(KTSG Online) - Để năm 2025 các thủ tục liên quan đến hành chính diễn ra được trên nền tảng số thì ngay từ bây giờ phải có sự tập trung cao để phát triển các dịch vụ công, triển khai app công dân là công cụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân...
- Cải cách hành chính: đòn bẩy nâng cao năng lực cạnh tranh
- Cải cách thủ tục hành chính: Đừng để tính chất địa phương trở thành rào cản đầu tư
Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND TPHCM tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) vào chiều ngày 20-2.
Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM, cho rằng Đề án 06 chính là cuộc cách mạng chuyển đổi số nhằm tiết kiệm thời gian, vật chất, sức người, sức của.
Qua 2 năm thực hiện, người dân đã được cung cấp, tích hợp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày trên môi trường mạng (100% công dân đủ điều kiện đã được cấp mã số định danh cá nhân, căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử mức 2).
Đề án 06 đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang phương thức quản lý ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân giữa các ngành, địa phương; góp phần thực hiện cải cách hành chính, tiết kiệm thời gian, công sức cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo ông Tài, còn một số điểm nghẽn trong quá trình thực hiện. Các cơ quan, đơn vị gặp khó khăn khi có tình trạng mất kết nối tạm thời trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến vào giờ cao điểm; thời gian chuyển tiếp hồ sơ đăng ký cư trú giữa các hệ thống còn chậm trễ, ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ người dân.
Một số hệ thống dữ liệu từ bộ, ngành chưa liên thông với TPHCM khiến cán bộ phải thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên nhiều hệ thống với một số lượng dữ liệu quá lớn.
Bà Võ Thị Trung Trinh, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số, cũng cho rằng hệ thống của bộ, ngành chưa được nâng cấp đồng bộ với hệ thống của TPHCM nên khi hệ thống bị “rớt” chính là “rớt” từ phía bộ, ngành.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, kết quả triển khai Đề án 06 đã đóng góp tích cực cho thành phố. Tuy nhiên, do đây là việc mới và khó, nên còn nhiều tồn tại, vướng mắc phải tập trung tháo gỡ.
Người đứng đầu chính quyền thành phố yêu cầu các đơn vị tiếp tục tập trung tháo gỡ các vướng mắc khó khăn trong việc thực hiện Đề án 06. Với các vấn đề mà TPHCM được phép tháo gỡ thì cần đẩy nhanh thực hiện; nếu vượt quá khả năng của thành phố cần đề xuất lên các cơ quan chức năng, bộ ngành trung ương để tìm cách tháo gỡ thực hiện.
Ông đề nghị bám sát các chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa thực hiện để đạt và vượt được mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tiêu mà TPHCM đã đề ra.
Cơ quan thường trực cho Đề án 06 là Công an TPHCM và cơ quan thường trực cho chuyển đổi số là Sở Thông tin và Truyền thông phải tổng hợp, rà soát, các chỉ đạo của cấp trên, tình hình của thành phố để đề xuất, sớm ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024.
Theo ông Mãi, năm nay, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM, gắn với Đề án 06. Do đó, thành phố phải đặt quyết tâm cao.
Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị các cơ quan cần tập trung, đánh giá đúng hiện trạng, lên kế hoạch và tiến hành đầu tư về hạ tầng, trang thiết bị để phục vụ cho chuyển đổi số, trong đó có hoạt động của Đề án 06, tiến tới xây dựng thành phố thông minh trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố theo chiến lược dữ liệu của thành phố; phải kết nối được dữ liệu quốc gia; triển khai vận hành ứng dụng dùng chung thống nhất trên nền của Đề án 06 ở TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, để trong năm 2025 các thủ tục liên quan đến hành chính diễn ra được trên nền tảng số thì ngay từ bây giờ phải có sự tập trung cao để phát triển các dịch vụ công, triển khai app công dân là công cụ giao tiếp giữa chính quyền và người dân; triển khai nền tảng quản trị thực thi gắn với sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, cần phải đào tạo nguồn nhân lực và phát huy vai trò của trung tâm chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế bằng các văn bản quy trình quy định, hướng dẫn đi đến thống nhất chung khi triển khai…
Kết quả 2 năm thực hiện
Hai năm thực hiện Đề án 06, TPHCM đã phối hợp xác minh hơn 3,9 triệu hồ sơ tiêm chủng phục vụ cập nhật lên Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19; đồng bộ 12,8 triệu lượt dữ liệu hộ tịch, tư pháp của TPHCM với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; rà soát, làm sạch 36.899 trường hợp bị sai lệch dữ liệu nguồn Bảo hiểm xã hội.
TPHCM có tổng cộng 35 mô hình điểm thực hiện Đề án 06, đến nay đã triển khai có hiệu quả 17/35 mô hình. Chẳng hạn như: thanh toán không dùng tiền mặt, khám chữa bệnh sử dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử và ứng dụng VNeID; cấp chữ ký số cho công dân trên ứng dụng VNeID…
Thành phố đã cung cấp 276 dịch vụ công trực tuyến một phần và 464 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống thông tin thủ tục hành chính thành phố; thu nhận được hơn 7,6 triệu hồ sơ cấp thẻ CCCD gắn chip và hơn 5,5 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2.