(KTSG) - Xuất siêu nông - lâm - thủy sản chiếm tới hơn 75% tổng giá trị xuất siêu toàn nền kinh tế năm 2022. Nội lực của nền kinh tế Việt Nam có thể dựa vào khai thác tối đa nhóm ngành nông nghiệp.
- Vốn mạo hiểm cho công nghệ nông nghiệp và thực phẩm sụt giảm mạnh
- Số hóa nông nghiệp ở Việt Nam đang tới đâu?
Thành tích thật
Trong hai năm 2021-2022, bên cạnh điểm sáng xuất khẩu mà phần đa số đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khu vực nông - lâm - thủy sản đã chứng tỏ rất tốt vai trò bệ đỡ cho nền kinh tế, đồng thời cho cả sự ổn định của xã hội. Chúng ta đã không phải đối diện với cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao, điều đã giúp các nhà quản lý thuận lợi hơn trong áp dụng các biện pháp điều hành kinh tế, đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 3,15% trong năm 2022.
Đặc biệt, khi thế giới bất ổn, chuỗi cung ứng đứt gãy do chính sách zero Covid của Trung Quốc và cuộc xung đột xảy ra tại Ukraine, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã tận dụng được lợi thế để đáp ứng các nhu cầu của thị trường thế giới.
Bảng vàng thành tích kinh tế Việt Nam 2022 chắc chắn phải ghi danh khu vực nông - lâm - thủy sản. Dù trong mức tăng trưởng GDP ước tính 8,02% của toàn nền kinh tế, khu vực nông - lâm - thủy sản chỉ tăng 3,36%, chỉ đóng góp 5,11% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm, thấp hơn rất nhiều so với mức đóng góp của khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực dịch vụ, nhưng lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành này của Việt Nam đạt mức trên 53 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu với 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la. Quan trọng hơn, thặng dư thương mại của khu vực kinh tế này ước đạt 8,5 tỉ đô la, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Lần đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành nông - lâm - thủy sản của Việt Nam đạt mức trên 53 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 14,2% tổng kim ngạch xuất khẩu với 11 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỉ đô la. Quan trọng hơn, thặng dư thương mại của khu vực kinh tế này ước đạt 8,5 tỉ đô la, chiếm hơn 75% tổng giá trị xuất siêu của toàn nền kinh tế.
Đây là một kết quả rất đáng được ghi nhận nếu so sánh với mức đầu tư, số lượng doanh nghiệp và khả năng thu hút vốn FDI của khu vực kinh tế nông - lâm - thủy sản. Cụ thể, trong giai đoạn tái cơ cấu nông nghiệp 2013-2017, số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, vốn rót vào khu vực nông - lâm - thủy sản rất khiêm tốn, chiếm 5,69% tổng vốn đầu tư xã hội. Xu hướng giảm buộc phải ghi nhận bởi tỷ lệ này vào thời điểm năm 2005 đã là 8%.
Về số doanh nghiệp, cho tới hết năm 2021, cả nước có trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp, cộng với 19.100 hợp tác xã thì vẫn rất nhỏ so với tổng số 684.300 doanh nghiệp đang hoạt động.
Số dự án FDI đăng ký mới trong ngành nông nghiệp giai đoạn 2009-2021 là 1.984, chỉ chiếm 5,7% tổng số dự án đầu tư vào Việt Nam; với tổng số vốn đăng ký là 17,64 tỉ đô la, chiếm 4,3% tổng số vốn đăng ký.
Vậy nhưng, đối với những người quan tâm, những thực tế kể trên không gây nhiều bất ngờ. Tính toán trong nhiều năm của TS. Bùi Trinh đều cho thấy, khu vực nông - lâm - thủy sản có hệ số lan tỏa cao đến giá trị tăng thêm và lan tỏa thấp đến nhập khẩu. Chẳng hạn, trong 27 tiểu ngành thuộc khu vực này trong bảng cân đối liên ngành của Việt Nam, có đến 22 ngành đạt được các tiêu chí nói trên.
So sánh với ngành công nghiệp, trong các năm 2012, 2016, 2019, mức độ lan tỏa tới giá trị tăng thêm của ngành nông - lâm - thủy sản luôn ở mức trên 0,61 lần, cao hơn tương đối so với ngành công nghiệp chưa bao giờ vượt quá ngưỡng 0,533 lần.
Tuy nhiên, cũng trong những năm này, lan tỏa đến nhập khẩu của ngành công nghiệp thấp nhất là 0,467 lần nhưng chỉ số này đối với khu vực nông - lâm - thủy sản không cao hơn 0,39 lần. Như vậy, có rất nhiều cơ sở để tin rằng, người Việt hoàn toàn có thể làm giàu nhờ nông nghiệp.
Đi đường chính và tìm đường ngách
Khó khăn trong năm 2023 đã được lường trước. Lạm phát cao ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, nền kinh tế thế giới có nguy cơ bước vào suy thoái sẽ tác động rất lớn tới sức tiêu thụ hàng hóa nói chung và hàng hóa nông - lâm - thủy sản nói riêng.
Trong bối cảnh như vậy, ngành nông nghiệp chỉ đặt ra mục tiêu tăng trưởng 3%, kim ngạch xuất khẩu 54 tỉ đô la, xấp xỉ thành tích đạt được trong năm nay, hẳn là cùng với tâm niệm, hoàn thành được mong muốn này cũng không hề đơn giản.
Dù vậy, năm 2022 đã mở ra một cánh cửa sáng cho xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, thị trường tỉ dân dự kiến sẽ hồi phục sau khi nước này từng bước gỡ bỏ chính sách zero Covid. Từ lô sầu riêng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vào tháng 9-2022, theo nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc hai tháng trước đó, đến tháng 10-2022, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của nước ta sang Trung Quốc đạt gần 50 triệu đô la, tăng 4.120% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với ưu điểm về khoảng cách địa lý và đặc điểm khí hậu có thể phát triển nhiều vùng trồng sầu riêng thu hoạch quanh năm, thuận lợi hơn so với Thái Lan, dự đoán sầu riêng lọt tốp trái cây có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỉ đô la vào năm 2023 nhiều khả năng sẽ thành hiện thực.
Đây là một con đường đúng đắn, không chỉ cho sầu riêng mà cho tất cả các loại trái cây muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu chính ngạch là cách thức duy nhất để tránh được cảnh các xe chở nông sản ùn ứ chờ thông quan ở biên giới, không ít trong số đó phải quay đầu bán tại thị trường nội địa bằng chiến lược “chờ giải cứu”.
Về lâu dài, số lượng hàng hóa nông sản của Việt Nam được phép đi chính ngạch sang Trung Quốc không nên dừng lại ở con số 13 như hiện nay và điều này phụ thuộc hoàn toàn vào tài đàm phán của các nhà quản lý.
Tư duy chuyên nghiệp trong ứng xử với một trong những thị trường đáng thèm muốn nhất thế giới phải được hình thành, từ số lượng và tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm soát chất lượng, các quy chuẩn kỹ thuật liên quan tới phân bón, thuốc trừ sâu, các chứng chỉ sản xuất hữu cơ, sản xuất xanh với một số nhóm khách hàng trung lưu, cao cấp tới việc thành lập những tổ chức xúc tiến thương mại chuyên biệt cho thị trường này.
Cũng nên coi đây là cơ sở để nông - lâm - thủy sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các thị trường truyền thống khác cho dù trong năm 2023, vẫn rất nên coi Trung Quốc là thị trường mục tiêu.
Thành công của hạt điều Việt Nam trong việc tìm ra thị trường ngách được một vị lãnh đạo Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chia sẻ trong một cuộc hội thảo tổ chức vào những ngày cuối cùng của năm 2022.
Qua phân tích thị trường thông qua việc tổ chức các cuộc hội thảo tìm kiếm thị trường mới, các chuyên gia phát hiện có những thị trường ngách xuất khẩu hạt điều rất tốt như Ai Cập, Hồng Kông (Trung Quốc), Israel... với mức giá khoảng 8.000 đô la/tấn, cao gấp đôi các nước nhập khẩu chính như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu.
Tất nhiên, để doanh nghiệp biết và tìm cách tiếp cận các thị trường dạng này, nói như vị chuyên gia, các cơ quan chức năng ngoài công bố các số liệu chung về xuất, nhập khẩu thì cần có những phân tích, định hướng thị trường, phân tích về đối thủ cạnh tranh, mức độ tăng, giảm nhu cầu của các thị trường dựa trên sản lượng toàn thế giới, thay đổi trong chính sách của các nước xuất khẩu, các yếu tố khách quan tác động tới nhu cầu xuất, nhập khẩu...
Chính những yếu tố này sẽ giúp các nhà hoạch định sản xuất xác định được quy mô vùng nguyên liệu trong ngắn hạn và dài hạn và đầu tư vào công nghệ chế biến sau quy hoạch và các công nghệ khác đáp ứng yêu cầu của các thị trường được nhắm tới.
Sức mạnh tự thân
Bài viết này xin phép không đề cập tới vấn đề các sản phẩm nông - lâm - thủy sản Việt Nam cần khai thác tốt hơn thị trường nội địa, vốn chịu áp lực ít hơn từ những xung đột, bất ổn kinh tế toàn cầu, dù rằng, theo chia sẻ của giám đốc một doanh nghiệp nông nghiệp lớn tại cuộc hội thảo đề cập phía trên, một trong những động lực khiến ông quan tâm hơn tới người tiêu dùng trong nước chính là nghịch lý Việt Nam xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng đa phần người Việt lại chưa được uống cà phê ngon.
Ở đây câu chuyện xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ còn mang tính đại diện. Trong năm 2022, nhóm ngành này đạt kim ngạch trên 3 tỉ đô la, thế nhưng, một số sản phẩm thuộc nhóm ngành này như gỗ dán cứng, tủ gỗ, bàn trang điểm... vướng nghi vấn lẩn tránh xuất xứ. Nếu đã xác định mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thì đồng thời, phải có quy hoạch vùng nguyên liệu hay ít nhất phải hướng dẫn doanh nghiệp về các thị trường nhập khẩu phù hợp với yêu cầu của các thỏa thuận thương mại tự do (FTA)...
Đối với ngành gỗ, đến hai phần ba doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình không thể có tiềm lực và khả năng thực hiện những nghiên cứu như vậy. Còn nếu chọn cách dễ nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc, thì một doanh nghiệp dính chàm sẽ ảnh hưởng và gây khó khăn cho toàn ngành.
Chủ động trong cung ứng các loại vật tư cho nông nghiệp như thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu... là yêu cầu cấp thiết trước khi nhắm tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới năm 2050.
Tham vọng lớn cần sự đầu tư lớn, và trong trường hợp này, đầu tư công không nên tập trung hoàn toàn vào việc xây dựng các cơ sở hạ tầng như kênh mương, đê điều... cho nông nghiệp. Đương nhiên, tấm gương xấu như dự án Đạm Ninh Bình không được lặp lại.