(KTSG Online) - Trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam vốn đã bị “thất thế” về khả năng cạnh tranh xuất khẩu trước các đối thủ đến từ Ấn Độ và Ecuador, thì việc bị “rào cản” hạn ngạch xuất khẩu sang thị trường lớn như Hàn Quốc càng tạo bất lợi cho con tôm nước ta.
Số liệu báo cáo của Cục thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, diện tích sản xuất tôm hàng năm của cả nước đạt khoảng 750.000 héc ta, trong đó, diện tích nuôi tôm sú đạt trên dưới 610.000 héc ta, tôm thẻ chân trắng khoảng 120.000 héc ta và còn lại là các loại tôm khác.
Với diện tích sản xuất như nêu trên, hàng năm cung cấp hơn 1 triệu tấn tôm nguyên liệu phục vụ cho doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, tuy nhiên, con tôm Việt Nam có khả năng cạnh tranh kém do giá thành sản xuất cao hơn đối thủ cạnh tranh, nhất là Ấn Độ và Ecuador.
Cạnh tranh kém do giá thành sản xuất cao
Trao đổi với KTSG Online mới đây, ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận, khả năng cạnh tranh của tôm Việt Nam kém hơn so với các đối thủ đến từ Ấn Độ và Ecuador do giá thành sản xuất cao.
Theo ông, vấn đề lớn nhất của ngành tôm Việt Nam nói chung và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, đó là tỷ lệ sản xuất thành công rất thấp, chỉ khoảng 30-40% khiến giá thành sản xuất cao. Trong đó, chất lượng con giống kém và môi trường nuôi bị ô nhiễm được xác định là nguyên nhân trực tiếp làm hiệu quả nuôi không cao.
Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TPHCM, ông Trần Hữu Lộc tại hội nghị ngành tôm diễn ra gần đây ở thành phố Cần Thơ cũng dẫn chứng, giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đối với loại 50 con/kg có giá lên đến 4 đô la Mỹ/kg, trong khi Ấn Độ chỉ khoảng 3 đô la Mỹ/kg và Ecuador là khoảng 2,5 đô la Mỹ/kg.
“Vua tôm” Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú- đơn vị xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới hiện nay- đưa ra con số cho thấy, tôm loại 50-60 con/kg của Việt Nam có giá thành sản xuất lên đến 4,8-5 đô la Mỹ/kg, cao hơn rất nhiều so với 2,3-2,4 đô la Mỹ/kg của Ecuador và 3,4-3,8 đô la Mỹ/kg của Ấn Độ.
Trong bối cảnh sản xuất tôm Việt Nam gặp bất lợi do tỷ lệ sản xuất thành công thấp, thì việc giá thức ăn nuôi tôm liên tục “nhảy múa” thời gian qua cũng là nguyên nhân càng khiến sức cạnh tranh của ngành tôm Việt bị “thất thế” hơn.
Ông Hoàng Thanh Vũ, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta cho biết, để bán được hàng, doanh nghiệp ngành tôm buộc phải đưa ra mức giá xuất khẩu cạnh tranh, nhưng việc này sẽ khiến doanh nghiệp thua lỗ vì giá nguyên liệu trong nước cao. “Còn nếu hạ giá mua nguyên liệu xuống sẽ làm nông dân thua lỗ, không nuôi tôm”, ông nói và cho biết, đây là bài toán khó với ngành tôm Việt Nam.
Theo tìm hiểu của KTSG Online, để giải quyết câu chuyện nêu trên, thời gian qua đã có không ít doanh nghiệp chọn giải pháp nhập khẩu tôm nguyên liệu từ chính các đối thủ cạnh tranh để chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc này có thể “đẩy” doanh nghiệp vào “tình thế” không tận dụng được ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do vì không đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hoá.
Gỡ bỏ "rào cản" hạn ngạch để giảm gánh nặng chi phí
Báo cáo của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 11 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu tôm cả nước đạt 3,1 tỉ đô la Mỹ, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, Hồng Kông- Trung Quốc và Nhật Bản, với kim ngạch đạt 316 triệu đô la Mỹ.
Tuy là thị trường lớn, nhưng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc đang bị áp dụng hạn ngạch (TRQ), khiến khả năng cạnh tranh giảm do phí hạn ngạch gây ra.
VASEP cho biết, tại thị trường Hàn Quốc, chi phí để có hạn ngạch nhập khẩu tôm theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Hàn Quốc (VKFTA) thông qua cơ chế đấu thầu là khoảng 14-16% so với giá trị nhập khẩu. Mức phí này (14-16%) là rất cao, bởi gần bằng mức thuế đối với khối lượng tôm nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 20%
Chính việc phải chịu mức phí 14-20% (đấu thầu hạn ngạch là 14-16% và thuế ngoài hạn ngạch là 20%- PV) khiến giá tôm Việt Nam vào Hàn Quốc tăng cao, khó cạnh tranh, làm các nhà nhập khẩu Hàn Quốc quay sang tìm kiếm các nguồn cung khác có giá cạnh tranh hơn.
Tôm Việt Nam vốn đã có giá thành sản xuất cao, nay lại phải gánh thêm một khoản chi phí đấu thầu hạn ngạch như trường hợp báo vào Hàn Quốc càng khiến khả năng cạnh tranh sụt giảm.
Có một thực tế đang xảy ra được Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ cơ quan hải quan Hàn Quốc cho thấy, 10 tháng đầu năm 2023, quốc gia này đã tăng nhập khẩu tôm từ Ấn Độ lên đến khoảng 41,6% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này, giúp tỷ trọng nhập khẩu tôm của Hàn Quốc từ Ấn Độ tăng từ 2,2% của 10 tháng đầu năm 2022 lên 4% trong 10 tháng đầu năm 2023.
Từ vấn đề nêu trên, VASEP kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét chỉ đạo bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ VKFTA (VKFTA được ký kết vào ngày 5-5-2015 và chính thức có hiệu lực từ ngày 20-12-2015 – PV) tại kỳ rà soát năm nay.
Trong bối cảnh ngành tôm Việt Nam vốn đã có sức cạnh tranh kém về mặt giá thành sản xuất, rõ ràng bên cạnh gia tăng năng lực cho ngành, thì việc tháo gỡ “rào cản” tạo thêm gánh nặng về chi phí là điều cần thiết phải được xem xét thông qua…