(KTSG) - Tại nhiều địa phương, người nông dân vẫn trong tình trạng làm nhiều nghề, thay đổi công việc trong một thời gian ngắn, di chuyển nhiều nơi làm việc, rồi sau đó trở lại với nông nghiệp. Điều này có nghĩa quá trình rút bớt lao động nông nghiệp ở Việt Nam để chuyển sang phi nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
- Vì sao nông dân vẫn chưa mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp?
- Nông dân có nên háo hức với bán tín chỉ carbon?
Khảo sát xã hội học của chúng tôi(1) cho thấy rất nhiều khó khăn và rào cản đối với người nông dân trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, cũng như thay đổi vị thế xã hội của họ. Đầu tiên, nhiều nông dân hiện nay không xem làm nông nghiệp là nghề chính tạo thu nhập nuôi sống gia đình nên họ rời bỏ làng xã để tìm kiếm cơ hội cải thiện thu nhập cho bản thân và gia đình. Trong thời gian ly hương để mưu sinh, người nông dân dường như chưa thay đổi nghề nghiệp bền vững.
Một vòng luẩn quẩn bao quanh lấy người nông dân di cư, họ rời quê ra đi rồi lại trở về, trở về quê hương không có việc làm, họ tiếp tục hành trình di cư. Trong hành trình ấy, những thửa ruộng được các hộ gia đình giữ lại, chung tay cùng canh tác lúc họ quay trở về. Quãng đường sống của họ có sự dịch chuyển công việc và vị trí địa lý, song chưa giúp họ thay đổi vị trí xã hội.
Người nông dân lựa chọn di cư để có cơ hội cải thiện thu nhập. Nhưng thực tế cho thấy, họ có tay nghề thấp, chưa sẵn sàng học nghề nhằm tham gia vào lực lượng lao động tay nghề cao hơn. Để nhanh chóng có nguồn thu nhập, họ lựa chọn các công việc lao động chân tay, cần sức lao động, tích lũy thu nhập rồi trở về với gia đình. Tình trạng ly nông của họ chưa bền vững, chuyển dịch lao động nghề nghiệp cấp độ lao động giản đơn với chất lượng nguồn nhân lực thấp. Họ dịch chuyển giữa đô thị với nông thôn, quá trình dịch chuyển ấy diễn ra giữa khu vực kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp. Việc thay đổi công việc và phạm vi địa lý tương đối dễ dàng, công việc họ làm không đòi hỏi kỹ năng phức tạp, họ sử dụng sức lao động là hoàn thành được yêu cầu. Công việc không cố định còn là lựa chọn của người nông thôn di cư, họ tham gia vào các công việc không bị ràng buộc thời gian, có thể tự do đi về bất cứ lúc nào trong năm.
Trong thời gian ly hương để mưu sinh, người nông dân dường như chưa thay đổi nghề nghiệp bền vững. Một vòng luẩn quẩn bao quanh lấy người nông dân di cư, họ rời quê ra đi rồi lại trở về, trở về quê hương không có việc làm, họ tiếp tục hành trình di cư.
Việc chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một chủ trương, song quá trình chuyển đổi chậm chạp gây nên nhiều khó khăn cho người nông dân. Rất nhiều nông dân di cư một thời gian đã trở về quê hương nhưng lại thiếu việc làm. Một số người hết tuổi “hữu dụng” đối với các doanh nghiệp cần lao động hữu dụng hơn; những biến cố nơi đô thị khiến người di cư buộc phải trở về… Sự vận động chậm chạp trong chuyển dịch kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng như cá nhân thụ động chuyển dịch nghề nghiệp gây nên những khó khăn dễ nhận thấy.
Để vượt qua khó khăn này, họ chọn di cư một thời gian, đó dường như là một cánh cửa an toàn để có thu nhập, đảm bảo đời sống cũng như chờ đợi sự hồi phục trong canh tác nông nghiệp. Mặc dù biết rằng, cuộc sống không ổn định, thu nhập bấp bênh, về già không có hưu trí, lớn tuổi sức lao động đi xuống làm giảm khả năng lao động dẫn đến không có thu nhập, nhưng họ không thể tính toán đường dài nào khác ngoài tiết kiệm tiền từ thu nhập. Khi khảo sát, người nghiên cứu có hỏi “Trước đây anh/chị có dự định học một nghề để có công việc cố định không?” thì phần nhiều trong các khách thể im lặng và không trả lời, có trường hợp thì phản hồi “học ra có biết xin được việc không, tốn thời gian rồi cũng đi làm thuê!”. Những người nông dân tay nghề thấp, thường thiếu những kỹ năng và trình độ làm việc trong khu vực chính thức. Họ thường bị đẩy ra làm các công việc ở khu vực kinh tế phi chính thức dẫn tới sự bấp bênh.
Những di dân tự do này thiếu cơ chế bảo vệ, thiếu chính sách an sinh, khả năng tiếp cận phúc lợi xã hội thấp. Vì thế mà họ tích góp tiền để xây nhà cho mình, tranh thủ khi còn trẻ sử dụng sức lao động để tạo ra thu nhập cao. Di cư chỉ được xem là chiến lược sống tạm thời của họ, mục tiêu di cư là vì kinh tế chứ không phải tìm vùng đất mới để sống và làm việc. Họ sử dụng nguồn thu nhập để chăm sóc và đầu tư cho con cái, tiết kiệm tiền và xây nhà khang trang cho gia đình. Tại sao họ lại chọn chiến lược sống đó?
Nghị định 64/1998/NĐ-CP ngày 27-9-1993 về việc giao đất cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp đã tạo ra tâm lý tốt cho người nông dân an tâm canh tác trên diện tích đất thuộc về hộ gia đình. Tuy nhiên, quỹ đất có hạn và việc giao khoán đất cho các hộ gia đình tùy thuộc vào độ tuổi và nhân khẩu trong hộ gia đình. Vì vậy, nhiều người sinh sau năm 1993 và gia đình đông nhân khẩu dường như không có đất hoặc ít đất để canh tác. Các thành viên trẻ ít có xu hướng tiếp tục làm ruộng. Thay vì học nghề và chuyển đổi theo cơ cấu nghề nghiệp, những người có trình độ học vấn thấp, những nông dân trẻ có sức lao động lựa chọn ra đi.
Lựa chọn di cư là một trong những phương án nhận được sự đồng thuận của chính quyền và gia đình. Những di dân rời khỏi nông thôn tìm kiếm thu nhập, nâng cao đời sống đồng thời có thể tích lũy vốn để đầu tư cho tương lai. Ngoài di cư đến các đô thị và các địa phương khác có nhu cầu việc làm, nhiều người trẻ ngày nay đã chọn đi ra nước ngoài để có thể tìm kiếm thu nhập cao hơn và nhanh hơn. Mặt tích cực của di cư đến đô thị và di cư ra nước ngoài đã mang lại lợi ích kinh tế cho bản thân người nông dân và gia đình cũng như cộng đồng. Song hạn chế của di cư cũng bộc lộ nhiều mặt, nhất là khía cạnh xã hội, trong đó sự chuyển dịch nghề nghiệp.
Tuy nhiên, kết quả từ khảo sát nhận thấy rằng, nhiều người dân đã nỗ lực để chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, ví dụ từ đánh bắt hải sản họ chuyển sang sản xuất chế biến như một cách thức nâng cao giá trị sản phẩm. Từ cây lúa giá trị thấp, người nông dân vay vốn đầu tư chuyển sang trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, kết quả không hoàn toàn như mong đợi, ví dụ như đầu tư chuyển đổi cây trồng cần nhiều vốn, vốn vay ngân hàng hạn chế cũng như thời gian vay ngắn làm cho người nông dân cảm thấy rủi ro cao khi đầu tư.
Trong quá trình phát triển, chính sách thúc đẩy việc làm để tạo ra thu nhập mới là yêu cầu cần, nhưng cần lưu tâm người có nguồn gốc xuất thân khác nhau và làm việc trong khu vực nghề nghiệp bấp bênh, lệ thuộc đòi hỏi một cách tiếp cận có tính bền vững hơn, trong đó nông nghiệp là một ví dụ cần thiết nhằm đặt lại vấn đề phát triển bền vững. Cần xem xét lại các ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn hiện nay phát triển như thế nào để thúc đẩy sự di động nghề nghiệp lên nấc thang cao hơn. Chính quyền các cấp cần có những quyết sách quyết liệt để nhanh chóng, kịp thời chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Còn đối với người nông dân, hiện trạng này đòi hỏi cấp thiết họ “tự” chuyển đổi, tuy nhiên sự chuyển dịch đó chưa hoàn toàn ổn định và đó là nguyên nhân cho quyết định di cư của người nông dân.
Theo khuyến cáo của Ngân hàng Thế giới, quốc gia tạo ra nhiều công việc có thu nhập bằng lương thì sự phát triển sẽ bền vững(2). Khi lương trở thành nguồn sinh kế chính của các hộ gia đình, thì sự thịnh vượng bền vững của quốc gia phụ thuộc vào gia tăng thu nhập từ lương cho lao động và tạo ra công việc tốt hơn. Tuy nhiên, “Thông cáo báo chí về kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022” của Tổng cục Thống kê công bố ngày 28-4-2023 cho thấy cơ cấu thu nhập từ tiền lương, tiền công chưa tăng trưởng so với năm 2020, 2021. Mặc dù nguồn thu nhập từ nông, lâm, thủy sản tiếp tục giảm và nguồn thu từ các ngành nghề phi nông, lâm, thủy sản tăng phù hợp xu hướng thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phi nông nghiệp nhưng rất hạn chế, do đó, dịch chuyển lao động xuất thân từ nông thôn còn nhiều điều bất định.
(1) Nguyễn Đức Chiện, Nguyễn Minh Thanh. (2024). Di động nghề nghiệp của nhóm nông dân di cư tuổi trung niên hiện nay. Tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, số 3 (34), 3-18.
(2) Ngân hàng Thế giới. (2018). Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam.