Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TikTok xoay xở cứu vãn mảng thương mại điện tử ở Indonesia

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nền tảng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok, công ty con của Bytedance (Trung Quốc), đang xoay xở tìm các phương án cứu vãn mảng thương mại điện tử ở Indonesia sau khi Jakarta cấm tích hợp tính năng mua sắm trực tuyến vào nền tảng mạng xã hội. Bytedance đang cân nhắc xây dựng một ứng dụng thương mại điện tử độc lập cho TikTok Shop ở Indonesia, nhưng cũng lo ngại điều này sẽ tạo ra tiền lệ cho các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.

Bytedance, công ty mẹ của TikTok, đang cân nhắc xây dựng ứng dụng thương mại điện tử độc lập cho TikTok Shop ở Indonesia. Tính năng mua sắm qua phát sóng trực tiếp này đã bị gỡ khỏi ứng dụng TikTok (ở Indonesia) sau lệnh cấm giao dịch thương mại điện tử qua các nền tảng truyền thông xã hội. Ảnh: TRT World

TikTok đang huy động các nguồn lực để tìm giải pháp duy trì mảng thương mại điện tử ở Indonesia sau khi gỡ tính năng mua sắm trực tuyến TikTok Shop trên ứng dụng này. TikTok buộc phải làm như vậy vì tháng trước Indonesia ban hành quy định cấm giao dịch mua sắm trên các nền tảng mạng xã hội để bảo đảm sự cạnh tranh công bằng, bảo vệ quyền lợi của các tiểu thương buôn bán tại các cửa hàng trực tiếp cũng như bảo vệ dữ liệu người dùng. Jakarta cũng lo ngại các định giá hàng hóa rẻ trên các nền tảng mạng xã hội đe dọa các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lệnh cấm này được nhiều người xem là nhắm mục tiêu không chính thức vào TikTok, vốn ra mắt TikTok Shop ở Indonesia vào năm 2021. TikTok cảnh báo lệnh cấm sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của 6 triệu người bán hàng và gần 7 triệu người có ảnh hưởng sử dụng TikTok Shop ở Indonesia. Tuy nhiên, công ty cam kết tuân thủ lệnh cấm.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là tuân thủ luật pháp và quy định của địa phương. Do đó, chúng tôi sẽ không còn tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại điện tử trên TikTok Shop ở Indonesia nữa, và sẽ tiếp tục hợp tác với các cơ quan chức năng trên con đường phía trước”, TikTok cho biết sau khi Indonesia ban hành lệnh cấm.

Trước khi lệnh cấm trên được áp dụng, TikTok đặt mục tiêu đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) khoảng 6 tỉ đô la thông qua TikTok Shop ở Indonesia, tăng gấp 3 lần so với năm 2022.

Các phương án đang được TikTok xem xét bao gồm xây dựng một ứng dụng thương mại điện tử độc lập hoặc thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty địa phương. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã triệu tập các nhóm phát triển sản phẩm và công nghệ tại Singapore để thảo luận về các ý tưởng sau khi Jakarta áp đặt lệnh cấm nói trên. Theo ba nguồn thạo tin, một trong các đề xuất đang được thảo luận và xây dựng một nền tảng thương mại trực tuyến tách biệt với ứng dụng video TikTok nhằm đáp ứng yêu cầu của các cơ quan quản lý ở nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Một nguồn tin khác tại TikTok cho biết, mọi sự lựa chọn vẫn đang để ngỏ và công ty vẫn chưa tích cực phát triển một ứng dụng riêng biệt.

Indonesia là thị trường đầu tiên và lớn nhất cho đến nay của TikTok Shop. Thành công ở thị trường Indonesia được xem là hình mẫu để ByteDance mở rộng TikTok Shop ra các thị trường khác, bao gồm cả Anh và Mỹ. Tuy nhiên, thực tế, ByteDance đang gặp khó khăn ở phương Tây khi cố gắng phát triển mô hình mua sắm tương tự, cho phép người tiêu dùng có thể mua sản phẩm trong ứng dụng TikTok thông qua các liên kết trong video hoặc chương trình phát sóng trực tiếp.

Đội ngũ lãnh đạo quản lý cấp cao của TikTok, những người đã dành thời gian ở Jakarta kể từ khi lệnh cấm trên được đưa ra, cũng đã thảo luận với các công ty bán lẻ ở Indonesia để thiết lập mối quan hệ đối tác, bao gồm cả với GoTo, công ty mẹ của Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia. Đây là một lựa chọn khác mà họ tin có thể cho phép TikTok tiếp tục các giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, nỗ lực thiết kế các cuộc gặp gỡ với các bộ trưởng của Indonesia để thảo luận về vấn đề này đã không thành công, một nguồn tin thân cận với TikTok cho biết.

Dù đội ngũ quản lý của TikTok đang chuẩn bị nguồn lực để xây dựng một ứng dụng thương mại điện tử tách biệt, họ vẫn có sự dè dặt nhất định vì lo điều này sẽ đặt ra tiền lệ cho các thị trường khác.

“Chúng tôi lo lắng về hiệu ứng lây lan ở các thị trường Đông Nam Á khác bao gồm Việt Nam và Malaysia. Nếu chúng tôi tách TikTok Shop khỏi ứng dụng TikTok chính ở Indonesia, chúng tôi cũng có thể bị đẩy vào tình thế buộc phải hành động tương tự ở Mỹ. Điều đó sẽ là thảm họa”, một lãnh đạo khu vực của TikTok Shop bày tỏ.

Một nguồn tin khác cho biết, ByteDance vẫn chưa nhận được sự đảm bảo cụ thể từ chính phủ Indonesia rằng một ứng dụng mua sắm mới sẽ được phép hoạt động.

“Họ có thể xây dựng ứng dụng cực kỳ nhanh nếu muốn, nhưng họ cũng không muốn lãng phí thời gian đó nếu chính phủ Indonesia không cấp phép cho ứng dụng đó hoạt động”, nguồn tin nói.

Các nhà phân tích nhận định, kế hoạch về ứng dụng thương mại điện tử độc lập sẽ gây ra một số bất lợi. “Tốt hơn hết TikTok nên từ bỏ thị trường Indonesia. Nếu bạn tạo một ứng dụng riêng biệt, điều này sẽ đặt ra một tiền lệ. Thị trường Mỹ là một cơ hội rất lớn. Nếu TikTok có thể thành công ở Mỹ, tôi không nghĩ họ cần Đông Nam Á”, Venugopal Garre, giám đốc của hãng nghiên cứu Bernstein, nói.

Garre cũng lưu ý thêmm TikTok khó có thể đảm bảo rằng sẽ không sử dụng dữ liệu người dùng cho ứng dụng TikTok Shop. “Nếu TikTok hủy liên kết dữ liệu người dùng, thương mại điện tử dựa trên phát sóng trực tiếp sẽ bị khai tử”, Garre nói.

Lệnh cấm của Indonesia đã thúc đẩy các cuộc thảo luận nội bộ tại TikTok về việc có nên bố trí thêm một lãnh đạo cấp cao phụ trách đơn vị TikTok Shop bên ngoài Trung Quốc hay không. Một số nhà phân tích tin rằng TikTok sẽ ít bất ngờ hơn với sự thay đổi nhanh chóng trong quy định quản lý của Indonesia nếu có những lãnh đạo chuyên trách am hiểu hơn về tình hình pháp lý ở nước này.

Trong một diễn biến khác, hôm 26-10, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, TikTok và YouTube đang xem xét tham gia cùng Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) để xin giấy phép thương mại điện tử ở Indonesia. Trong trong tháng này, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook và Instagram, đã nộp đơn xin một loại giấy phép thương mại điện tử, cho phép quảng cáo hàng hóa trên các nền tảng này ở Indonesia, nhưng không thực hiện giao dịch thương mại điện tử trực tiếp.

Isy Karim, Vụ trưởng Vụ Nội thương thuộc Bộ Thương mại Indonesia, cho biết giấy phép sẽ cho phép các nhà cung cấp quảng cáo hàng hóa và thực hiện khảo sát thị trường nhưng không có giao dịch trong ứng dụng mạng xã hội.

Theo Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới