(KTSG Online) - Từ đầu tháng 10 đến nay, trung bình mỗi ngày TPHCM có 9-20% trên tổng số 549 cửa hàng bán lẻ nhiên liệu thiếu xăng tạm thời. UBND TPHCM ngày 21-11 đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất, kiến nghị những giải pháp gỡ khó và đảm bảo cung ứng xăng dầu.
- TPHCM: thiếu nguồn nên có 65 cửa hàng không đủ xăng dầu
- Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu trong ngày 12-11
Về giải pháp duy trì hoạt động chuỗi cửa hàng bán lẻ xăng dầu, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo tính toán các phương án hỗ trợ doanh nghiệp có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối chia sẻ nguồn lợi nhuận cho đại lý, cửa hàng bán lẻ một cách hợp lý, trong đó bảo đảm mức chiết khấu tối thiểu 500 đồng/lít.
Theo văn bản của UBND TPHCM, mặc dù các doanh nghiệp đã nỗ lực nhưng có tình trạng các thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động nhập hàng để kinh doanh vì bị thua lỗ, nên có thời điểm thiếu nguồn hàng.
Để đảm bảo bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường, UBND TPHCM đề xuất các cơ quan quản lý cần có giải pháp điều hành giá tăng, giảm phù hợp với thị trường. Đặc biệt, UBND TPHCM đề xuất rút ngắn thời gian kỳ điều chỉnh giá xăng, dầu từ 3-5 ngày thay vì 10 ngày như quy định hiện nay. Cũng theo đề xuất này, việc điều chỉnh giá cần đúng ngày đã quy định, không được lùi ngày dù trùng vào ngày nghỉ cuối tuần, lễ, tết như hiện nay.
Bên cạnh đó, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng, dầu như chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và người tiêu dùng. Đồng thời kiến nghị các Bộ, ngành xem xét, nâng tỷ trọng sản lượng xăng, dầu từ nguồn nhập khẩu để tính giá cơ sở.
Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng xem xét gia hạn nộp thuế cho các doanh nghiệp xăng dầu trong một giai đoạn nhất định do hiện nay nhiều đơn vị có số nợ thuế lớn.
Kiến nghị này không phù hợp với vai trò kiến tạo của nhà nước. Chính phủ chỉ lo chính sách và cơ chế. Việc kinh doanh, lời lỗ doanh nghiệp phải tự lo. Xăng dầu là hàng hóa, như bao nhiêu loại hàng hóa khác, cần phải vận hành theo đúng quy luật thị trường. Khổ nổi, lâu nay ta điều hành theo kiểu: Xăng dầu, nếu không có, lấy thứ gì thay thế ? Từ đó buộc nhà nước phải suốt ngày lu bu, lo lắng. Nay cần phải chuyển sang kiểu làm mới: Xăng dầu không thiếu, chỉ thiếu doanh nghiệp có đủ năng lực và uy tín trên thương trường.