Tiêu thụ vải thiều và câu chuyện chung tay kích cầu nông sản Việt
Y. Minh - Trung Chánh
(KTSG Online) – Những thông tin về việc vải thiều Bắc Giang, Hải Dương được đẩy mạnh xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiêu thụ đa kênh tại thị trường trong nước đã cho thấy hiệu quả từ sự hợp tác, chung tay giữa các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tìm hướng đi mới, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.
Giới thiệu vải thiều Lục Ngạn tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang. Ảnh: moit.gov.vn |
Cần Thơ kêu gọi người dân mua vải thiều để hỗ trợ nông dân Bắc Giang
Để hỗ trợ nông dân tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều đang thời kỳ thu hoạch rộ trong bối cảnh địa phương này chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19, thành phố Cần Thơ đã phát động tiêu thụ vải thiều năm 2021.
Tại lễ phát động diễn ra vào hôm nay, 14-6, ở siêu thị GO! Cần Thơ (thành phố Cần Thơ), ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ trao những túi vải thiều cho các tổ chức, cá nhân đã đăng ký mua ủng hộ đợt 1. Đây là số vải nằm trong lô hàng 20 tấn được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn của Việt Nam- PV), được vận chuyện bằng xe container lạnh từ Bắc Giang về địa phương.
Tại buổi lễ, ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ thông tin, sản lượng vải thiều năm 2021 của tỉnh Bắc Giang là hơn 200.000 tấn, dự kiến thu hoạch kéo dài đến giữa tháng 7-2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19, việc tiêu thụ loại nông sản này rất khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu nhập cũng như đời sống của nông dân trồng vải. “Do đó, chúng tôi phát động tiêu thụ vải thiều Bắc Giang để hỗ trợ bà con nông dân nơi đây”, ông Sơn chia sẻ.
Ngoài lô hàng 20 tấn đã đến Cần Thơ trong hôm nay, 14-6, những ngày sắp tới sẽ có thêm 3 xe vải khác với khối lượng 60 tấn sẽ được đưa về Cần Thơ tiêu thụ. Trước khi tổ chức lễ phát động, Cần Thơ cũng đã tiêu thụ được trên 150 tấn vải thiều cho nông dân Bắc Giang.
20 tấn vải thiều Bắc Giang đã về đến TP Cần Thơ bằng container lạnh. Ảnh: Thanh Liêm |
Bà Hồ Quang Kiều, Giám đốc siêu thị GO! Cần Thơ cho biết, 42 siêu thị trong hệ thống siêu thị GO! Big C và mini GO! đều chọn những vị trí tốt nhất để trưng bày vải thiều nhằm giới thiệu đến người tiêu dùng. Trong năm 2021, hệ thống siêu thị GO! và Big C cũng đã kích cầu tiêu thụ vải thiều trên sàn thương mại điện tử TIKI và bán hàng trực tuyến thông qua các ứng dụng GO!, Big C, Zalo, Facebook.
Theo bà Kiều, ước tính trong đợt này, toàn hệ thống GO! Big C sẽ tiêu thụ khoảng 200 tấn vải cho nông dân tỉnh Bắc Giang. “Việc hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản vùng miền là hoạt động thường xuyên của siêu thị chúng tôi", bà nói.
Hợp lực đưa nông sản Việt đi xa hơn
Liên quan đến tình hình tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều Bắc Giang nói riêng, trao đổi với KTSG Online, đại diện Bộ Công Thương cho biết, đơn vị này đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cũng như chỉ đạo các cơ quan thương vụ, xúc tiến thương mại tại khu vực thị trường châu Á - châu Phi triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đến hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa. Qua đó, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất là trái cây tươi qua biên giới khi đến thời điểm thu hoạch chính vụ như: quả vải trong thời điểm hiện nay.
Trước đó, vào ngày 8-6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021.
Bắc Giang được biết đến là vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích gần 50.000 héc-ta. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, với nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến, tiêu biểu là vải thiều.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, là vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, với cách làm sáng tạo, chủ động, hàng năm, vải thiều Bắc Giang đều có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, để ứng phó trong bối cảnh này, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021.
Trước thực tế yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường, tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam, tại Nhật Bản, Úc, Singapore và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kết nối, tiêu thụ vải thiều.
“Tôi mong rằng từ nay, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản tới vụ của Việt Nam, nhất là những trái cây tươi không chất bảo quản tới tay người tiêu dùng sớm nhất ở cả thị trường trong nước và nước ngoài, cả thị trường truyền thống và thị trường mới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ tại hội nghị.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, vào ngày 12-6, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đầu tiên với số lượng gần 1 tấn, gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247, cũng đã "hạ cánh" xuống sân bay Charles de Gaulle (Pháp). Đây là thành quả hợp lực xúc tiến giữa Thương vụ Việt Nam tại Pháp và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương kể từ sau khi thực hiện các phiên giao thương trực tuyến bên lề Hội nghị xúc tiến tiêu thụ, kết nối vải thiều Thanh Hà cho tỉnh Hải Dương.
Ông Vũ Anh Sơn, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt hơn một năm qua và đang diễn tiến phức tạp tại Việt Nam, đơn hàng vải thiều tới từ một đối tác uy tín tại Pháp đã xóa bỏ những nghi ngờ về năng lực cung cấp của Việt Nam, khẳng định thương hiệu, cũng như chất lượng quả vải Việt Nam nói riêng và hàng Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế.
Với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian. Những gì tem truy xuất nguồn gốc itrace247 mang lại không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới ở việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn mang lại hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.
Cho tới nay, vải Việt Nam mặc dù vẫn đang được nhập khẩu vào Pháp nhưng đều qua kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác hoặc đưa vào Pháp từ các nước châu Âu khác có điều kiện nhập khẩu ít ngặt nghèo hơn và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.
Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc được nhập khẩu chính ngạch có ý nghĩa “khai thông” quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung vào thị trường Pháp. Dự kiến, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch xuất khẩu hơn 10 tấn qua đường hàng không và đường biển cho năm 2022 vào thị trường này.
Về kế hoạch sắp tới, để đưa nhiều hơn nữa các mặt hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp và châu Âu, Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu tại Pháp và châu Âu, mở ra cơ hội cho không chỉ mặt hàng nông sản mà các sản phẩm chất lượng khác của Việt Nam được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng tại các thị trường này.