Thứ Hai, 22/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tiêu thụ nông sản ‘nóng’ tại phiên chất vấn nghị trường Quốc hội

Vân Ly

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Vào chiều 7-6, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhiều vấn đề, trong đó tập trung nhiều vào tiêu thụ nông sản, làm sao để tránh ùn ứ trong tiêu thụ, được mùa mất giá…

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều 7-6. Ảnh: Quốc hội

Tăng cường đầu tư vào chế biến nông sản

Về việc ùn ứ nông sản ở cửa khẩu phía Bắc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao cùng vào cuộc, tuy nhiên, đây là trường hợp bất khả kháng do khác biệt trong quy định chống dịch của hai bên.

Trả lời câu hỏi của đại biểu về thực tế Trung Quốc thay đổi biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi Việt Nam chậm thay đổi, ông nhìn nhận có trách trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chậm thông tin để cho người dân biết. Song, ông cho rằng nông dân cũng chưa quan tâm đến lĩnh vực này mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức rất nhiều đợt truyền thông và tập huấn.

Bộ trưởng cho rằng về giải pháp không thể chỉ dùng biện pháp truyền thông, mà phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức thị trường, tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng để dẫn dắt thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Ngoại giao cũng xây dựng dự thảo thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc để chuyển dần xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch. Hiện nay, hàng hóa của Việt Nam chủ yếu trao đổi với cư dân biên giới, muốn chuẩn hóa để đi sâu vào nội địa, thị trường cấp cao hơn của Trung Quốc còn rất nhiều giải pháp để chuẩn hóa lại.

Về câu chuyện được mùa mất giá, bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định đó là quy luật kinh tế. Cần phải có quy trình chế biến để giảm lượng dư thừa và chuẩn hóa thị trường, giảm áp lực thị trường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận trách nhiệm về tiêu chuẩn, quy chuẩn trong công tác điều hành chuẩn hóa mặt hàng nông sản. Bộ đã giao cho các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, để tiết giảm chi phí đầu vào.

Ông cho rằng trong bối cảnh điều hành nền kinh tế thị trường, chiến lược thì từ trên xuống dưới mà tổ chức thực hiện thì từ dưới lên trên, nếu có sự vào cuộc và năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được vấn đề. Dẫn chứng câu chuyện nông sản của một số địa phương như cà rốt Hải Dương, xoài Sơn La, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều ở Bắc Giang… ông cho rằng khi các địa phương vào cuộc chủ động, thậm chí lãnh đạo địa phương trực tiếp đi tiếp thị, xúc tiến thương mại thì hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu của nông sản địa phương.

Với câu hỏi của đại biểu về chế biến nông sản, bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết thực tế một số ngành chế biến rất tốt, thậm chí không đủ nguyên liệu trong nước để chế biến như ngành thủy sản, chế biến gỗ, cao su. Lĩnh vực khó khăn nhất và rủi ro nhất trong chế biến nông sản là trái cây. Để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản thì chất lượng nông sản tốt và sản lượng ổn định. Do đó địa phương cần chủ động liên kết thu hút doanh nghiệp, tạo an tâm có đủ nguyên liệu sản xuất bởi doanh nghiệp sợ về đó mà nông dân không bán cho doanh nghiệp.

Chuẩn hoá vùng trồng

Trả lời câu hỏi của đại biểu về đưa nông sản ra nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng chi phí logistics và chi phí thị trường chiếm tỷ trọng cao, do đó chưa thể quá háo hức. Điều quan trọng là giá cao đó có phân bổ lại được cho người nông dân hay không. Ông bày tỏ mong muốn trước nhất phải làm tốt thương hiệu trong nước, niềm tin nông sản trong nước là bệ đỡ để đưa nông sản Việt Nam ra nước ngoài.

Về vấn đề bất ổn thị trường, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thông qua các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao và Tham tán thương mại nước ngoài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các bộ đã xây dựng ba thị trường lớn và một đề án riêng cho từng loại thị trường, bao gồm thị trường Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc. Mỗi loại thị trường có chuẩn mực, tiềm năng và có quy định rào cản của thị trường. Việc xây dựng đề án riêng để có chương trình xúc tiến bài bản tiếp cận thị trường với số đông doanh nghiệp tham gia hơn. Từ những loại thị trường đó sẽ chuẩn hóa các vùng nguyên liệu để đáp ứng được từng loại thị trường.

Tham gia trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho hay thời gian qua, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp để chuyển từ nông nghiệp truyền thống sang hàng hóa. Đó là vấn đề khuyến cáo các địa phương quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi và tổ chức lại sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết bộ sẽ sẽ tiếp tục làm tốt thông tin thị trường, khai thác lợi thế 17 hiệp định thương mại tự do đã ký tăng cường đàm phán, thuận lợi hóa thương mại cho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí, đẩy mạnh thực hiện đề án xuất khẩu nông sản chính ngạch và đẩy mạnh thương mại điện tử. Cùng với đó, đề nghị các địa phương làm tốt quy hoạch vùng trồng vùng nuôi, xây dựng thương hiệu sản phẩm; khuyến cáo có sự liên kết trong tổ chức sản xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới