Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

TPHCM cần quy hoạch thích ứng để nhìn về tương lai

Huỳnh Thế Du - Trần Hương Giang - Huỳnh Ngọc Tấn (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Khi nhìn lại quá trình thiết kế và thực thi các bản quy hoạch TPHCM từ năm 1858 đến nay, một kết quả khá bất ngờ đó là các dự báo đưa ra đều khác biệt rất xa so với thực tế và kết quả thực thi quy hoạch cũng tách rời khỏi những dự tính ban đầu.

TPHCM nhìn từ trên cao. Ảnh: enCity

Các bản quy hoạch qua các thời kỳ từ Pháp thuộc cho đến nay nhiều lần được thực hiện bởi các kiến trúc sư và quy hoạch sư nổi tiếng dày dặn kinh nghiệm, nhưng vẫn dẫn đến một kết quả chung là không gắn được với thực tiễn và đem lại ý nghĩa thực hành rất kém. Điều này dẫn đến một loạt câu hỏi liên quan tới vấn đề nguyên nhân nào khiến các bản quy hoạch đô thị trở nên kém ý nghĩa, và có cần phải làm quy hoạch cho thành phố nữa hay không, nếu làm thì phải làm như thế nào để tăng khả năng thực thi và tính phối hợp chung giữa các đối tượng? Tương lai nào cho TPHCM trong bối cảnh phát triển và quy hoạch hiện nay?

Mỗi nền kinh tế, xã hội cần tìm cho mình một nhịp đập chung để tất cả các yếu tố cấu thành có thể sóng bước bên nhau một cách nhịp nhàng và hiệu quả.

Quy hoạch đô thị không phát huy được vai trò kỹ thuật

Kết quả thống kê cho thấy, quá trình dự báo dân số của tất cả các bản quy hoạch đã khác rất xa so với thực tế diễn ra. Ví dụ theo Thrift và Forbes (1986), TPHCM đạt quy mô dân số vào tháng 4-1975 là khoảng 4,5 triệu người, gần gấp ba dân số được dự báo trong bản quy hoạch thực hiện vào năm 1968. Vấn đề không dừng lại ở đó, việc các bản quy hoạch sau thường có tính kế thừa và căn cứ vào dữ liệu và cách thức thực hiện của các bản quy hoạch trước đó lại làm cho vấn đề sai lệch càng thêm sai.

Ngoài ra, các bản quy hoạch đô thị thường được thực hiện bởi các kiến trúc sư và quy hoạch sư lại hoàn toàn bỏ qua một yếu tố quan trọng, đó là vấn đề năng lực tài chính. Nhìn chung, các chuyên gia có phân tích các yếu tố chiến lược phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, nhưng lại hoàn toàn không đề cập đến khả năng thực hiện dưới góc độ tài chính để đảm bảo tính khả thi.

Bên cạnh đó, các bản quy hoạch cũng chưa đưa ra những đánh giá phương án sử dụng đất hay hạ tầng giao thông khác nhau để có sự cân nhắc trong việc lựa chọn giải pháp phù hợp. Chính vì vậy mà các kế hoạch quy hoạch không gian giống như một tác phẩm nghệ thuật được dùng để thưởng lãm nhiều hơn là thực hiện.

Quá trình thực thi ở các giai đoạn còn góp phần đẩy các không gian đi theo những hướng đi thiếu nhất quán hơn. Có rất nhiều bản quy hoạch khác nhau, trong đó, nhiều nội dung đưa ra khó phối hợp, thậm chí là mâu thuẫn nhau.

Ngoài ra, người thực hiện cũng khó khăn trong việc xác định xem quy hoạch nào còn hiệu lực, và quy hoạch nào đang điều chỉnh các quy hoạch khác. Hơn nữa, sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan ban ngành và phân mảnh thể chế khiến hệ thống thực thi như con thuyền xoay vòng trong xoáy nước, khó lòng tiến về phía trước.

Trước bối cảnh đó, một nhân tố có tác động âm thầm nhưng có sức ảnh hưởng không hề nhỏ đó là sự can thiệp của các nhà đầu tư tư nhân làm các kế hoạch thường xuyên bị thay đổi và thực hiện một cách manh mún. Trong khi đó, vai trò của người dân trong việc tham dự vào thực thi quy hoạch không gian tại các đô thị lại khá mờ nhạt. Điều này khiến câu chuyện quy hoạch không còn giống với những dự tính ban đầu và cũng chưa thể hiện được nhu cầu của cộng đồng.

Quy hoạch thích ứng có phải là giải pháp?

Trong bối cảnh chuyển đổi, thế giới thay đổi liên tục, các tác động ngoài dự đoán đang tạo ra những cú sốc kinh tế, xã hội cho các quốc gia và địa phương. Việc đưa ra một kế hoạch thiếu linh hoạt và cứng nhắc trong tuân thủ đang là một sự lựa chọn chưa hợp lý, dễ gây ra các rủi ro trì trệ hoặc mất cân đối, thậm chí đổ vỡ do những ảnh hưởng tiêu cực bất ngờ quá lớn. Tuy nhiên, một bản quy hoạch lỏng lẻo được thực thi một cách tùy tiện còn tạo ra nhiều rủi ro trục lợi và nhũng nhiễu hơn.

Quy hoạch thích ứng đang là xu hướng mới và hợp thời, đòi hỏi thực hiện một quy trình liên tục trong cả ngắn, trung và dài hạn để đảm bảo bám sát với nhu cầu thực tế và kiểm soát các yếu tố cả thuận lợi và bất lợi xuất hiện liên tục trong suốt quá trình thực thi để đạt được sự phát triển bền vững và nhất quán trong việc hướng đến các mục tiêu đã đề ra. Tuy nhiên, cả mục tiêu cũng có thể phải thích ứng trong những bối cảnh đặc biệt.

Đặc điểm của quy hoạch thích ứng đó là quá trình quy hoạch, thực thi và đánh giá được thực hiện liên tục theo một vòng tuần hoàn và có sự tham gia của nhiều đối tượng trong các vai trò định vị, nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, thực thi, giám sát, kiểm soát, phân tích, đánh giá, truyền thông, thích ứng...

Các hoạt động được thực hiện nhịp nhàng và luôn trong tình trạng sẵn sàng điều chỉnh thông qua liên tục xác định và định nghĩa các vấn đề phải đối diện khi các bối cảnh thay đổi trước những tác động ngoài dự đoán đủ lớn.

Tương lai nào cho TPHCM?

Vừa qua, TPHCM đã thực hiện báo cáo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với dự báo dân số năm 2030 là 11 triệu người, cùng bức tranh về một đô thị trung tâm với 15 quận là đô thị hạt nhân của hệ thống đô thị TPHCM, thành phố Thủ Đức đóng vai trò đô thị song hành, tạo cực tăng trưởng mới và các đô thị vệ tinh cấp 3 gồm: Củ Chi - Hóc Môn, Bình Chánh, quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ. Báo cáo quy hoạch này liệu có thể đi vào thực thi hay lại tiếp tục cùng số phận với các báo cáo quy hoạch trước đó?

Nhìn chung, sự thiếu nhịp nhàng giữa các vấn đề về kỹ thuật và kinh tế, chính trị trong quy hoạch TPHCM hoàn toàn có thể dẫn đến một quy trình thực thi quy hoạch kém hiệu quả và hỗn loạn, điều đã có tiền lệ. Thành phố nên áp dụng quy trình quy hoạch thích ứng, trong đó cần sử dụng cách tiếp cận cụm ngành cho việc phân tích và quy hoạch các ngành kinh tế. Đối với tầm nhìn dài hạn, quá trình quy hoạch cần linh động với những phác thảo tổng quát và tạo ra những vùng thích ứng với các kịch bản và sự lựa chọn đa dạng hơn. Ngoài ra, các yếu tố kỹ thuật trong quy hoạch cần phải gắn liền với các yếu tố kinh tế, chính trị để đảm bảo tính khả thi của quá trình thực thi.

Quy hoạch TPHCM nói chung cần được nhìn nhận như một cơ hội để tạo ra sự hợp tác của các địa phương và tổ chức, huy động sự tham gia và ủng hộ của công chúng. Hơn nữa, chính quyền thành phố có thể tận dụng quy hoạch để giới thiệu các ý tưởng tốt nhằm thu hút sự tham gia của người dân và sự đóng góp các nguồn lực và thế mạnh đa dạng của các tổ chức.

(*) Nhóm FUSE - Hội Cựu học viên Fulbright về kinh tế xã hội đô thị

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới