(KTSG Online) - Theo Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đến giữa tháng 6-2022 còn hơn 22,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 loại Moderna và Pfizer chưa được sử dụng. Hiện tiến độ tiêm nhắc mũi 3 và 4 bị chậm nên có tình trạng tồn đọng, dẫn tới nguy cơ cao vaccine hết hạn phải hủy bỏ.
- Người dân xếp hàng dài chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 4
- Người bệnh phải chi tiền mua thuốc bảo hiểm y tế
Trước tình hình tiêm vaccine phòng Covid-19 của một số địa phương khu vực phía Nam còn chậm, hôm 24-6, Bộ Y tế đã họp trực tuyến kiểm điểm tiến độ tiêm vaccine với 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận trên 251 triệu liều vaccine Covid-19 các loại khác nhau và đã phân bổ 228,8 triệu liều vaccine. Hiện còn lại hơn 22,2 triệu liều vaccine Moderna và Pfizer chưa sử dụng.
Hiện tiến độ tiêm nhắc mũi 3 và 4 bị chậm nên có tình trạng tồn đọng nhiều vaccine, điều này dẫn tới nguy cơ cao hết hạn phải hủy bỏ nếu không đẩy mạnh tiếp nhận vaccine và triển khai tiêm chủng trong thời gian tới.
Phân tích nguyên nhân tiến độ tiêm mũi 3 và 4 bị chậm, các chuyên gia tiêm chủng cũng như các địa phương đều cho rằng sự chủ quan của người dân trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp, nhiều trường hợp đã nhiễm Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Ngoài ra, thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng phụ trách điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tiếp tục nhấn mạnh địa phương nào không nhận vaccine, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố phải trực tiếp có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi đến Bộ Y tế để Bộ tổng hợp báo cáo Chính phủ và phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch trên địa bàn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam đã kiểm soát được tình hình dịch và chuyển sang bình thường mới. Tuy nhiên, không được chủ quan, lơ là vì dịch vẫn diễn biến khó lường, có nguy cơ quay lại tăng số ca nhiễm. Do đó, cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trong thời gian tới.
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến ngày 11-6-2022, cả nước đã tiêm được hơn 223 triệu liều vaccine Covid-19 với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%. Tỉ lệ tiêm mũi 3 ở người từ 18 tuổi trở lên đạt 63,9% và mũi 4 là 6,1%. Tỉ lệ tiêm mũi 1 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 39,6%, mũi 2 đạt 5,5%.Từ ngày 15-3 đến 10-6-2022, cả nước ghi nhận tổng cộng 4.352.243 ca nhiễm, 1.604 ca tử vong (tỉ lệ tử vong/nhiễm là 0,04% đã giảm mạnh so với hơn ba tháng trước đó với tỉ lệ tử vong/nhiễm là 0,25%). Số ca nhiễm mới mỗi ngày hiện còn dưới 1.000 ca, đây là mức thấp nhất hơn 10 tháng qua.