Tòa nhà hành chính, biểu tượng và khí tươi
Nguyễn Vinh
Tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng được xây dựng với kinh phí trên 2.000 tỉ đồng đang gây sự chú ý của dư luận. Ảnh: Ashui.com |
(TBKTSG Online) - Tại kỳ họp HĐND thành phố Đà Nẵng ngày 11-8 vừa qua, đại biểu Trần Văn Trường chất vấn lãnh đạo UBND thành phố này về vấn đề di dời trung tâm hành chính. Dư luận sau đó xôn xao việc tòa nhà xây hơn 2.000 tỉ đồng, được coi là biểu tượng của Đà Nẵng đứng sừng sững bên bờ sông Hàn đã hai năm, đột ngột có tin nóng, ngột, không đảm bảo sức khỏe của cán bộ làm việc bên trong.
Sức khỏe của những người làm việc trong bộ máy chính quyền đúng là điều rất hệ trọng. Việc UBND thành phố Đà Nẵng tính tới việc di dời chỗ làm việc để có một cơ sở làm việc mới, đảm bảo các yếu tố không gian để công việc phục vụ người dân có hiệu quả, hẳn là lo âu chính đáng.
Nhưng câu hỏi đặt ra, bản thiết kế của tòa nhà hơn 2.000 tỉ đồng, là thuế của dân trước đó có được xem xét kỹ lưỡng đầy đủ các yếu tố tiện ích, công năng, đảm bảo sử dụng phù hợp với điều kiện môi trường, không gian chung? “Sức khỏe” của dân là những người nộp thuế, “sức khỏe” của nền kinh tế trước đó có được đặt lên bàn cân một cách thấu đáo, trở thành mối “lo âu chính đáng” như thế hay không?
Tính nổi trội của công trình “biểu tượng” này có thể cảm nhận rõ trong bối cảnh mặt bằng kiến trúc đô thị Đà Nẵng. Sự đồ sộ của nó, nói như kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất trên tờ Tuổi Trẻ hôm 15-8, đó là, làm cho “người dân thấy mình nhỏ bé”.
Không hài hòa với khung cảnh, điều kiện tự nhiên, để xảy ra tình trạng ngột ngạt, nóng bức là sự thất bại về kiến trúc vật chất, nhưng điều đáng nói hơn, là sự kém hài hòa, thất bại trong thứ “kiến trúc tinh thần” – trách nhiệm với dân.
Đâu chỉ riêng Đà Nẵng. Báo chí thời gian qua đã phản ánh về tình trạng đua nhau xây dựng những tòa nhà hành chính tập trung ngàn tỉ ở nơi này nơi kia.
Câu chuyện Đà Nẵng muốn dời trung tâm hành chính, chắc đến đây sẽ khó thực hiện, bởi vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận. Những phản ứng gay gắt từ dư luận, rất hy vọng sẽ hiệu quả trong việc cản trở một ý định, quan trọng hơn, là dập tắt một thứ tiền lệ có thể nảy sinh: sự phung phí, thiếu tính toán trong việc sử dụng đồng tiền thuế của dân. Bởi vì, nếu Đà Nẵng thay mới trung tâm hành chính thì các tỉnh khác có lẽ cũng sẽ tìm ra cớ để làm theo. Trong bối cảnh kinh tế đất nước hiện nay, dân chịu sao xiết khi chính quyền các địa phương cứ thích xài sang, “chơi biểu tượng” ngàn tỉ theo kiểu phấn đấu ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như thế.
Đà Nẵng vừa cơ bản xóa nghèo vào năm 2015, sớm hai năm so với kế hoạch đề ra. Một báo cáo đem lại niềm vui. Nhưng câu chuyện lèng èng với ý tưởng di dời trung tâm hành chính lại là một cú sốc.
Nghe nói, giải pháp nếu giữ lại tòa nhà trung tâm hành chính hiện tại, thì phải được chỉnh sửa bằng những giải pháp kiến trúc hài hòa, thông minh hơn. Giải pháp “thủ công” nhất là phải bơm khí tươi vào tòa nhà biểu tượng vào những khoảng thời gian thời tiết nóng bức cũng được tính tới. Các phương án “cải thiện” này hẳn được người dân đồng tình hơn, bởi chúng ít tốn kém và bớt lãng phí; dẫu rằng, họ thừa biết, có giải pháp gì đi nữa thì cũng được tính từ tiền thuế mà họ đang gánh gồng.