Thứ sáu, 1/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

TPHCM bác ý kiến của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân về phí hạ tầng cảng biển làm nặng gánh chi phí

Đào Loan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Liên quan đến ý kiến của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho rằng, việc TPHCM thu phí hạ tầng cảng biển là gia tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thành phố cho rằng, việc thu là đúng luật, đúng thực tiễn và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

TPHCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ đầu tháng 4-2022. Ảnh: Minh Duy

Sau hai lần gia hạn, TPHCM đã bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển từ ngày 1-4. Với loại phí này, dù chính quyền thành phố cho biết, thu phí là để đầu tư lại cho hạ tầng giao thông nhưng một số doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp vẫn đề nghị lùi thời gian thu vì hoạt động sản xuất, kinh doanh đang gặp khó khăn.

Vài ngày trước, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về một số bất cập, tác động tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp từ việc thu loại phí này.

Trong đó, trên cơ sở tổng hợp các ý kiến doanh nghiệp, Ban IV cho rằng, việc TPHCM gia tăng một gánh nặng chi phí mới cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu giữa bối cảnh chi phí logistics đã tăng quá cao ngược dòng với chủ trương của Chính phủ về thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sau đại dịch.

Tối nay (7-4), trong buổi họp về một số vấn đề kinh tế, xã hội... của thành phố trong quí 1-2022, ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã thông tin về vấn đề này.

Theo đó, về mặt pháp lý, việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển trên địa bàn TPHCM đã tuân thủ Luật phí, lệ phí. Về thực tiễn, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng cũng đã thu loại phí này từ năm 2017.

Khi lập đề án này, TPHCM đã nghiên cứu rất kỹ để tránh các tác động tiêu cực với hoạt động của doanh nghiệp và cũng đã lấy ý kiến các hiệp hội, tuy cũng có một ý kiến phản đối nhưng phần lớn đồng thuận. "Mục tiêu không phải là thu phí để tăng ngân sách nhà nước", ông Bằng nói.

Theo đó, việc thu phí hạ tầng cảng biển là để có kinh phí đầu tư cho hạ tầng giao thông làm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Thêm vào đó, việc này cũng giúp giảm tải cho hệ thống cảng, giao thông của TPHCM và chia sẻ, phát triển hệ thống cảng trong khu vực.

Ông Bằng giải thích, vào năm 2021, có đến 161 triệu tấn hàng hóa qua cảng TPHCM trong khi quy hoạch chỉ là 114 triệu tấn, tức vượt 40%.

Trong đó, khu vực cảng Cát Lái gần như vượt 100% quy hoạch mà hạ tầng giao thông kết nối không đảm bảo, như với đường Nguyễn Thị Định, lộ giới quy hoạch là 60m nhưng hiện nay chỉ đầu tư 35m còn đường vành đai 2 chưa làm được.

Hiện nay, xe cộ Cảng Cát lái đi Bình Dương, Đồng Nai phải đi theo đường Đồng Văn Cống ra Mai Chí Thọ, Xa lộ Hà Nội, đến trạm 2. Đoạn đường này vừa dài, xe cộ đi tốc độ chậm và phải đi trong các đường đô thị nên rất nguy hiểm.

Nếu thu phí hạ tầng cảng biển để đầu tư cho đường vành đai 2 thì xe chở hàng từ Cảng Cát Lái có thể ra đến mũi giao Mỹ Thủy rồi đi một vòng Vành Đai 2 đến mũi giao Gò Dưa, chỉ khoảng 15km. Do chiều rộng của đường được quy hoạch rất rộng, đến 67m nên xe container sẽ đi rất nhanh, có thể quay về 2-3 vòng/ngày thay vì chỉ khoảng 1 vòng như hiện nay.

Cũng theo ông Bằng, hạ tầng giao thông kết nối không đảm bảo làm chi phí logistics (chi phí hậu cần) tăng lên, muốn giảm chi phí này thì phải đầu tư hạ tầng giao thông, gồm đường thủy và đường bộ. Thành phố thu phí là để đầu tư.

Một vấn đề nữa, hiện nay tuy các cảng khu vực xung quanh TPHCM đã đầu tư tương đối đầy đủ nhưng công suất khai thác thấp hơn công suất quy hoạch. Tàu không về mà đổ về TPHCM.

Vì vậy, TPHCM xây dựng đề án thu phí cũng nhằm để giảm quá tải cho thành phố. Khi tàu bè về các cảng ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thì xe cộ cũng sẽ đến các khu vực đó thay vì đổ dồn vào thành phố. Việc này cũng sẽ chia sẻ, phát triển hệ thống cảng biển xung quanh TPHCM.

Quan chức này cho biết, hai lần gia hạn thời gian thu phí hạ tầng cảng biển vì dịch Covid-19 đã làm TPHCM đã giảm thu khoảng 2.200 tỉ đồng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới