(KTSG Online) - Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 1 vừa qua ước đạt 573.300 tỉ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,63%. Trong khi đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng nhẹ 0,6%.
- Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% năm 2025
- Chỉ số tiêu dùng của TPHCM tăng 4,29% trong tháng 1-2025
Sáng nay (6-2), Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1-2025.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng qua ước đạt 573.300 tỉ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024 nhờ sự đóng góp tích cực của ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành.
Cụ thể, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 441.400 tỉ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng tăng mạnh gồm nhiên liệu khác (31,1%), đá quý và kim loại quý (15,5%), ô tô (11,6%), vật phẩm văn hóa, giáo dục (8,9%) và lương thực, thực phẩm (7,8%).
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 67.300 tỉ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Đà Nẵng dẫn đầu với mức tăng 17,7%, tiếp theo là Huế (17,6%), Hà Nội (16,8%), TPHCM và Bình Dương (15,6%), Đồng Nai (12,7%) và Cần Thơ (10,7%).
Doanh thu du lịch lữ hành tháng 1-2025 ước đạt 5.100 tỉ đồng, tăng 17,3% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu du lịch tăng cao dịp lễ, Tết. Một số địa phương có mức tăng mạnh như Khánh Hòa, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ và Hà Nội.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng vừa qua cũng tăng 0,98% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2024, chỉ số này đã tăng 3,63% với lạm phát cơ bản tăng 3,07%.
Trong đó, chỉ số giá vàng tăng 1,03% so với tháng trước và tăng hơn 29% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ cũng tăng 0,21% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1-2025 ước tính giảm 9,2% so với tháng trước nhưng tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6%, sản xuất và phân phối điện tăng 0,4% và cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,2%. Riêng ngành khai khoáng giảm 10,4%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng so với cùng kỳ tăng ở 47 địa phương và giảm ở 16 địa phương trên cả nước. Số lao động đang làm việc lĩnh vực công nghiệp tính đến ngày 1-1 tăng 4,5% so với cùng thời điểm năm trước.