Chủ Nhật, 25/08/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Tìm ngưỡng chịu thuế phù hợp cho hộ kinh doanh cá thể

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các chuyên gia cho rằng việc nâng doanh thu chịu thuế với hộ/cá nhân kinh doanh lên khoảng 250-300 triệu đồng/năm sẽ phù hợp với sự thay đổi của đời sống xã hội những năm qua, đồng thời khuyến khích các chủ thể này phát triển thời gian tới.

Lo chính sách chưa áp dụng đã lạc hậu

Tại phiên họp chuyên đề pháp luật mới đây về việc chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã đề nghị nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng với cá nhân, hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng hiện nay lên 200-300 triệu đồng/năm. Điều đó có nghĩa rằng những hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm đang được đề xuất sẽ không phải đóng thuế Giá trị gia tăng (GTGT).

Người dân và tiểu thương chợ cổ Cần Thơ thực hiện giao dịch. Ảnh: N.H

Bà Doãn Thị Thanh Hương, hộ kinh doanh tạp hoá tại quận Ba Đình (Hà Nội) hiện đóng 370.000 đồng thuế GTGT mỗi tháng cho mức doanh thu hơn 100 triệu đồng/năm. Nếu đề xuất không đánh thuế GTGT với hộ kinh doanh có doanh thu dưới 200 triệu đồng/năm được thông qua, bà sẽ bớt được một khoản chi phí trong bối cảnh hoạt động kinh doanh không còn được thuận lợi như trước.

“Nếu nâng ngưỡng chịu thuế lên 200 triệu đồng thì những hộ kinh doanh nhỏ lẻ như tôi có thể được miễn thuế”, bà Hương nói.

Khác với bà Hương, bà Nguyễn Thị Luyến, hộ kinh doanh ăn uống tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đánh giá, ngưỡng 200 triệu đồng/năm là không đủ. Theo bà Luyến, một tô phở/bún có giá bán khoảng 25.000-30.000 đồng tại thời điểm cách đây 10 năm, nhưng nay giá bán tối thiểu khoảng 35.000-50.000 đồng.

Với giá bán và ngưỡng doanh thu tính thuế GTGT hiện tại, mỗi ngày bán khoảng 7-8 tô phở/bún – tương ứng mức doanh thu bình quân khoảng 280.000 đồng/ngày, bà Luyến đã thuộc diện phải nộp thuế. Nếu nâng ngưỡng doanh thu tính thuế lên 200 triệu đồng, con số này tương ứng với 15-16 tô.

Theo bà Luyến, ngưỡng doanh thu chịu thuế khoảng 200 triệu đồng/năm là không đáng kể vì nếu chỉ bán được 30 tô/ngày, cá nhân kinh doanh không đủ doanh thu để bù đắp khoản đầu tư ban đầu, nhất là khi các chi phí, gồm: điện, nước, nguyên liệu đầu vào, vận chuyển, thuê mặt bằng… gia tăng đều đặn sau mỗi năm. Ngoài ra, bản thân mỗi cá nhân kinh doanh vẫn phải chi tiêu cho việc học hành của con cái và sinh hoạt trong gia đình, tương tự người làm công ăn lương.

Từ góc nhìn nhà tư vấn thuế, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH kế Toán và tư vấn thuế Trọng Tín cho rằng, nâng ngưỡng chịu thuế là tín hiệu đáng mừng với hộ, cá nhân kinh doanh, nhưng cần quy định phù hợp với Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và mức chuẩn nghèo.

Cụ thể, mức chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 là 1,5 triệu đồng/người/tháng với khu vực nông thôn – tương ứng 18 triệu đồng/người/năm, và 2.000.000 đồng/người/tháng với khu vực đô thị – tương ứng 24 triệu đồng/người/năm, theo quy định tại Nghị định 07/2021.

Còn theo quy định tại Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh, thì tỷ lệ tính thuế  GTGT thấp nhất là hoạt động thương mại với tỷ lệ thuế GTGT là 1%, TNCN là 0.5%.

Như vậy, nếu lấy doanh thu theo ngưỡng 200 triệu đồng như dự thảo, thì tỷ lệ giá trị gia tăng của doanh thu không chịu thuế là 20 triệu đồng. Đây vẫn là mức thấp hơn mức chuẩn nghèo tại khu vực thành phố.

“Nếu cơ quan soạn thảo xây dựng ngưỡng chịu thuế mức 240 triệu đồng để đảm bảo người nghèo ở thành phố không phải nộp thuế sẽ nhận được sự đồng thuận cao hơn”, ông Được nói.

Bổ sung, PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa thuế và hải quan (Học viện Tài chính) cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam là hơn 2.000 đô la Mỹ vào năm 2014 và hơn 4.000 đô la vào năm 2023. Sau khoảng 10 năm đã tăng hơn hai lần rồi, năm 2024 sẽ tăng nữa. Nếu lấy quy chuẩn như vậy thì mức thu nhập nâng lên rồi thì mức thu nhập thấp nó cũng phải nâng theo, như vậy thì cần cân nhắc tăng thêm.

Nâng ngưỡng chịu thuế để hộ kinh doanh “nhanh lớn”

Để Luật Thuế GTGT không bị lỗi thời ngay khi vừa áp dụng, ông Nguyễn Văn Được cho rằng Bộ Tài chính cần tính toán lại ngưỡng chịu thuế phù hợp hơn. Căn cứ để xây dựng ngưỡng này, ngoài các chỉ tiêu kinh tế – xã hội, thì có thể dựa vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hoặc mức lương tối thiểu để phù hợp.

Ngoài ra, việc xây dựng chính sách cũng cần dựa theo chỉ tiêu mở, bởi sau 5-10 năm thì điều kiện kinh tế – xã hội sẽ có nhiều thay đổi. “Giống như Luật Thuế TNCN có quy định thay đổi khi CPI tăng 20% thì có thể quy định giao cho Chính phủ điều chỉnh tỷ lệ này sẽ nhanh hơn và thuận tiện hơn”, ông Được nói.

Một phiên livestream bán hàng của tiểu thương chợ Bến Thành. Ảnh: Hoàng Triều

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang cho biết, mức giảm trừ gia cảnh với người làm công ăn lương hiện là 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc. Với cơ sở trên, ông tính toán nếu tính hộ kinh doanh có 2 người, gồm 1 người nộp thuế và 1 người phụ thuộc, thì doanh thu từ 184,8 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế. Còn hộ kinh doanh có 2 người nộp thuế, thì doanh thu phải 264 triệu đồng/năm mới phải nộp thuế.

Trong bối cảnh Thủ tướng đã yêu cầu nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế, ông Xoa cho rằng mức doanh thu tính thuế với hộ kinh doanh cần được tăng lên khoảng 250-300 triệu đồng/năm, tránh trường hợp khi luật có hiệu lực thì quy định này lại lỗi thời.

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho rằng, ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT trong khoảng 250-300 triệu đồng là phù hợp, khuyến khích nhóm này ‘lớn lên’.

“Nâng mức doanh thu chịu thuế sẽ khuyến khích người tham gia thành lập doanh nghiệp, công ty nhiều hơn. Khi thành lập công ty, doanh nghiệp thì mô hình chịu thuế và mô hình kinh doanh sẽ được nâng tầm”, ông Thân cho biết.

Trước đó, cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, với mức tăng trưởng kinh tế hiện nay, mức thu bình quân của các hộ kinh doanh đã tăng lên 285 triệu đồng một năm. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách đề xuất phương án cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu hằng năm dưới 200 hoặc 300 triệu đồn không phải chịu thuế GTGT.

Ông Mạnh cũng lưu ý, nếu áp dụng ngưỡng 300 triệu đồng sẽ mang lại ba lợi ích. Thứ nhất, khoan được sức dân trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Thứ hai, có chính sách tương đối ổn định trong khoảng thời gian nhất định. Thứ ba, 97% doanh nghiệp DNNVV trong nền kinh tế sẽ là nhóm được hưởng lợi từ chính sách này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới