Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tổ chức học tập trong doanh nghiệp – nhìn từ các tập đoàn lớn

Lê Hoài Ân(*) - Ngô Hoàng Khánh Duy(**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của người lao động trong doanh nghiệp ngày càng lớn, đặc biệt ở các tập đoàn đã khiến mô hình quản lý đào tạo truyền thống của doanh nghiệp không còn phù hợp. Bộ phận nhân sự không còn đảm trách nổi hoạt động đào tạo như trước nhưng không vì thế mà thoái lui hoàn toàn với việc đào tạo. Bài viết này sẽ đề cập đến cách tổ chức hoạt động đào tạo mà các tập đoàn lớn bây giờ đang thực hiện như một kinh nghiệm mang tính tham khảo cho doanh nghiệp.

Nhân viên ngày nay không chỉ cần được cập nhật kiến thức và kỹ năng, mà còn cần phải phát triển khả năng sáng tạo, tư duy chiến lược và các cách làm khoa học để giải quyết các vấn đề phức tạp trong kinh doanh theo định hướng phát triển chung. Do đó, hoạt động đào tạo phải đảm bảo có thể cung cấp nguồn lao động chất lượng phù hợp với định hướng của doanh nghiệp qua từng giai đoạn.

Với sự thay đổi mạnh mẽ của môi trường kinh doanh, nhiều tập đoàn đã chuyển đào tạo thành hoạt động trọng tâm, thông qua việc xây dựng các trung tâm đào tạo độc lập, phục vụ cho hoạt động phát triển chung của doanh nghiệp và gắn hoạt động đào tạo với nhu cầu thực tế trong kinh doanh và chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

Từ bộ phận nhân sự đến trung tâm đào tạo nội bộ

Hành trình chuyển đổi từ mô hình đào tạo truyền thống dưới sự quản lý của bộ phận nhân sự sang mô hình trung tâm đào tạo nội bộ là một quá trình dài hơi và phức tạp, đòi hỏi việc nhận thức phù hợp về quá trình chuyển đổi. Nó cần một sự thay đổi lại về vai trò của hoạt động đào tạo trong việc nuôi dưỡng năng lực nhân sự của doanh nghiệp, được từng bước thấu hiểu ở các cấp quản lý, từ cấp cao nhất cho đến các quản lý cấp trung, cuối cùng là ở các cấp nhân viên(1). Hoạt động đào tạo không chỉ đơn thuần cung cấp các kiến thức và kỹ năng mà được định hướng tích hợp vào văn hóa của tổ chức (xem các bước thực hiện ở hình 1).

Ví dụ, một tổ chức định hướng chiến lược số hóa làm lợi thế thì các hoạt động đào tạo sẽ giúp người lao động từng bước làm quen với xu hướng số hóa của thời đại, đồng thời, đưa thói quen làm việc mang tính hệ thống và trên nền tảng dữ liệu trở thành một phần trong nét văn hóa của tổ chức trong mọi phương diện hoạt động.

Sự thay đổi luôn đi kèm với khó khăn và thách thức cùng nỗ lực thử nghiệm để lựa chọn một cách làm tối ưu nhất phù hợp với văn hóa của tổ chức. Mỗi cách làm sẽ liên quan đến việc lựa chọn hình thức truyền tải và quản lý kiến thức của tổ chức. Do đó, ban đầu các hoạt động thử nghiệm đào tạo sẽ liên tục được triển khai và nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng của đơn vị cũng như mức độ cam kết hỗ trợ của ban lãnh đạo.

Ngoài ra, việc chọn lựa tài liệu giảng dạy cũng là một phần quan trọng của quá trình này. Tài liệu phải được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu và mục đích cụ thể của tổ chức, đồng thời đảm bảo rằng nó phải hỗ trợ được mục tiêu học tập theo định hướng ban đầu. Đội ngũ giảng viên đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cho nhân viên. Việc tuyển dụng và đào tạo giảng viên có chuyên môn cao và kỹ năng giảng dạy xuất sắc là một bước quan trọng trong quá trình xây dựng trung tâm đào tạo nội bộ.

Các tổ chức phải đầu tư thời gian và nguồn lực vào việc phân tích nhu cầu đào tạo, thiết lập mục tiêu rõ ràng và xây dựng một kế hoạch chi tiết cho việc chuyển đổi. Một trong những lý do quan trọng cho sự thay đổi này là sự tiến bộ và phát triển liên tục. Hoạt động cải tiến đào tạo luôn được đo lường và đánh giá phù hợp về những tác động tạo ra cho người lao động nói riêng và lao động nói chung. Điểm này nhắc nhở chúng ta một lần nữa về tầm quan trọng của việc gắn chặt mục tiêu đào tạo vào mục tiêu kinh doanh của đơn vị.

Công nghệ đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các nền tảng học tập nội bộ. Các tổ chức lớn sử dụng các công cụ và ứng dụng công nghệ để tạo ra môi trường học tập trực tuyến, cung cấp các khóa học và tài liệu dựa trên trang web, và tạo ra các cộng đồng học tập trực tuyến để thúc đẩy sự tương tác và học hỏi giữa các nhân sự. Việc sử dụng công nghệ giúp giảm chi phí đào tạo, cung cấp tính linh hoạt cao cho nhân viên, và tạo điều kiện thuận lợi cho học tập liên tục. Công nghệ cũng cho phép tổ chức theo dõi tiến độ học tập, đánh giá hiệu suất, và cải thiện quá trình đào tạo dựa trên dữ liệu thống kê chi tiết từ quá trình đào tạo và kết quả của sự thay đổi về hiệu suất.

Sự phân nhiệm rõ ràng trong cách thức tổ chức là cần thiết

Phát triển một trung tâm đào tạo nội bộ chuyên biệt là một phần quan trọng của quá trình chuyển đổi đào tạo trong tổ chức lớn. Quá trình này bắt đầu bằng việc phân định rõ ràng về trách nhiệm của trung tâm đào tạo và bộ phận nhân sự để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận cho định hướng chung của doanh nghiệp. Việc tuyển dụng và phát triển nhân sự của doanh nghiệp cũng phụ thuộc hoàn toàn vào định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là cả bộ phận nhân sự và trung tâm đào tạo đều tiếp nhận những thông tin đầu vào giống nhau.

Hai bộ phận này sẽ cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau từ việc xác định rõ ràng các tiêu chuẩn và cách thức để đánh giá hiệu quả đào tạo và cùng phác thảo một bức tranh về lộ trình nghề nghiệp cho từng chức danh và đảm bảo hoạt động đào tạo có thể duy trì sự tác động tích cực ở từng nhóm nhân viên khác nhau. Việc xây dựng đào tạo trong quá trình thực hiện cần đảm bảo sự linh hoạt để có thể thu hút được sự quan tâm của nhân viên, tuy nhiên chính bộ phận nhân sự sẽ đưa ra những đánh giá để đảm bảo các hoạt động luôn được thực hiện trong việc hướng đến việc hình thành và phát triển các giá trị cốt lõi theo văn hóa tổ chức.

Cuối cùng, hai bộ phận trên cũng sẽ phải cùng phối hợp để các hoạt động đào tạo có thể góp phần tác động trực tiếp đến lương thưởng và phúc lợi của người lao động.

Để đảm bảo rằng sự thay đổi trong cách tổ chức xây dựng năng lực thông qua trung tâm đào tạo thực sự hiệu quả, cần phải thực hiện đánh giá chặt chẽ về tác động của nó lên tổng thể của tổ chức. Việc phát triển trong hành trình học tập của nhân viên đòi hỏi việc theo dõi và đánh giá các chỉ số hiệu suất công việc và giá trị người lao động có thể tạo ra cho doanh nghiệp ngày càng tốt hơn như thế nào dựa trên việc áp dụng kiến thức đào tạo vào công việc thực tế. Các hoạt động đo lường giúp người lao động nhận ra được sự thay đổi của cá nhân và tổ chức có thể được hài hòa với nhau như thế nào cả về yếu tố tinh thần và yếu tố giá trị vật chất.

Chiến lược đầu tư cho con người là một chiến lược đúng đắn đối với bất kỳ một ngành nghề nào, đặc biệt là đối với nhóm ngành dịch vụ tài chính, nơi yếu tố chất lượng lao động đóng vai trò tiên quyết cho sự thành công. Vai trò của trung tâm đào tạo độc lập là tạo ra một môi trường học tập hiệu quả để hỗ trợ cho việc thực hiện các định hướng kinh doanh của doanh nghiệp. Sự hỗ trợ tương hỗ từ phía bộ phận nhân sự sẽ giúp hài hòa sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển chung trong năng lực của người lao động.

(*) CFA

(**) HUB

(1) Phát triển tổ chức học tập - chìa khóa để doanh nghiệp duy trì phát triển (thesaigontimes.vn)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới