Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tình trạng ‘đói vốn’ khoét sâu tổn thương của startup Ấn Độ

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Tình trạng “khô hạn” nguồn vốn đối với các công ty khởi nghiệp (startup) ở Ấn Độ đã dẫn đến các quyết định sa thải nhân viên hàng loạt và trì hoãn niêm yết cổ phiếu trong thời gian gần đây. Tổn thương này sẽ trở nên tồi tệ hơn khi giới đầu tư tỉnh ngộ trước các mức định giá quá cao và triển vọng tăng trưởng tiêu dùng nội địa chững lại.

Các startup của Ấn Độ chỉ huy động được 2 tỉ đô la Mỹ trong quí đầu tiên năm 2023, thấp hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình trạng “đói vốn” này có thể buộc họ sa thải thêm nhân viên và giảm mức định giá trong thời gian tới. Ảnh: Money Control

Các startup của Ấn Độ chỉ huy động được 2 tỉ đô la Mỹ trong quí đầu tiên năm 2023, thấp hơn 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là số vốn huy động hàng quí nhỏ nhất trong gần ba năm, theo dữ liệu của CB Insights. Chỉ có 271 startup ở Ấn Độ huy động được vốn trong quí 1 so với 561 startup vào cùng kỳ vào năm ngoái.

Với tốc độ này, các startup của Ấn Độ có thể chỉ huy động chưa đến 10 tỉ đô la năm nay, thấp hơn đáng kể với mức kỷ lục 30 tỉ đô la của năm 2021 và 20 tỉ đô la của năm 2022.

Tình trạng “hạn hán” nguốn vốn này đặt ra thách thức lớn cho các startup cũng như Thủ tướng Narendra Modi, người đã xem cộng đồng khởi nghiệp  là “xương sống kinh tế của một Ấn Độ mới”, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm.

“Tôi không nghĩ rằng các startup của Ấn Độ sẽ chứng kiến ​​một năm huy động vốn kỷ lục khác như năm 2021, ít nhất là trong một thập niên tới”, V.T. Bharadwaj, đồng sáng lập của Công ty đầu tư mạo hiểm A91 Partners, bày tỏ thái độ bi quan.

Trong những năm gần đây, mức định giá của các startup đình đám Ấn Độ được đẩy lên các mức cao chót vót hàng tỉ đô la khi giới đầu tư tràn đầy lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực tiêu dùng ở kênh thương mại điện tử lẫn không gian bán hàng trực tiếp.

Các quỹ đầu tư tên tuổi như Sequoia và Tiger Global đã đặt cược lớn vào những startup ‘đốt” tiền mặt nhanh chóng để thu hút người tiêu dùng ở quốc gia có 1,4 tỉ người.

Tuy nhiên, trong suốt năm qua, các bất ổn vĩ mô toàn cầu như lãi suất và lạm phát cao đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Ấn Độ và những nơi khác.  Vốn đầu tư chảy vào các startup ở Mỹ giảm khoảng 50%, xuống còn 32,5 tỉ đô la trong quí đầu tiên. Trong khi đó, ở Trung Quốc, mức giảm là 60%, xuống còn 5,6 tỉ đô la.

Nhưng tình thế của các startup của Ấn Độ nguy ngập hơn vì họ phụ  thuộc nhiều vào vốn nước ngoài giữa lúc giới đầu tư nhận ra rằng họ đã đánh giá sai triển vọng tăng trưởng tiêu dùng ở Ấn Độ.

Công ty đầu tư mạo hiểm Blume Ventures (Ấn Độ) cho biết sức tiêu dùng bên ngoài 30 triệu hộ gia đình có thu nhập cao của Ấn Độ đã giảm mạnh.

Theo báo cáo của Blume Ventures, dù Ấn Độ có dân số hơn một tỉ người, hãng giao đồ ăn Zomato chỉ có 50 triệu người dùng giao dịch hàng năm. UPI, nền tảng thanh toán được nhà nước hậu thuẫn, chỉ có 260 triệu người dùng.

“Các startup ở Ấn Độ không phục vụ cho một tỉ người tiêu dùng. Tất cả họ đều bán hàng và dịch vụ cho cùng một nhóm 100 triệu người dùng.  Thị trường người dùng của họ dường như đã bị “thổi” lên cao gấp 2-3 lần so với thực tế”, Ankit Nagori, CEO của startup nhà bếp trên nền tảng đám mây Curefoods, nhận định.

Những dấu hiệu bi quan đầu tiên trên thị trường khởi nghiệp Ấn Độ xuất hiện vào năm 2021, thời điểm Công ty thanh số Paytm chứng kiến giá cổ phiếu lao dốc sau khi lên sàn. Điều này khiến giới đầu tư và cơ quan quản lý đặt ra câu hỏi liệu việc định giá ở mức quá cao của các startup có phi thực tế hay không.

Kể từ đó, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Trong cuộc trò chuyện với Reuters, 6 nhà đầu tư và 3 nhà sáng lập startup dự báo môi trường huy động vốn ở Ấn Độ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Họ cho rằng nhiều kỳ lân khởi nghiệp (startup có mức định giá trên 1 tỉ đô la) sẽ phải giảm mức định giá trong vòng 2 năm tới.

Trong những tuần gần đây, BlackRock (Mỹ), công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, giảm một nửa mức định giá của Byju's, startup gia sư trực tuyến lớn nhất Ấn Độ, từ 22 tỉ đô la,  xuống còn 11,15 tỉ đô la. BlackRock đang nắm gần 1% cổ phần ở Byju's.

Trong khi đó, Công ty quản lý đầu tư Invesco giảm 25% mức định giá của Swiggy, startup giao đồ ăn hàng đầu Ấn Độ, xuống còn 8 tỉ đô la.

Sau khi dẫn đầu làn sóng đầu tư vào Ấn Độ trong nhiều năm, Tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã không thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới nào vào nước này trong một năm qua. Các nguồn tin cho biết tập đoàn này đang chờ các mức định giá giảm hơn nữa. SoftBank đã đầu tư 3 tỉ đô la vào các công ty Ấn Độ trong năm 2021 và 500 triệu đô la khác vào năm 2022, tính đến tháng 4 năm đó.

Theo Reuters

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới