(KTSG Online) - Dù TPHCM có kế hoạch phát triển thành đô thị thông minh, đang đầu tư nhiều vào chuyển đổi số và chính quyền điện tử, song tỷ lệ người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến còn rất thấp.
- Chủ tịch TPHCM: nhìn thẳng hạn chế để sửa đổi tốt hơn
- Xuất hiện những dấu hiệu làm chậm quá trình hồi phục kinh tế TPHCM
Thông tin này được ghi nhận trong khuôn khổ cuộc họp Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 của TPHCM được tổ chức ngày 12-8.
Theo ThS. Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, TPHCM có 91% người dân dùng internet nhưng chỉ có khoảng 6% người dân tham gia dịch vụ hành chính công trực tuyến, thấp hơn so với trung bình của cả nước.
Chuyên gia này còn cho rằng dịch vụ hành chính công trực tuyến của thành phố không có nhiều thay đổi sau 2 năm qua. Theo bà Huyền, dịch vụ hành chính công trực tuyến của thành phố quá nhiều hình ảnh, chưa thân thiện với người dùng, thay vì hỗ trợ người dùng thì lại bắt tra cứu hồ sơ. Ở một số tỉnh – thành khác, khi vào dịch vụ công trực tuyến người dân sẽ gặp câu hỏi đầu tiên là bạn cần làm gì, bà Huyền chia sẻ thêm.
Cũng liên quan đến dịch vụ công trực tuyến của TPHCM, ông Phạm Minh Hùng, Vụ trưởng Vụ cải cách hành chính, Bộ Nội vụ cho rằng, TPHCM đẩy mạnh thực hiện chính quyền điện tử nhưng hiệu quả lại không cao.
Theo ghi nhận của ông Hùng, TPHCM giảm thời gian và đơn giản hóa thủ tục bằng cách từ tiếp nhận trực tiếp chuyển sang trực tuyến, tuy nhiên người dân quan tâm và tham gia ít, mới đạt khoảng 20,87%.
"Kết quả này không được như kỳ vọng vì chi phí đầu tư rất nhiều. Đây là chỉ số mà thành phố cần phải nâng lên trong thời gian tới", ông Hùng nói.
Theo ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát hành chính (Văn phòng Chính phủ), TPHCM hiện có khoảng 800 dịch vụ công trực tuyến nhưng chỉ có khoảng 22 dịch vụ kết nối với cổng thông tin quốc gia. Số lượng này rất ít, đơn lẻ và không liên thông, liên kết giữa các cơ quan nên thủ tục hành chính chưa rút ngắn thời gian.
Theo kết quả công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông tại phiên họp lần thứ 3 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số mới đây, TPHCM đứng thứ ba toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021. Kết quả này, TPHCM tăng 2 bậc so với kết quả năm 2020.
Việc đứng thứ ba toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số cho thấy quyết tâm thực hiện chuyển đổi số của cả hệ thống chính trị TPHCM trong ứng phó dịch bệnh và khôi phục nền kinh tế phát triển bền vững.
Theo Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM, kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số dựa trên 9 chỉ số chính được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động.
Nhóm chỉ số nền tảng chung gồm sáu chỉ số chính: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh. Nhóm chỉ số về hoạt động gồm ba chỉ số chính: hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TPHCM, tháng 10-2022, thành phố sẽ hoàn thành cổng dịch vụ công. Cổng sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TPHCM, và 25 dịch vụ công thiết yếu theo đề án 06.Với hệ thống thông tin một cửa điện tử, sở sẽ thiết lập 1.454 thủ tục hành chính của các sở ban ngành và các địa phương để người dân nộp hồ sơ trực tiếp và trực tuyến.
80% web là đăng tin, giới thiệu luật lệ. ID thì không kết nối được với hệ thống để xác thực thì CCCD chip để cho vui.
Chưa đảm bảo hệ thống an toàn, chính xác mà đã bỏ HK giấy. Lấy gì để xác minh thông tin hộ, số nhân khẩu, quan hệ với chủ hộ? Nhỡ hệ thống bị sai sót thì sao? Dân dùng gì làm bằng chứng?
Cơ bản vậy còn chưa xong thì dân tham gia thế nào?