(KTSG Online) – Thanh khoản trên thị trường ngân hàng vẫn dồi dào trong tháng 9 vừa qua vì nhu cầu tín dụng giảm do tác động tiêu cực của Covid-19, nhưng sẽ sớm chịu áp lực vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ.
Theo báo cáo về thị trường tiền tệ của SSI trong tháng 9, thanh khoản trên thị trường ngân hàng vẫn dồi dào. Cụ thể, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hầu như đi ngang, kết thúc tuần ở mức 0,71% (chỉ tăng nhẹ 1 điểm cơ bản) ở kỳ hạn qua đêm và 0,84% (tăng 4 điểm cơ bản) ở kỳ hạn 1 tuần.
Trên thị trường mở (OMO) cũng không có hoạt động nào được thực hiện. Lượng OMO và tín phiếu đang lưu hành ở thời điểm hiện tại tiếp tục duy trì ở mức 0.
Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, với các giao dịch bằng tiền đồng, lãi suất bình quân một số kỳ hạn chủ chốt như qua đêm và 1 tuần giữ nguyên tại mức 0,67%/năm và 0,81%/năm, trong khi đó lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng giảm xuống mức 0,88%/năm. Các giao dịch chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (82% tổng doanh số giao dịch) và kỳ hạn 1 tuần (9% tổng doanh số giao dịch).
Một yếu tố quan trọng khiến thanh khoản ngân hàng trong nhiều tháng qua vẫn dồi dào là nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm. Nếu xét theo tháng, tín dụng đã chậm lại trong tháng 9 với mức giảm 0,23% so với tháng 8, tương đương khoảng 30.000 tỉ đồng trong bối cảnh dịch bệnh có diễn biến phức tạp, theo Công ty chứng khoán SSI.
Theo NHNN, đến tính đến 20-9, tín dụng toàn nền kinh tế và huy động vốn lần lượt tăng 7,17% và 4,28% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ là 4,99% và 7,35% năm 2020). "Diễn biến này cũng cho thấy thanh khoản thị trường vẫn đang ở trạng thái dồi dào, đặc biệt là khi lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục duy trì ở mức dưới 1%, đối với các kỳ hạn dưới 1 tháng", báo cáo của Công ty chứng khoán BVSC nhận định.
Còn theo đánh giá của Công ty chứng khoán VCBS, thanh khoản vẫn sẽ dồi dào trong thời gian còn lại của năm 2021. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức hiện tại và chỉ chịu áp lực tăng ngắn hạn vào cuối năm vì lý do mùa vụ, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong cuối năm, đặc biệt là khi giải ngân vốn đầu tư công sẽ tạo ra kỳ vọng lượng tiền gửi của Kho bạc nhà nước vào hệ thống ngân hàng không còn dồi dào.
Không chỉ có tăng trưởng tín dụng chậm lại mà thống kê cho thấy ngay trong tháng 9, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của các ngân hàng tiếp tục giảm 10-30 điểm cơ bản.
Cụ thể, theo báo cáo của Công ty chứng khoán Bảo Việt, tính tới cuối tháng 9, lãi suất huy động tiếp tục duy trì đà giảm từ các tháng trước đó. Cụ thể, lãi suất huy động bình quân tiếp tục giảm nhẹ ở cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng, lần lượt về mức 4,71% và 5,56%. Trong đó, nhóm Ngân hàng TMCP quy mô vốn trên 5.000 tỉ đồng) điều chỉnh giảm lần lượt giảm 0,02 và 0,05 điểm phần trăm, xuống còn 4,45% và 5,39%/năm, mức thấp nhất kể từ năm 2017 tới nay.