Thứ năm, 26/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Tôm Việt Nam xuất sang Mỹ có thể bị đặt cọc thuế chống trợ cấp sơ bộ

Nguyên Tân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tôm Việt Nam xuất sang Mỹ sẽ phải đặt cọc thuế chống trợ cấp sơ bộ. Trong đó, mức cọc đối với công ty cổ phần Thuỷ sản Sóc Trăng (Stapimex) là 2,84%, công ty Thông Thuận là 196,41% và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh hoạ: Trung Chánh

TTXVN dẫn thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, vào ngày 26-3 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DoC) đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ với tôm Việt Nam, Ấn Độ và Ecuador.

Tôm nuôi nhập khẩu vào Mỹ từ ba nước này có thể sẽ buộc phải đặt cọc thuế chống trợ cấp (CVD) sơ bộ dao động từ 2%-196% ngay từ cuối tuần này. Riêng Indonesia, nhà cung cấp tôm lớn thứ ba cho Mỹ, được loại khỏi danh sách rà soát lần này.

Trước đó, DoC đã bắt đầu triệu tập danh sách các nhà xuất khẩu và những người đề xuất áp dụng mức thuế mà họ xác định (trong khi chờ điều tra đầy đủ) có khả năng đang cung cấp các chương trình trợ cấp cho phép doanh nghiệp đưa ra mức giá thấp giả tại thị trường Hoa Kỳ, vi phạm các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thuế suất chống trợ cấp sẽ có hiệu lực ngay khi DoC công bố thông tin lên Công báo liên bang (Federal Register), dự kiến sẽ diễn ra trong vài ngày tới.

Khoản thuế này sẽ được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng các nước nhập khẩu không vi phạm cung cấp trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được trợ cấp không gây tổn hại cho ngành tôm Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến mùa Thu hoặc mùa Đông năm 2024, nghĩa là các nhà nhập khẩu có thể sẽ phải đối mặt với mức chi phí đặt cọc thuế cho tôm xuất khẩu trong phần lớn thời gian còn lại của năm 2024.

Ngay sau khi quyết định của DoC được công bố chính thức, các nhà nhập khẩu tôm từ Ấn Độ sẽ phải đặt cọc 4,72% đối với tôm nhập khẩu từ Devi Sea Foods, 3,89% từ Sandhya Aqua Exports và 4,36% từ tất cả các nhà cung cấp Ấn Độ khác.

Các nhà nhập khẩu tôm từ Ecuador sẽ phải đặt cọc 13,41% đối với tôm nhập khẩu từ Industrial Pesquera Santa Priscila, 1,69% từ Sociedad Nacional de Galapagos (SONGA) và 7,55% từ tất cả các nhà cung cấp khác của Ecuador.

Đối với tôm từ Việt Nam, yêu cầu đặt cọc sẽ là 2,84% đối với Stapimex, 196,41% đối với Thông Thuận và 2,84% đối với tất cả các nhà cung cấp Việt Nam khác.

DoC đưa ra quyết định sơ bộ không có trợ cấp đối với các công ty Indonesia, vì vậy tôm Indonesia sẽ không cần đặt cọc.

Bốn nước bị DoC điều tra lần này gồm Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Việt Nam chiếm 90% tổng sản lượng tôm được Mỹ nhập khẩu vào năm 2023 với kim ngạch trị giá 5,6 tỉ đô la.

Tuy nhiên, chỉ có Ecuador có kim ngạch xuất khẩu tôm vào Mỹ tăng 3%, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Ấn Độ giảm 2%, Indonesia giảm 12% và Việt Nam giảm 13% so với năm 2022.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới