Chủ Nhật, 1/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tìm lời giải tổng hợp cho vấn nạn kẹt xe ở TPHCM

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tìm lời giải tổng hợp cho vấn nạn kẹt xe ở TPHCM

Nhóm PV

(KTSG Online) - Vì sao tình hình ùn tắc giao thông, đầu tư hạ tầng tại TPHCM vẫn chậm được giải quyết? Đây là câu hỏi được đặt ra hàng chục năm qua song đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Theo các chuyên gia, để giải bài toàn kẹt xe ở TPHCM không chỉ là xây dựng cầu đường và hạn chế phương tiện cá nhân mà cần một lời giải tổng hợp.

Tìm lời giải tổng hợp cho vấn nạn kẹt xe ở TPHCM

Buổi tọa đàm có sự tham dự của ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học Trường Đại học Khoa học Xã hội và nhân văn TPHCM; TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM. Buổi tọa đàm tập trung bàn về những vấn đề cần tháo gỡ để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng nhằm giải quyết vấn nạn kẹt xe hiện nay ở đầu tàu kinh tế của cả nước.

Tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông trong những năm qua đã gây ra những thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội của TPHCM, kèm theo đó là những hệ lụy của tai nạn giao thông cùng những thiệt hại vô hình về sức khoẻ và tâm lý của người dân. Ông Phạm Chánh Trực, nguyên Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đặt câu hỏi tại sao vấn nạn này đã tồn tại hàng chục năm ở TPHCM song đến nay lại chưa giải quyết được và lý giải một trong những nguyên nhân là do TPHCM thiếu hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn, đồng thời tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng không theo kịp tốc độ và mức tăng trưởng dân số, lượng xe cá nhân.

Để giải quyết triệt để vấn nạn ùn tắc giao thông của TPHCM, ông Trực đề xuất cần các giải pháp toàn diện mang tính chất giải quyết cho cả vùng chứ không phải là các giải pháp tạm thời, mang tính tình thế.

Theo ông Trực đầu tiên là phải bố trí lại lực lượng sản xuất cho toàn vùng phía Nam để giảm bớt lượng người lao động đổ về TPHCM. Một trong những đề xuất ông nêu ra là xây dựng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ kết nối trung tâm kinh tế của cả nước với ĐBSCL, các nhà ga dọc tuyến đường sắt này được kết nối đến các  khu công nghiệp, khi đó sẽ giúp giảm thiểu tình trạng người lao động tại ĐBSCL đến ở trọ tại TPHCM và Bình Dương để làm việc mà họ vẫn ở tại địa phương và đi làm việc bằng phương tiện vận tải sức chở lớn là đường sắt. Chưa kể, tuyến đường sắt còn giúp giải quyết bài toán vận chuyển hàng hóa giữa vùng ĐBSCL và TPHCM cùng các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Tiếp đó, TPHCM phải tổ chức lại không gian đô thị. “Trước đây, TPHCM đã có quy hoạch nhưng đã phá vỡ quy hoạch khi cho xây quá nhiều cao ốc ở khu trung tâm nên lượng người và xe đã đổ về trung tâm quá đông. Chủ trương trước đây là TPHCM có đa trung tâm nhưng giờ chỉ có một trung tâm nên luôn xảy ra kẹt xe” ông Trực phân tích.

Tình trạng kẹt xe và ùn tắc giao thông trong nhiều năm qua đã gây ra những thiệt hại lớn cho kinh tế - xã hội của TPHCM.

Ở góc nhìn của một nhà làm quy hoạch, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, chỉ ra rằng hàng chục năm qua, thành phố đầu tư cho giao thông chỉ là các dự án quy mô nhỏ, mang tính giải quyết tạm thời. Còn đầu tư cho các dự án trục đường chính thì chưa làm được nhiều.

Để có vốn triển khai nhanh các dự án hạ tầng, mới đây chính quyền TPHCM đã phê duyệt đề án quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả, trong đó đáng chú ý có giải pháp thu hồi đất 2 bên đường, sau khi tái định cư cho người dân sẽ bán đấu giá để lấy tiền làm chính con đường đó. Về tính khả thi của đề án này các chuyên gia cảnh báo cần nghiên cứu kỹ nếu không sẽ thất bại.

PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa, nguyên Trưởng Khoa Đô thị học - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho rằng, giải pháp nói trên rất khó thành công ở các tuyến đường đông dân cư  mà có thể chỉ thành công ở những nơi thưa dân khi tuyến đường chưa được xây dựng. Vị chuyên gia này đề xuất, có thể cho người dân đưa phần đất bị thu hồi vào thành cổ đông góp vốn để cùng khai thác 20-30 năm, phương án này đã được nhiều nước áp dụng rất thành công. “Khi thu hồi đất hai bên đường để bán đấu giá TPHCM cần nghiên cứu kỹ nếu không sẽ thất bại”, ông cảnh báo.

Một đề xuất mà cho ông Hòa cho rằng mang tính khả thi cao là việc Nhà nước có thể phát hành trái phiếu công trình để huy động vốn trong dân thay vì vay vốn ODA để làm hạ tầng. Ông cho rằng phương án huy động vốn trong dân sẽ bền vững hơn và không phụ thuộc vào nước ngoài như vay vốn ODA.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới