(KTSG Online) - Các nhà thầu các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đề xuất cho phép nâng công suất, tăng dây chuyền, tăng ca khai thác các mỏ đá hiện có. Cùng với đó cho khai thác trở lại các mỏ đất, đá đang tạm dừng, đình chỉ. Mục đích là có đủ nguồn cung cho các dự án trong thời gian tới.
- Gỡ vướng vật liệu xây dựng cho dự án giao thông trọng điểm tại Đồng Nai
- Nhiều dự án giao thông còn chậm tiến độ do thiếu nguồn vật liệu xây dựng
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh nhiều dự án trọng điểm của tỉnh đang triển khai, đòi hỏi khối lượng lớn vật liệu xây dựng. Việc tăng cường khai thác các mỏ đá, đất sẽ giúp đảm bảo nguồn cung vật liệu, đáp ứng tiến độ thi công của các dự án.
Đây là thông tin đáng chú ý từ buổi làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã kiểm tra đột xuất tại nút giao cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu với đường dẫn vào sân bay Long Thành và buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, chủ đầu tư, nhà thầu, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan… về tình hình cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ dự án, công trình giao thông trọng điểm tại tỉnh Đồng Nai trong ngày 13-2, theo Chinhphu.vn.
Do hiện nay toàn bộ các dự án trọng điểm trong khu vực cũng như tại tỉnh Đồng Nai đang trong giai đoạn cao điểm về tiến độ nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025, nên nhu cầu về đá xây dựng tăng đột biến, ảnh hưởng lớn tới tổng thể kế hoạch tổ chức sản xuất của các mỏ vì phải cung cấp đồng thời cho nhiều dự án. Đặc biệt Dự án sân bay Long Thành có nhu cầu đá năm 2025 khoảng 4,9 triệu m3, Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu khoảng 1,2 triệu m3, Dự án Vành đai 3 TPHCM khoảng 2,3 triệu m3, trong khi năng lực cung cấp hiện tại của các mỏ không đáp ứng yêu cầu.
Ngoài ra, khả năng cung cấp còn gặp nhiều hạn chế do phụ thuộc vào thời gian chờ vận chuyển, nâng công suất, công suất khai thác thực tế của hệ thống máy móc, thiết bị của từng mỏ trong khu vực...
Đối với nhu cầu đất đắp nền đường, dự án thành phần 1 và 2 của Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu còn thiếu khoảng 4 triệu m3 đất đắp. Các vị trí đã được địa phương chấp thuận chủ trương đến nay đang chờ hoàn thiện hồ sơ cấp phép khai thác.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, khối lượng vận chuyển vật liệu theo nhu cầu tại tỉnh Đồng Nai để cung cấp cho các dự án khoảng 21 triệu m3 đất, đá các loại (tương đương gần 5.000 lượt xe/ngày đêm), gây áp lực rất lớn lên hệ thống giao thông khu vực. Các tuyến đường vận chuyển chủ yếu sử dụng đường chuyên dùng (có quy mô nhỏ), Quốc lộ 51 (có lưu lượng xe rất lớn, thường xuyên ùn tắc, đặc biệt là tại các khung giờ cao điểm), các đường địa phương hạn chế về tải trọng nên vướng mắc này cũng là một trong các nguyên nhân hạn chế khả năng cung cấp cho các dự án.
Vì thế, các nhà thầu kiến nghị tỉnh Đồng Nai cho phép nâng công suất, tăng dây chuyền, tăng ca khai thác các mỏ đá; cho khai thác trở lại những mỏ đất, đá đang tạm dừng, đình chỉ; rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản hoặc gia hạn giấy phép; hỗ trợ tối đa các thủ tục khác có liên quan, như đất đai, đầu tư, quy hoạch…; xác định khung giờ ưu tiên cho hoạt động vận chuyển vật liệu điều tiết, đảm bảo giao thông hợp lý.
Về phía mình, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục làm việc với các chủ đầu tư, nhà thầu để xác định chính xác nhu cầu vật liệu xây dựng cụ thể của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án thành phần 1 và 2 của cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, từ đó có phương án giao chi tiêu khai thác, cung ứng vật liệu cho từng mỏ đất, đá, cũng như tiến hành phân luồng, điều tiết giao thông phục vụ hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng.
Chia sẻ khó khăn về vật liệu xây dựng khi đẩy nhanh tiến độ dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu phải xác định chính xác nhu cầu vật liệu xây dựng theo tiến độ từng tháng, từng quý, chứ không phải theo trữ lượng của các mỏ. Đây là những số liệu có tính pháp lệnh, gắn với trách nhiệm của từng chủ đầu tư, nhà thầu và cả Bộ Giao thông Vận tải.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai khẩn trương thành lập tổ công tác liên ngành, có sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, liên quan để rút ngắn tối đa thủ tục nâng công suất, gia hạn các mỏ đất, đá; phối hợp với chủ đầu tư, nhà thầu thống nhất phương án khai thác, vận chuyển vật liệu xây dựng đến chân công trình. Còn các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động làm việc với các doanh nghiệp khai thác mỏ, vận tải để bảo đảm năng lực cung ứng vật liệu xây dựng theo kịp tiến độ dự án.