó không phải phân chia theo địa giới hành chính”, ông Hoan nói và dẫn chứng, doanh nghiệp của TP Cần Thơ có thể đi qua Đồng Tháp mua lúa, trong khi doanh nghiệp Đồng Tháo xuống Hậu Giang...
Theo ông Hoan, với lực lượng thương lái, họ cũng đi theo một vòng như doanh nghiệp, cho nên, trong không gian kinh tế, chỉ cần đứt khúc một cung đường nào đó, thì nó dồn ứ lập tức. “Bởi vậy, chúng ta phải tháo gỡ cái không gian đó”, ông nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, các địa phương cam kết với Chính phủ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho lưu thông, không ngăn sông cấm chợ. “Nhưng, tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương dự họp hôm nay phải rà soát, bởi ở cấp tỉnh cam kết như vậy, nhưng người đứng ở cấp xã, huyện nhiều khi họ chưa thực hiện như vậy”, ông đề nghị và cho rằng, thậm chí người đứng ở trạm kiểm soát nhiều khi cũng gây khó dễ.