Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tìm đường vào thị trường khó tính để phát triển lâu dài và bền vững

Lê Hoàng

(KTSG Online) - Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và những bất ổn trên thế giới, trong năm 2021, Phúc Sinh Group vẫn đạt lợi nhuận gấp ba lần so với năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2022 tăng 45% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group Phan Minh Thông chia sẻ về kết quả kinh doanh “ngược dòng” giữa thị trường đầy biến động và hành trình Phúc Sinh trở thành “vua hồ tiêu” và Top 5 xuất khẩu cà phê hiện nay.

KTSG Online: Phúc Sinh có kết quả kinh doanh lợi nhuận ngược chiều với bối cảnh dịch bệnh hoành hành và những bất ổn trên thế giới, theo ông là do đâu?

Ông Phan Minh Thông: Khi Covid-19 tràn tới, khó khăn với hoạt động kinh doanh là rất lớn nhưng nhờ kinh doanh mảng thực phẩm nên chúng tôi có sự may mắn nhất định so với nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác. Dù dịch bệnh làm tắc nghẽn nhu cầu của nhiều ngành hàng nhưng nhu cầu với thực phẩm thì vẫn có.

Cùng với thuận lợi đó, để có thể làm ăn hiệu quả trong giai đoạn khó khăn, chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ cho các kế hoạch phòng ngừa rủi ro và mở rộng mạng lưới khách hàng.

Ngay khi dịch xuất hiện, Phúc Sinh đã có phương án, kịch bản dự phòng. Chúng tôi đã tạo được một "cổng" kết nối với khách hàng rất tốt. Nếu bình thường, có lẽ Phúc Sinh chưa thể tạo được một “cổng” kết nối hàng triệu khách hàng tại KPhucsinh như đã làm trong năm qua nhưng nay chúng tôi đã làm được.

Cùng với đó, việc đa dạng các phân khúc khách hàng cũng mang lại lợi thế cho công ty. Nhờ đó, chúng tôi nhận được đơn hàng từ nhiều nhà mua hàng trên thế giới, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, khi Covid-19 đến, chúng tôi vẫn sản xuất và giữ được nhiều đơn hàng. Thêm một may mắn nữa là trong năm 2021 giá xuất tiêu, cà phê đều tăng hơn 60%, giúp doanh thu tốt hơn.

KTSG Online: Có vụ việc cụ thể nào khiến qua đó Phúc Sinh xây dựng niềm tin nơi đối tác?

Ông Phan Minh Thông: Vào năm ngoái, tôi ký kết hợp đồng cung cấp với một công ty gia vị lớn ở Mỹ nhưng không ngờ giá cước tàu biển tăng nhanh như vũ bão. Khi đó, TPHCM trong giai đoạn giãn cách xã hội suốt 4 tháng, nếu muốn giảm thiệt hại, tôi có thể lấy lý do này để thoái thác nhưng đã không làm vậy mà chấp nhận trả thêm cho hãng tàu hơn 2 triệu đô la Mỹ, chịu lỗ gần 1 triệu đô la để giao hàng đúng hẹn.

Dù mất nhiều tiền nhưng tôi cho rằng, uy tín trong kinh doanh là vô giá, cần phải giữ. Nhờ có được chữ tín mà có những công ty trước đây mua của chúng tôi khoảng 15%, sau khó khăn dịch bệnh lại tăng lên tới 60%. Có những trường hợp, tôi thuyết phục được khách trả tiền trước, thực hiện các giao dịch chỉ qua điện thoại, tất cả đều là nhờ đã tạo được chữ tín với khách hàng.

KTSG Online: Ông đã chia sẻ về câu chuyện tạo chữ tín với khách hàng, vậy trên thực tế, có khi nào khách hàng từng ngần ngại vì sợ rủi ro chưa?

Ông Phan Minh Thông: Tôi nhớ đơn hàng đầu tiên của Phúc Sinh là 75 tấn tiêu với khách hàng ở Mỹ. Trong cuộc trao đổi tại văn phòng chưa tới 20 m2, tôi chia sẻ với đối tác: “Tôi rất muốn kinh doanh nhưng không có đủ tiền. Ngân hàng lại chưa cho tư nhân vay”, không ngờ những lời thật thà của tôi được vị khách đồng cảm: “Nếu anh quyết làm, tôi sẽ ứng vốn”. Sau đó, vị khách này đặt trước toàn bộ tiền hàng, giống như cấp tín dụng để tôi mua hồ tiêu.

Vị khách ấy giờ nghỉ hưu nhưng tôi vẫn còn buôn bán với con cái của người đó. Tại Singapore, Pháp, Đức… Phúc Sinh cũng có những khách hàng nhiều thế hệ như vậy, ở Singapore thì tới đời cháu...  Tất nhiên, chúng tôi cũng đối mặt không ít khó khăn nhưng tôi vẫn xoay xở, kiên trì để doanh nghiệp giữ vững vị thế về xuất nhập khẩu hồ tiêu và lấn sân sang thị trường cà phê, nông sản...

KTSG Online: Khi đã xác định hành trình sản xuất - kinh doanh phải hướng đến bền vững, doanh nghiệp đã phải kiên định và quyết tâm đi con đường này như thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Đó là một chiến lược đầu tư phát triển lâu dài, thật sự tử tế khi khởi sự kinh doanh cùng những nỗ lực không ngừng nghỉ. Ngay khi khởi nghiệp, Phúc Sinh đã định hướng xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu, Mỹ. Đây là các thị trường khó tính, có nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhưng đổi lại lợi nhuận cao hơn, hợp tác lâu dài và cũng ít cạnh tranh.

Tôi tham gia nhiều cuộc triển lãm ở nước ngoài để tiếp xúc và lắng nghe góp ý của khách hàng để kịp thời điều chỉnh sản phẩm, dịch vụ. Nhờ đó, chúng tôi có thêm nhiều sản phẩm mới, đáp ứng các tiêu chuẩn cao của Mỹ, EU…

Với sản phẩm, thông điệp của chúng tôi là an toàn thực phẩm. Với quản trị, chúng tôi không ngừng thay đổi, sáng tạo và dám chấp nhận thử thách để đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng.

Nhờ đó, từ doanh số 60 triệu đồng/năm, đến nay, Phúc Sinh Group đã nằm trong Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Trong mảng xuất khẩu tiêu, doanh nghiệp được đánh giá chiếm 6% thị phần toàn cầu, với 6 nhà máy chế biến sâu với sản lượng tiêu xuất khẩu mỗi năm đạt đến 28.000 tấn, doanh thu hàng trăm triệu đô la Mỹ cùng các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU).

KTSG Online: Gắn bó nhiều năm với ngành công nghiệp sản xuất tiêu, ông đánh giá tiềm năng ra sao từ góc nhìn người trong cuộc?

Ông Phan Minh Thông: Khi tôi mới bước chân vào ngành này cách đây hơn 20 năm mọi thứ còn sơ khai nhưng chỉ qua vài năm, ngành tiêu phát triển mạnh mẽ. Trong khi nhiều nơi vẫn chỉ xuất thô thì Việt Nam đã bước vào công nghiệp chế biến sâu.

Công nghệ chế biến cũng vượt trội hơn. Ví dụ, tiêu sấy lạnh của Việt Nam không ở đâu có. Rồi sốt tiêu, tiêu trắng, đen… nước ta rất đa dạng. Tôi nghĩ đó là nỗ lực chung của cả cộng đồng chế biến, kinh doanh và trồng trọt hạt tiêu. Xét về độ đồng đều, cay nồng, tiêu nước ta thua Indonesia. Nhưng so với họ hay ngay cả Brazil, giá tiêu Việt Nam luôn nhích 400 đô la/tấn.

Trên thế giới, hạt tiêu được gọi là “vua của các loại gia vị”. Tất cả món cơ bản như xúc xích, thịt nguội, mì gói, thịt hộp… đều có tiêu. Đối với ngành công nghiệp chế biến, tiêu có ý nghĩa sống còn đến nỗi đắt cỡ nào người ta cũng phải mua.

Việt Nam hiện đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu hồ tiêu với khoảng 55-65% thị phần và giữ được giá cao. Tôi nghĩ đã đến lúc Việt Nam có thể tự hào là nước quyết định giá hồ tiêu trên thế giới.

KTSG Online: Đặt mục tiêu chinh phục các thị trường khó tính, vậy những bài học Phúc Sinh rút ra từ hành trình này như thế nào?

Ông Phan Minh Thông: Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, chúng tôi chỉ bị trả duy nhất một container xuất sang châu Âu lúc mới khởi nghiệp. Loại tiêu đó chất lượng rất tốt nhưng vì không có nhà máy chế biến nên sang tới nước bạn thì bị mốc. Thiệt hại từ lô hàng khoảng 20.000 đô la Mỹ, vào thời điểm đó đã thúc đẩy tôi quyết tâm xây các nhà máy để hoạt động chế biến đạt tiêu chuẩn, tuân thủ

Từ năm 2010, chúng tôi liên kết chặt chẽ với người nông dân ở các vùng nguyên liệu Lâm Đồng, Đắk Lắk,… thuê chuyên gia hàng đầu hướng dẫn họ phát triển bền vững. Hơn 10.000 hộ nông dân theo mô hình của Phúc Sinh có thu hoạch suốt 10-15 năm mà cây trồng vẫn khỏe. Khi họ làm ra hạt tiêu chất lượng, chúng tôi cam kết thu mua giá cao hơn so với thị trường và không giới hạn số lượng. Chỉ với 2 ha tiêu, nông dân đạt thu nhập hơn 500 triệu/năm.

Phúc Sinh có phòng thí nghiệm nên trước khi xuất hàng đều kiểm nghiệm. Những tiêu chí nào mới, chưa đủ năng lực, chúng tôi gửi sang châu Âu kiểm tra. Nhờ vậy, chúng tôi vượt qua được tình trạng sản phẩm bị trả về.

KTSG Online: Những năm gần đây, sản phẩm của Phúc Sinh xuất hiện nhiều ở thị trường trong nước. Đây có phải là chiến lược quay về thị trường nội địa?

Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới nhưng ở thị trường nội địa người tiêu dùng phải uống nhiều loại cà phê trộn phụ gia như bột bắp, bột đậu nành... không phải cà phê nguyên chất.

Trước thực trạng này, Phúc Sinh cùng thương hiệu K Coffee, hiện đã có mặt tại Mỹ, Nga và Đức, đặt mục tiêu khẳng định chất lượng cà phê 100% nguyên chất tại thị trường trong nước.

Các sản phẩm cà phê K Coffee được Phúc Sinh kiểm soát chặt chẽ từ khâu làm việc với nông trại, lựa chọn nguyên liệu, sản xuất, chế biến, đóng gói và phân phối đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cam kết “3 không”: không màu hóa học, không mùi gây hại, không trộn đậu bắp, đậu nành.

KTSG Online: Doanh nghiệp đã ghi nhận được phản hồi gì từ thị trường trong nước?

Ông Phan Minh Thông: Thị trường nội địa có thể nói là một thử thách đầy cam go. Tôi lấy ví dụ, khi một người sử dụng quen với vị đậu bắp, đậu nành rang cháy rồi thì có khi sẽ cảm thấy vị cà phê nguyên chất không ngon. Có những người uống cà phê rang bơ để át mùi nấm mốc giờ uống cà phê nguyên chất thơm hương vị của cà phê cũng cảm thấy không quen. Có những trường hợp nói rằng họ thích sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng châu Âu, tuy nhiên khi mua hàng họ lại thích vị quen thuộc mà họ cảm thấy ngon.

Quay về thị trường nội địa, mang gói cà phê rang xay đúng tiêu chuẩn đưa đến người tiêu dùng là một thách thức lớn. Nhưng tôi tin mình làm được, và điều này không thể chậm trễ nữa.

KTSG Online: Là một nhà đầu tư vào nông nghiệp, ông có cho rằng số hóa là điều cần thiết đối với doanh nghiệp trong ngành này hay không, bởi có nhiều ý kiến cho rằng chuyển đổi số đòi hỏi nhiều kinh phí, mất nhiều công sức và phải kiên trì trong dài hạn?

Ông Phan Minh Thông: Tôi nghĩ số hóa quan trọng với tất cả các doanh nghiệp và ngành nghề kinh doanh. Dịch Covid-19 xảy ra càng đặt ra yêu cầu cấp thiết buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyển đổi số.

Phúc Sinh bắt đầu số hóa 15 năm trước. Từ đó, chúng tôi liên tục ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, quản trị và coi đây như một yếu tố quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.

Nhận thấy khó khăn lớn nhất của một doanh nghiệp sản xuất là kết nối với các hộ nông dân, các bên trung gian hay truy xuất nguồn gốc, Phúc Sinh đã ứng dụng hệ thống phần mềm để giúp doanh nghiệp có thể tính toán, kiểm tra và thống kê được công việc cụ thể hàng ngày.

Để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chúng tôi phải làm việc với tất cả nông dân trong hệ thống, trang bị điện thoại thông minh và hướng dẫn nông dân nhập dữ liệu. Cụ thể, cứ 5 hộ sản xuất sẽ có 1 tổ trưởng được trả lương chỉ để làm nhiệm vụ kiểm tra việc nhập liệu của các hộ này về quy trình trồng trọt như thời gian tưới, thời gian sản xuất, thu hoạch, tình trạng cây màu, số lượng thu hoạch… Những dữ liệu này sẽ được gửi về bộ phận văn phòng để tổng hợp và có hệ thống công nghệ xử lý, phân tích dữ liệu, đảm bảo làm sao đủ nguồn hàng cho sản xuất.

Đối với hệ thống văn phòng, nhờ áp dụng phần mềm hiện đại, nhân sự giảm đáng kể nhưng vẫn đảm bảo công việc.

Cuối 2020, Phúc Sinh cho ra mắt ứng dụng mua sắm và trang thương mại điện tử phục vụ cho việc bán các sản phẩm nông sản, thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19. Trên kênh này, chúng tôi kết nối với các nhà cung cấp khác để đa dạng hóa danh mục sản phẩm. Khi khách hàng mua hạt tiêu, cà phê thì cũng có thể mua thêm các sản phẩm khác như thịt bò, thịt heo, bánh mứt… và ngược lại. Nhờ vậy, tỷ lệ khách hàng tiếp cận đến sản phẩm tiêu, cà phê của Phúc Sinh tăng nhanh chóng.

Dù đầu tư chuyển đổi số khá tốn kém, mất nhiều công sức, nhưng đổi lại, các giải pháp công nghệ giúp Phúc Sinh tăng trưởng ổn định, vượt qua nhiều thách thức.

KTSG Online: Góc nhìn của ông về bền vững trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nông sản sẽ được cụ thể hóa ra sao?

Ông Phan Minh Thông: Chúng tôi muốn xây dựng là công ty phát triển bền vững thân thiện môi trường với cả người tiêu dùng và nông nghiệp địa phương. Phúc Sinh cũng muốn trở thành công ty hiện đại và mang các sản phẩm tuyệt vời Việt Nam ra thế giới. Chúng ta muốn công bằng kinh doanh với thế giới chứ không chỉ “xếp chiếu dưới”. Cái này khó và phải nỗ lực bằng năng lực thực tế của mình. Chúng tôi cũng muốn là nhà bán lẻ và rang xay cà phê hàng đầu Việt Nam và phát triển bền vững.

KTSG Online: Xin cảm ơn ông!

Tin mới