Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tinh giản như thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tinh giản như thế nào?

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) - Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo nghị định về chính sách tinh giản biên chế của Chính phủ, qua đó sẽ có năm trường hợp rơi vào diện xét tinh giản biên chế với số lượng lên chừng 100.000 người trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Đây cũng là một phương pháp giúp làm gọn nhẹ bộ máy hành chính, từ đó thúc đẩy quá trình cải cách tiền lương, nâng cao hiệu suất làm việc của cán bộ công chức nhà nước. Nghị định cũng như những thông tư hướng dẫn sau đó trong tương lai sẽ giúp biết được người nào thuộc diện sẽ được cho về hưu sớm, ai sẽ phải thôi việc...

Trước đây cũng từng có những đợt tinh giản biên chế nhà nước với các phương pháp khác như khoán việc để bộ máy bên dưới tự sắp xếp với nhau trên đầu việc hiện có cũng như quỹ lương từ ngân sách để tự bố trí công việc. Cách làm nào cũng có những ưu điểm, những trở ngại bởi công tác liên quan đến việc làm, đến nhân sự thường không dễ dàng. Chi phí cho những đợt tinh giản biên chế như vậy cũng không phải nhỏ; đợt này ước tính tốn của ngân sách chừng 8.000 tỉ đồng.

Tuy nhiên, thiết nghĩ có một cách làm khác, căn cơ hơn, liên quan đến bộ máy nhà nước. Đó là triệt để áp dụng nguyên tắc mà người đứng đầu Chính phủ từng nêu ra: “Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội” (trích từ thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng).

Làm được việc chuyển đổi Nhà nước từ “điều hành kinh tế” sang “kiến tạo phát triển” thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy nhiều bộ phận hóa ra dư thừa, nhiều ban ngành không còn cần thiết, nhiều phần việc có thể chuyển cho xã hội lo. Từ đó việc tinh giản biên chế sẽ rất rõ ràng, đồng thời công ăn việc làm cho những người được tinh giản cũng không mất đi mà chỉ chuyển từ khu vực nhà nước sang khu vực tập thể hay tư nhân.

Ví dụ, bên cạnh gần 35.000 cơ quan hành chính, có đến gần 70.000 đơn vị sự nghiệp, trong đó đa phần có thể chuyển đổi mô hình hoạt động để giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Đó là những đơn vị như nhà hát cải lương, trung tâm ca nhạc nhẹ, đoàn nghệ thuật múa rối, đoàn xiếc, trung tâm thông tin triển lãm, các viện bảo tàng, thư viện... Trong sự nghiệp kinh tế, đó có thể là chi cục thú y, chi cục bảo vệ thực vật, trung tâm khuyến nông, trung tâm công nghệ thông tin, cảng vụ hàng hải, ban quản lý cảng, ban quản lý bến xe...

Cũng đã đến lúc nên để cho các hiệp hội ra khỏi sự bảo bọc của Nhà nước, trả chúng về cho xã hội để chúng làm đúng chức năng của mình. Đã đến lúc phải cân nhắc xem ngân sách nhà nước có cần phải cáng đáng các tổ chức như Hội Nhà văn, Hội Nhà báo, Hội Nhạc sĩ, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Luật gia, Hội Làm vườn...

Và cuối cùng, phải mạnh dạn đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước nhằm giúp tinh giản bộ máy bởi, theo Bộ Nội vụ, các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước hay tổ chức chính trị, xã hội làm chủ sở hữu cũng là đối tượng thuộc chính sách tinh giản biên chế.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới