(KTSG Online) - Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc áp dụng chữ ký số khi chuyển tiền có thể khiến 10 triệu khách hàng tốn kém hơn 8.000 tỉ đồng mỗi năm. Con số khổng lồ đó chính xác đến đâu và tại sao các ngân hàng lại không mặn mà với biện pháp bảo vệ khách hàng này?
- Ngân hàng ‘chạy đua’ theo quy định chuyển tiền ‘xác thực mạnh’
- Chống lừa đảo bằng xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền: Cần nhưng chưa đủ
Tại cuộc họp góp ý dự thảo “Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy” tổ chức cuối tuần qua, đại diện Câu lạc bộ Pháp chế thuộc Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đề nghị không nên áp dụng quy định dùng chữ ký số khi chuyển tiền. Phía VNBA cho rằng, quy định này làm ảnh hưởng đến tốc độ giao dịch và làm phát sinh chi phí hàng ngàn tỉ đồng, không chỉ ảnh hưởng đến ngân hàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến người dân và doanh nghiệp.
Theo VNBA, chi phí dự kiến phát sinh trong trường hợp toàn bộ các giao dịch chuyển tiền ngân hàng của hơn 10 triệu khách hàng phải sử dụng chữ ký số là từ 1.875 tỉ đồng nếu mua chữ ký số theo giao dịch với giá 2.500 đồng/lần ký đến 8.160 tỉ đồng nếu mua chữ ký số theo năm với giá 800.000 đồng/năm(1).
Có hai vấn đề cần làm rõ liên quan đến thông tin được VNBA đưa ra tại cuộc họp nói trên. Đầu tiên là việc dùng chữ ký số khi chuyển tiền có gây tốn kém đến hàng ngàn tỉ đồng hay không. Vấn đề thứ hai là việc áp dụng chữ ký số có giúp bảo vệ khách hàng và có gây ảnh hưởng về kỹ thuật hay không?
Trước tình trạng khách hàng của ngân hàng liên tiếp bị bọn lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản, cuối năm 2023 Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 2345/QĐ-NHΝΝ quy định các biện pháp tăng cường an toàn trong giao dịch trực tuyến, có hiệu lực áp dụng từ ngày 1-7-2024 vừa qua.
Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, giao dịch chuyển tiền được chia ra thành bốn loại A,B,C,D tương ứng với số tiền chuyển dưới 5 triệu, dưới 100 triệu, dưới 1,5 tỉ và trên 1,5 tỉ đồng. Quyết định 2345 quy định rõ chữ ký số chỉ là một trong những biện pháp tùy chọn để xác thực khi chuyển tiền trực tuyến đối với cả bốn loại giao dịch nói trên, hoàn toàn không phải là biện pháp bắt buộc.
Như vậy, không có chuyện toàn bộ 10 triệu khách hàng của ngân hàng phải mua chữ ký số và tốn kém đến hàng ngàn tỉ đồng như cách tính của VNBA. Người dân, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chọn những biện pháp xác thực khác khi chuyển tiền, không bắt buộc phải mua chữ ký số.
Đó là chưa kể hiện nay gần như toàn bộ doanh nghiệp đã có sẵn chữ ký số để giao dịch với cơ quan thuế, sử dụng dịch vụ công nên họ sẽ không phải tốn thêm khoản chi phí mua chữ ký số như VNBA lo ngại.
Đối với người dân, tùy theo nhu cầu cần bảo vệ an toàn khi giao dịch chuyển tiền mà có thể chọn mua chữ ký số hay không, hoàn toàn không có việc họ bắt buộc phải mua chữ ký số mới chuyển tiền được.
Như vậy, nỗi lo ngại của VNBA về việc khách hàng dùng chữ ký số khi chuyển tiền phải gánh chịu tốn kém nhiều ngàn tỉ đồng mỗi năm là chưa đủ cơ sở.
Về mặt kỹ thuật, hiện nay ở Việt Nam có đến hàng chục nhà cung cấp chữ ký số. Thị trường này cạnh tranh về giá rất mạnh, có đơn vị cung cấp với giá 100.000 đồng và không giới hạn số lượng chữ ký số trong một năm. Tốc độ xử lý của một nhà cung cấp đạt mức 3.000 - 5.000 chữ ký số trong một giây, đủ sức đáp ứng giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính(2).
Với các giao dịch số tiền lớn loại C và D, chữ ký số rất cần thiết vì đây là một biện pháp bảo vệ có độ tin cậy cao. Nhóm khách hàng chuyển tiền giá trị lớn này đa số là doanh nghiệp và họ đã có sẵn chữ ký số, vì vậy việc áp dụng chữ ký số khi chuyển tiền mang lại lợi ích và an toàn cho họ, không gây phiền hà hay tốn kém thêm.
Có thể thấy, để triển khai biện pháp bảo vệ khách hàng chuyển tiền trực tuyến với chữ ký số, các ngân hàng phải nâng cấp hệ thống kỹ thuật để đáp ứng các quy chuẩn mới.
Theo quy định trong Quyết định 2345, Nghị định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy và Luật Giao dịch diện tử thì chính các ngân hàng mới là đối tượng bắt buộc phải nâng cấp kỹ thuật để sử dụng chữ ký số trong chuyển tiền.
Việc nâng cấp hệ thống dù có gây tốn kém cho các ngân hàng nhưng sẽ giúp bảo vệ khách hàng tốt hơn. Về cả tình lẫn lý thì đây là việc ngân hàng phải làm để chia sẻ trách nhiệm, không để khách hàng một mình gánh chịu thiệt hại vì bị lừa chiếm mất tiền trong tài khoản như mấy năm qua.
------------------