Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tổ chức lấy ý kiến người dân về Luật Đất đai sửa đổi

Thái Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã xem xét, quyết định việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là dự án luật lớn, nhiều vấn đề phức tạp, Ủy ban thường vụ đề nghị kéo dài thêm thời gian…

Phiên họp thứ 18 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV chiều 13-12. Ảnh: Quochoi.vn

Sau khi nghe Bộ Tài nguyên và Môi trường đọc tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, đảm bảo tính khả thi của luật khi áp dụng.

TTXVN đưa tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tổ chức lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm. Đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp. Đề nghị Chính phủ hoàn thiện các nội dung bổ sung: yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, trung thực, đầy đủ, khách quan, công khai, minh bạch, tránh triển khai một cách hình thức.

Việc tổ chức lấy ý kiến sẽ được thực hiện với các hình thức: Góp ý trực tiếp bằng văn bản; Tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; Thông qua Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các các cơ quan thông tấn báo chí; Điều tra xã hội học… sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tất cả tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự án luật.

Vì vậy, ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý, đây là dự án luật lớn, nhiều vấn đề phức tạp, khi xin ý kiến rộng rãi cần phải tính thêm thời gian vì thời gian lấy ý kiến trùng vào dịp Tết cổ truyền. Vì thế Chính phủ nên lấy ý kiến đến ngày 15-3-2023, thậm chí kéo dài hơn để đủ thời lượng nghiên cứu và thẩm thấu dự án luật sao cho thấu đáo.

1 BÌNH LUẬN

  1. Đối tượng chịu tác động nhiều nhất với Luật đất đai luôn luôn là người dân. Họ không chỉ là người có trách nhiệm tham gia ý kiến mà phải là người có vai trò pháp lý thực sự trong suốt quá trình dự thảo, trình, phê duyệt và triển khai luật. Để hiện thực hóa vai trò này, cần cụ thể hóa trách nhiệm cao nhất của các đại biểu nhân dân, cũng như các cộng đồng dân cư chịu sự chi phối của luật.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới