(KTSG Online) – UBND TPHCM vừa giao Sở Giao thông Vận tải (GTVT) chuẩn bị đầu tư tuyến đường vành đai 4 (đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai) theo hình thức đối tác công tư (PPP).
- Giải phóng mặt bằng là yếu tố quan trọng đẩy nhanh tiến độ dự án vành đai 3
- TPHCM dùng 2 dòng vốn đầu tư để hoàn thành đường vành đai 2 vào cuối 2026
Theo đó, UBND TPHCM giao Sở GTVT chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phương thức đối tác công tư và quy định pháp luật khác có liên quan.
Đường vành đai 4 dài gần 200 km, với thiết kế có 6-8 làn xe, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư sơ bộ dự kiến khoảng 100.000 tỉ đồng và được thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Hồi tháng 9-2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ GTVT về việc giao 5 địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án đường vành đai 4.
Trong đó, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Phú Mỹ - Bàu Cạn, dài khoảng 18 km.
UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn Bàu Cạn - cầu Thủ Biên (không bao gồm cầu Thủ Biên), dài khoảng 45 km.
UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu Thủ Biên - Sông Sài Gòn (gồm cầu Thủ Biên và không bao gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 49 km.
UBND TPHCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn cầu qua sông Sài Gòn - kênh Thầy Cai (gồm cầu vượt sông Sài Gòn), dài khoảng 17 km.
UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện đoạn kênh Thầy Cai - Hiệp Phước (gồm cả đoạn qua khu vực Hiệp Phước thuộc địa phận TPHCM), dài khoảng 71 km.