Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tín dụng xanh – yếu tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững

Doãn Thụy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việc Việt Nam tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) với cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ về tư duy, nhân lực, vật lực. Trong đó, tín dụng ngân hàng chính là mắt xích quan trọng tạo nên sự “thành – bại” quá trình chuyển đổi “Nông nghiệp xanh”.

Xu hướng chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp

Năm 2022, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt 3,36%, cao nhất trong 4 năm gần đây. Nông nghiệp được xem là “xương sống”, cũng là thế mạnh của kinh tế Việt Nam. Trong những năm qua, ngành này vẫn được xem là trụ đỡ kiến tạo không gian thị trường cho nền kinh tế quốc gia, trở thành đối tác xuất khẩu nông nghiệp tin cậy cho nhiều quốc gia. Tư duy nông nghiệp thay đổi, người dân sẵn sàng tham gia vào quá trình “tri thức hóa người làm nông nghiệp”, chuyển đổi ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Những mô hình nông nghiệp mới, cùng các sản phẩm OCOP xuất hiện ngày càng nhiều.

Bên cạnh những tín hiệu đáng mừng, chúng ta đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức từ việc cạn kiệt tài nguyên, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và thay đổi xu thế tiêu dùng. Người tiêu dùng, thị trường ngày càng yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, độ an toàn cũng như giảm thiểu các tác động của quá trình sản xuất sản phẩm lên môi trường và biến đổi khí hậu. Đây cũng chính là đòi hỏi để nền nông nghiệp bền vững trở thành xu hướng tất yếu.

 

Để thực hiện phát triển bền vững, chuyển đổi bảo toàn tài nguyên, giảm phát thải carbon, trong năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng dự thảo “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”. Quá trình đòi hỏi cân đối nhiều mục tiêu, để vừa đảm bảo giữ gìn môi trường, vừa cung cấp thực phẩm tốt cho đại đa số người dân.

Ngân hàng là mắt xích quan trọng của nông nghiệp xanh

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang triển khai nhiều hành động hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng xanh như: phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; xây dựng chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; xây dựng thông tư về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, tăng dần tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh…

Không đứng ngoài câu chuyện xanh hóa nguồn vốn, các ngân hàng TMCP cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động triển khai tín dụng xanh trên toàn hệ thống nhằm đảm bảo hiệu quả giải ngân cũng như góp phần vào đảm bảo mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 của Quốc gia.

Theo số liệu của NHNN, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71 nghìn tỉ đồng (cuối năm 2015), lên gần 500 nghìn tỉ đồng (cuối năm 2022). Trong 7 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh đạt trên 700%, trung bình mỗi năm tăng gấp đôi, và gấp 5 lần mức tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn hiện nay. Đáng chú ý, trong tổng quy mô tín dụng xanh thì có tới gần 50% nguồn vốn tín dụng đang tập trung cho các dự án nông nghiệp xanh.

Là ngân hàng tham gia và tài trợ các dự án xanh từ rất sớm, SHB hiện giữ vị trí top đầu trong số các ngân hàng TMCP tư nhân về tín dụng xanh. Tiền thân là Ngân hàng Nông thôn Nhơn Ái, được thành lập tại Cần Thơ cách đây 30 năm, các khách hàng của SHB trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lớn. Tích cực và dành nguồn lực hỗ trợ phát triển các dự án nông nghiệp nông thôn cũng là một trong những định hướng của SHB trong thời gian tới. Ngân hàng này cho biết đang triển khai rất nhiều giải pháp, công cụ tài chính xanh, đặc biệt ưu tiên các dự án xanh trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.

 

“SHB mong muốn có thể hỗ trợ cho người nông dân và doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm sạch phục vụ đời sống của người dân Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm Việt phát triển, mở rộng sang thị trường quốc tế”, đại diện Ngân hàng SHB chia sẻ.

Tỷ trọng tài trợ trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn của SHB chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng dư nợ. Các khách hàng của SHB trải dài các miền đất nước, đặc biệt là khu vực vựa lúa của Việt Nam ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó rất nhiều khách có kế hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch đạt các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như VietGap, Global Gap, các chứng nhận về an toàn chất lượng, ứng dụng công nghệ cao…

Trong các dự án nông nghiệp, Nhà máy Gạo Hạnh Phúc được đánh giá là một trong những dự án có quy mô diện tích lớn nhất châu Á, công suất lên tới 1.000 tấn/ngày, vận hành 100% giải pháp công nghệ và trang thiết bị hiện đại, đáp ứng chuẩn mực các yêu cầu khắt khe nhất thế giới về an toàn thực phẩm, an toàn vận hành và thân thiện với môi trường được xem là thành công bước đầu trong hoạt động cấp vốn của SHB. Dự án góp phần vào hình thành và nâng cao hiệu quả của chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho nông dân…

Trong thời gian qua, SHB đặc biệt ưu tiên cho các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, các dự án xanh… với các gói giải pháp đặc thù, ưu đãi lãi suất, miễn/giảm phí trả nợ trước hạn, ưu đãi các phí dịch vụ, linh hoạt về thủ tục, hồ sơ vay vốn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nhằm tạo thuận lợi, giúp khách hàng tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn vay ưu đãi, kịp thời. Các chính sách ưu đãi cho khách hàng “xanh” của ngân hàng này đã và đang góp phần thúc đẩy khách hàng vay vốn chuyển đổi dự án và mục đích sử dụng vốn vay sang các dự án thân thiện với môi trường.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới