Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tình bạn vĩ đại và vĩnh cửu

Trần Thanh Bình

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Ngày đầu năm Quý Mão, sau khi đi thăm thú một vòng quanh thành phố, tôi trở về nhà. Bật ti vi thấy kênh FPT đang phát sóng bộ phim tài liệu của đài MBC nói về hạt gạo. Phim có tên Mễ lộ Đông phương.

Tôi say mê dõi theo những thước phim quay ở các quốc gia châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia, Việt Nam, với hình ảnh những bát cơm trắng và nhiều món ăn được chế biến từ gạo, qua hành trình và sự thuyết minh của nhà nghiên cứu ẩm thực Hàn Quốc Baek Jong Won. Hình ảnh từng cánh đồng, từng động tác xay giã, giần sàng và nấu nướng biết bao món ăn từ hạt gạo khiến cảm xúc về hạt gạo bỗng dâng trào trong tôi.

Nồi bánh tét gắn liền với những ngày Tết. Ảnh: Văn Thanh

Mễ lộ Đông phương với những khuôn hình ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) của Việt Nam cùng những ruộng lúa của các quốc gia châu Á và các món ăn đặc trưng của mỗi nơi đã chạm đến một cõi thiêng liêng hàng ngàn năm với từng giai đoạn lịch sử – văn hóa, sản xuất – chế biến lúa gạo để sinh tồn. Lúa gạo, từ thuở sơ khai đến việc hình thành nền văn minh lúa nước của nhân loại đóng một dấu ấn vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Baek Jong Mon và ê kíp làm phim đã hướng đến mục tiêu nhấn mạnh sự tồn tại của hơn 4,5 tỉ dân châu Á bằng câu kết: “Lúa gạo và con người từ xưa đến nay đã có một tình bạn vĩ đại”!

Xem và miên man hồi tưởng, trong tôi có một mối dây đồng cảm với tác giả kịch bản phim. Hình ảnh người nông dân cấy trồng, chăm bón và gặt hái mùa vàng ở nhiều nơi trên thế giới cũng chẳng khác là bao với đời sống hiện hữu của người dân quê nước mình. Hay khi xem những đoạn phim quay không khí buổi sớm với tiếng rao bán món hủ tiếu trên sông ở chợ nổi Cái Răng của miền Tây Nam bộ Việt Nam, cảm giác cũng không khác là mấy với xem món Nom Bang Chok tại một góc quán nào đó ở Pnompenh của Campuchia vào một buổi chiều. Chúng cũng đều được làm từ hạt gạo gặt về sau mấy tháng lam lũ nắng mưa ngoài ruộng của người nông dân, rồi cũng được xay giã, chế biến mà ra.

Chợt nhớ một đoạn trong chương Vật sản chí (thuộc quyển 5) sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có ghi lại khá nhiều chi tiết về sản xuất lúa nước ở miền Nam đầu thế kỷ 19. Ở trang 513 (sách do Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng, xuất bản năm 2019), Trịnh Hoài Đức đã viết: “Gia Định đất tốt lại rộng, thổ sản có lúa gạo, cá muối, cây gỗ, chim muông. Ngũ cốc hợp thổ nghi là lúa đạo. Lúa đạo có rất nhiều loại, đại khái có hai loại, lúa canh (lúa gạo) và lúa thuật (lúa nếp) phân biệt ở chỗ dính hay không dính. Lúa gạo không dính, hạt gạo nhỏ mà mềm, mùi rất thơm, hạt lúa có râu. Lúa nếp là thứ có nhựa dính, hạt tròn mà lớn. Có các loại: lúa tàu, lúa sá, móng tay, móng chim, mo cải, cà dông, cà nhe, sẻ nhất, chàng cô… Tên tuy khác nhau, có thứ sớm thứ muộn, thứ dẻo thứ khô khác nhau, nhưng thứ thơm ngon nhất là lúa tàu, nhì là lúa cà nhe…”.

Hôm mùng 3 Tết vừa rồi, tôi ngồi cùng những người hàng xóm tụ hội từ ba miền Bắc, Trung, Nam về cùng sống trong con hẻm nhỏ ngót nghét đã hơn 20 năm nay, vừa thưởng thức đòn bánh tét nhà tôi gói nấu hôm 29 tháng Chạp, vừa râm ran chuyện nếp cái hoa vàng miền Bắc, nếp mỡ miền Trung hay nếp sáp miền Nam, đoán định độ dẻo thơm, rằng loại nào hợp với gói bánh chưng hay bánh tét… Nhưng tựu trung, ai nấy vẫn ghi dấu một niềm trân quý với thứ hạt tròn đều gặt hái từ mưa nắng đất trời, nuôi ta lớn lên từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nhìn ra vạt nắng xuân Sài Gòn, tôi lại nhớ về những tháng ngày đồng ruộng nắng hạn đất nẻ chân chim hay mưa trắng trời ở miền Trung – nơi bước chân tôi đã đi, đã lội qua suốt bao mùa từ lúc cấy mạ xuống đồng cho đến gặt về phơi phóng trước sân nhà. Tôi nghĩ đến cảnh “chân lấm tay bùn” của bao người nông dân trồng lúa ở khắp nơi trong những thước phim đã xem, được biết thêm về những cay đắng ngọt bùi mà họ đã trải qua. Và dù ở quốc gia nào thì họ cũng đều vun đắp, chăm chút cho tình bạn ấy, một tình bạn vĩ đại giữa lúa gạo và con người, trường tồn mãi mãi…

1 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đi khảo sát miền Tây từ lúc trẻ, giờ nhìn hạt gạo thấy buồn, ta mất giống gần hết, lai tạp … Còn gạo vào bao siêu thị thì pha trộn. Dẫn chứng gạo lúa sen nổi tiếng Long An giờ ăn cũng chả khác mấy giống gạo Thailand, Đài Loan….

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới