Chủ Nhật, 19/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Tổng thống Joe Biden ký thông qua luật đầu tư cho hạ tầng trị giá 1.200 tỉ đô la

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chiều 15-11, theo giờ Washington, tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thông qua Đạo luật Việc làm và đầu tư hạ tầng để triển khai gói chi tiêu cho hạ tầng lên đến 1.200 tỉ đô la, bao gồm 550 tỉ đô la dành cho các dự án nâng cấp đường sá, cầu cống, sân bay, cảng biển, hệ thống internet băng thông rộng, trạm sạc xe điện... Đây là gói chi tiêu đầu tư và nâng cấp hạ tầng lớn nhất trong hơn 50 năm qua ở Mỹ.

Tổng thống Joe Biden ký thông qua Đạo luật Việc làm và đầu tư hạ tầng hôm 15-11. Ảnh: Getty

Thắng lợi chính trị của Tổng thống Biden

Đạo luật được ký thông qua sau khi đạt được sự đồng thuận hiếm hoi của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ.

Phát biểu sau khi ký thông đạo luật, Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng nó là bằng chứng cho thấy các nghị sĩ của lưỡng đảng vẫn có thể hợp tác để giải quyết các vấn đề.

Ông cũng cho rằng gói chi tiêu hạ tầng mới sẽ đặt Mỹ vào vị thế thuận lợi hơn để cạnh tranh với Trung Quốc và các nước khác đang chạy đua giành sự thống trị trong các ngành công nghiệp mới nổi của thế kỷ 21. “Hãy nhớ lại những gì chúng ta đã làm cho người dân Mỹ khi chúng ta xích lại gần nhau. Tôi thực sự tin rằng 50 năm nữa, các nhà sử học sẽ nhìn lại thời điểm này và đánh giá rằng đó là giai đoạn Mỹ bắt đầu giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh của thế kỷ 21,” ông nói.

Đạo luật mà ông Biden vừa ký thông qua sẽ không giúp giải quyết toàn bộ danh sách các khoản đầu tư hạ tầng cần thiết của Mỹ và nó cũng không tham vọng như mức đề xuất chi tiêu ban đầu là 2.300 ngàn tỉ đô la của ông Biden.

Những thỏa hiệp cần phải có để giành sự ủng hộ của một nhóm lớn thành viên Đảng Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ đã ngăn cản tham vọng ban đầu của đạo luật nhằm đầu tư vào “cơ sở hạ tầng con người” như chăm sóc sức khỏe cho người già tại nhà cũng như củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia để chống chọi và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, giới chức trách, chuyên gia kinh tế và các hiệp hội kinh doanh phần lớn đều nhất trí rằng gói chi tiêu hạ tầng nói trên là bước đi quan trọng nhất trong một thế hệ nhằm hướng tới nỗ lực nâng cấp các cơ sở hạ tầng trọng yếu. Họ cho rằng đạo luật đầu tư hạ tầng sẽ sớm mang lại lợi ích cho nhiều doanh nghiệp và người dân, từ các nhà sản xuất xe điện cho đến những người dân sử dụng internet ở vùng nông thôn.

Đạo luật đầu tư hạ tầng là một thắng lợi chính trị của Tổng thống Biden vào thời điểm uy tín của ông đang xuống thấp. Tỷ lệ tín nhiệm dành cho ông trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri giảm xuống mức thấp mới, 41% trong bối cảnh lạm phát ở Mỹ tăng mạnh, khiến giá thực phẩm, xăng dầu và đồ gia dụng trở nên đắt đỏ hơn.

 Cạnh tranh với Trung Quốc và các cường quốc khác

Một số khoản chi đầu tiên của đạo luật sẽ dành cho các lĩnh vực mà ông Biden ưu tiên, chẳng hạn, 65 tỉ đô la được sử dụng để cải thiện khả năng truy cập internet băng thông rộng ở các vùng nông thôn, 55 tỉ đô la dành cho việc nâng cấp hệ thống thoát nước và thay thế các đường ống rỉ sét... Đạo luật cũng sẽ phân bổ 17,1 tỉ đô la để nâng cấp các cảng lớn của đất nước, vốn đang tắc nghẽn và góp phần gây ra tình trạng giao hàng chậm trễ, dẫn đến lạm phát tăng giữa lúc nhu cầu hàng hóa nhập của người tiêu dùng Mỹ tăng mạnh sau khi nền kinh tế tái mở cửa.

Đạo luật sẽ cung cấp 7,5 tỉ đô la để đầu tư cho xe buýt và phà không phải phát carbon hoặc phát thải thấp. 7,5 tỉ đô la khác sẽ được sử dụng để xây dựng mạng lưới trạm sạc xe điện trên toàn quốc.

Đạo luật cũng phân bổ hơn 200 tỉ đô la để xây dựng lại cầu đường, nâng cấp hệ thống đường sắt chở hàng hóa và hành khách cũng như hệ thống giao thông công cộng, tất cả đều có thể giúp thúc đẩy năng suất của nền kinh tế Mỹ.

Theo Nhà Trắng, 45.000 cầu cống và 280.000 km xa lộ và các tuyến đường quan trọng khác ở Mỹ đang xuống cấp. Gói chi tiêu cho hạ tầng mới sẽ không thúc đẩy nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ như một gói kích thích kinh tế truyền thống và đó cũng không phải là mục tiêu chính của nó. Cecilia Rouse, Chủ tịch tịch Hội đồng các cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, nói: “Đạo luật này không nhằm kích thích kinh tế. Nó được thiết kế để tạo những khoản đầu tư chiến lược, hiệu quả nhất để chúng ta có thể tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc và các cường quốc khác đang đầu tư mạnh mẽ hơn vào cơ sở hạ tầng của họ”.

Giới chức trách cho biết sẽ tập trung vào các dự án tạo ra tác động tích cực cho người dân. Gói chi tiêu 1.200 tỉ đô la được thiết kế để giải ngân tiền trong nhiều năm, một phần là nhằm tránh nguy cơ đẩy tăng giá cả khắp nền kinh tế Mỹ vốn đang chứng kiến lạm phát lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Tổng thống Biden và các cố vấn của ông cho biết họ kỳ vọng gói chi tiêu hạ tầng mới sẽ mang lại nhiều lợi ích, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo thời gian, bao gồm chuỗi cung ứng linh hoạt hơn, tốc độ truy cập internet nhanh hơn và cải thiện kết quả giáo dục cho trẻ em, những người sẽ không còn chịu nguy cơ nhiễm độc chì từ ống nước rỉ sét, có thể gây ảnh hưởng đến phát triển não bộ.

Theo New York Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới